Tin tức
Phù hoàng điểm do biến chứng của bệnh đái tháo đường
- 26/02/2021 | Bác sĩ tư vấn: Đau mắt đỏ cần kiêng gì để bệnh nhanh khỏi?
- 08/01/2021 | Tổng hợp những thông tin cần biết về viêm kết mạc mắt
- 06/01/2021 | Mổ mắt cận thị giá bao nhiêu và những thông tin cần biết
1. Những nguyên nhân gây phù hoàng điểm
Khi các mạch máu ở võng mạc bị tổn thương sẽ có thể xảy ra tình trạng tích tụ hay rò rỉ dịch bất thường trong hoàng điểm và dẫn tới phù hoàng điểm. Nguyên nhân thường gặp nhất gây bệnh là do biến chứng của đái tháo đường. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể là:
Do bệnh thoái hóa điểm vàng ở người già: Sự lão hóa chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những vấn đề ở mắt đối với người cao tuổi, phổ biến là tình trạng thoái hóa điểm vàng. Đây cũng chính là nguyên nhân gây phù hoàng điểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của người lớn tuổi.
Phù hoàng điểm có thể do biến chứng của bệnh đái tháo đường gây ra
Do biến chứng của những cuộc phẫu thuật mắt: Khi phẫu thuật mắt để điều trị một số bệnh lý, người bệnh cũng có nguy cơ gặp phải một số biến chứng, trong đó có thể kể đến tình trạng phù hoàng điểm.
Do những bệnh viêm nhiễm ở mắt gây nên: Rất nhiều người chủ quan với tình trạng viêm nhiễm ở mắt. Nhưng đây lại chính là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng đối với đôi mắt của bạn.
2. Nguy cơ phù hoàng điểm khi mắc bệnh đái tháo đường
Trong phần này, chúng tôi sẽ nói rõ hơn vì sao bệnh nhân đái tháo đường lại có nguy cơ cao mắc bệnh phù hoàng điểm. Trước hết bạn cần hiểu, võng mạc là lớp thần kinh mạch máu nằm bên trong mắt. Đây chính là nơi các tế bào thần kinh chuyển ánh sáng thành tín hiệu thần kinh và sau đó truyền về não bộ. Vì thế mà chúng ta có thể nhận biết, phân biệt được hình ảnh. Trong đó, hoàng điểm chính là vùng trung tâm của võng mạc, có vai trò thị giác rõ nét, đặc biệt quan trọng của võng mạc.
Người bệnh tiểu đường dễ gặp phải những biến chứng gây tổn thương võng mạc
Đối với bệnh nhân mắc đái tháo đường, họ có nguy cơ gặp phải biến chứng gây tổn thương võng mạc và khiến làm tăng nguy cơ tắc nghẽn vi mạch và tình trạng rò rỉ dịch. Từ đó, khiến cho tình trạng tụ dịch tại hoàng điểm trở nên nghiêm trọng hơn và gây phù. Đây cũng được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến cho bệnh nhân đái tháo đường bị suy giảm thị lực.
3. Triệu chứng bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường
Đây là căn bệnh có diễn biến âm thầm và hầu như bệnh nhân rất khó để nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm. Phần lớn người bệnh chỉ đi khám và được phát hiện bệnh khi đã có sự suy giảm thị lực đáng kể. Điều này khiến cho việc điều trị, kiểm soát bệnh càng trở nên khó khăn hơn.
Người bệnh bị suy giảm thị lực
Tuy nhiên, có một số biểu hiện đặc trưng của phù hoàng điểm mà bệnh nhân có thể cảm nhận được là:
- Tình trạng mất thị lực từng mảng.
- Nhìn mờ, nhìn đục: Người bệnh gặp khó khăn khi nhìn sự vật xung quanh,…
- Người bệnh nhìn sự vật không rõ nét và rất khó phân biệt được màu sắc,…
Những triệu chứng trên cũng cho thấy thị lực của người bệnh đã giảm sút rất nhiều và vì thế, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đối với những trường hợp khám sớm, khi bệnh chưa có biểu hiện ra bên ngoài, bệnh nhân chưa cảm nhận được những vấn đề của thị lực thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn. Lời khuyên dành cho bệnh nhân là hãy đi khám mắt định kỳ để phòng ngừa bệnh một cách tốt nhất và có thể phát hiện, điều trị ngay khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
4. Phương pháp điều trị phù hoàng điểm ở bệnh nhân đái tháo đường
Để điều trị bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ bệnh để đưa ra phương pháp phù hợp nhất, tốt nhất với người bệnh. Dưới đây là những phương pháp phổ biến đang được áp dụng:
- Laser hoàng điểm: Đây là phương pháp có thể điều trị hết tình trạng phù nhưng nhược điểm là để lại sẹo trên võng mạc và không giúp cải thiện thị lực.
- Tiêm thuốc nội nhãn: Với phương pháp này, tình trạng thị lực của bệnh nhân có thể được cải thiện. Tuy nhiên, nhược điểm của tiêm thuốc nội nhãn là phải tiêm nhiều lần và kết hợp với việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ. Hơn nữa, thuốc tiêm cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Phẫu thuật cắt dịch kính: Đối với những trường hợp phù hoàng điểm xảy ra khi thủy tinh thể kéo theo điểm vàng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ dịch kính và cải thiện bệnh. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị chỉ định hạn chế.
Điều trị sớm chính là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân bảo tồn và cải thiện được thị lực, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
5. Phương pháp phòng ngừa bệnh phù hoàng điểm đối với bệnh nhân đái tháo đường
Với những bệnh nhân đái tháo đường, nếu không kiểm soát bệnh tốt sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có bệnh phù hoàng điểm.
Bệnh nhân đái tháo đường nên kiểm tra mắt định kỳ
Để phòng ngừa tình trạng này, người bệnh nên thực hiện những điều sau:
- Nên kiểm soát tốt đường huyết cũng như một số yếu tố nguy cơ khác đi kèm, chẳng hạn như tăng huyết áp hay tình trạng rối loạn mỡ máu,…
- Không nên hút thuốc lá.
- Nên thường xuyên vận động, hãy chọn những bộ môn thể thao phù hợp với sức khỏe và sở thích của mình để rèn luyện cho cơ thể khỏe mạnh hơn, dẻo dai hơn giúp tăng cường sức đề kháng và đẩy lùi nhiều loại bệnh.
- Kiểm soát cân nặng ở mức độ vừa phải, không nên để tình trạng thừa cân béo phì.
- Khám mắt định kỳ: Đây là một điều hết sức lưu ý đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 thì sau 3 năm nên khám mắt định kỳ, ít nhất là 1 lần/năm. Đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 nên khám mắt ngay khi phát hiện bệnh và đồng thời thường xuyên theo dõi sức khỏe mắt.
Hãy gọi đến đường dây nóng 1900 56 56 56 của bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn miễn phí.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!