Tin tức
Quy trình thụ tinh ống nghiệm và các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công
- 09/10/2020 | Chữa vô sinh ở Hà Nội bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
- 21/12/2020 | Thụ tinh trong ống nghiệm có an toàn không và chi phí hết bao nhiêu?
- 19/07/2021 | Bị tắc vòi trứng có thụ tinh nhân tạo được không - băn khoăn của nhiều chị em
- 10/02/2025 | Thụ tinh nhân tạo IUI bao nhiêu tiền - Các cặp đôi cần biết!
- 17/02/2025 | Thụ tinh nhân tạo IUI là gì? Đối tượng và quy trình thực hiện
1. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh ống nghiệm hay còn được gọi tắt là IVF, một phương pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc tìm con. Thay vì quá trình thụ thai diễn ra tự nhiên bên trong cơ thể người phụ nữ, với IVF, sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng lại diễn ra bên ngoài, cụ thể là trong phòng thí nghiệm (labo).
Thụ tinh ống nghiệm là biện pháp hỗ trợ sinh sản được ứng dụng nhiều
Tại phòng labo, tinh trùng của người chồng sẽ được mang đi kết hợp với trứng của vợ để tạo thành phôi (mầm sống ban đầu của em bé). Phôi này được nuôi dưỡng tại phòng lab từ 3 đến 5 ngày. Sau đó, phôi được đưa trở lại vào tử cung (dạ con) của người vợ với hy vọng sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi.
2. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm
Quy trình thụ tinh ống nghiệm (IVF) gồm các bước cơ bản như sau:
2.1. Bước 1: Kích thích buồng trứng
- Mục đích: Giúp buồng trứng sản xuất nhiều trứng trưởng thành hơn, thay vì chỉ một quả như chu kỳ tự nhiên.
- Cách làm: Người vợ sẽ tiêm thuốc hàng ngày trong khoảng 10 - 12 ngày.
- Theo dõi: Trong thời gian này, bác sĩ sẽ siêu âm và xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra xem trứng đang lớn như thế nào và niêm mạc tử cung (lớp lót trong dạ con) có đủ dày không.
- Hoàn tất: Khi trứng đạt kích thước cần thiết cũng như niêm mạc tử cung tốt, người vợ sẽ tiêm một mũi thuốc kích rụng trứng vào đúng thời gian bác sĩ đã chỉ định để giúp trứng trưởng thành hoàn toàn, sẵn sàng cho việc lấy ra.
Người mẹ sẽ tự tiêm kích thích buồng trứng lại nhà khoảng 10 - 12 ngày
2.2. Bước 2: Chọc hút trứng
- Mục đích: Lấy các trứng đã trưởng thành ra khỏi buồng trứng.
- Cách làm: Khoảng 36 giờ sau mũi tiêm kích rụng trứng, bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật nhỏ, dùng kim hút nhẹ nhàng các trứng qua đường âm đạo. Người vợ sẽ được gây mê nên sẽ không có cảm giác đau. Thủ thuật này chỉ kéo dài trong 10 đến 15 phút.
- Cùng lúc đó, người chồng sẽ được lấy mẫu tinh trùng tươi hoặc mẫu đã được đông lạnh trước đó.
- Sau thủ thuật: Người vợ nghỉ ngơi tại bệnh viện khoảng 2 - 3 giờ để theo dõi rồi có thể về nhà.
2.3. Bước 3: Tạo phôi
- Mục đích: Kết hợp trứng và tinh trùng để tạo ra phôi (mầm sống ban đầu của em bé).
- Cách làm: Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng thí nghiệm chuyên dụng (phòng Lab). Tại đây, trứng và tinh trùng được kết hợp để quá trình thụ tinh diễn ra và tạo thành phôi.
- Nuôi dưỡng: Phôi được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt khoảng 3 - 5 ngày để phát triển.
- Thông báo: Bác sĩ và chuyên viên phôi học sẽ thông báo cho hai vợ chồng biết có tất cả bao nhiêu phôi được tạo ra và chất lượng của phôi.
2.4. Bước 4: Chuyển phôi
- Mục đích: Đưa phôi khỏe mạnh trở lại vào buồng tử cung của người vợ.
- Thời điểm: Có thể chuyển phôi ngay sau khi tạo (gọi là chuyển phôi tươi), hoặc trữ đông phôi để chuyển vào các chu kỳ sau (gọi là chuyển phôi đông lạnh) nếu cần.
- Chuẩn bị: Người vợ sử dụng thuốc (dạng uống hoặc viên đặt âm đạo) để chuẩn bị một lớp niêm mạc tử cung dày và tốt nhất cho phôi làm tổ.
- Thủ thuật: Khi niêm mạc tử cung đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ mềm để nhẹ nhàng đặt phôi vào buồng tử cung. Thủ thuật này rất nhanh chóng, chỉ khoảng 5 - 10 phút và người vợ thường không cần nằm viện sau đó.
- Sau chuyển phôi: Người vợ tiếp tục dùng các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ trong khoảng 2 tuần tiếp theo để hỗ trợ phôi làm tổ.
Phôi sẽ được đưa vào tử cung của mẹ và theo dõi
2.5. Bước 5: Thử thai
- Mục đích: Kiểm tra xem phôi đã làm tổ thành công và người vợ có thai chưa.
- Cách làm: Khoảng 2 tuần sau chuyển phôi, người vợ đến bệnh viện làm xét nghiệm máu để tiến hành đo nồng độ Beta HCG.
- Kết quả: Nếu nồng độ Beta HCG cao (thường trên 25 IU/L), có nghĩa là phôi đã làm tổ và người vợ đã có thai.
- Theo dõi tiếp: Nếu có thai, bác sĩ sẽ tiếp tục hẹn tái khám bằng xét nghiệm máu và siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai.
- Nếu chưa thành công: Nếu lần chuyển phôi này chưa có thai, nhưng còn phôi trữ đông chất lượng tốt, cặp vợ chồng có thể thực hiện chuyển các phôi còn lại ở chu kỳ sau mà không cần phải lặp lại các bước tiêm thuốc hay chọc trứng từ đầu.
3. Những điều cần chuẩn bị trước khi thụ tinh ống nghiệm
Trước khi bước vào quy trình thụ tinh ống nghiệm chính thức, các cặp vợ chồng cần trải qua một giai đoạn chuẩn bị quan trọng gồm:
- Đầu tiên, cả hai vợ chồng sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết. Mục đích là để kiểm tra sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể, giúp bác sĩ đánh giá tình hình và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
- Tiếp theo, người vợ sẽ được khám kỹ để chuẩn bị cho việc gây mê (khám tiền mê). Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của người vợ để đảm bảo đủ điều kiện và an toàn khi thực hiện quá trình gây mê cho bước chọc hút trứng sau này.
- Nếu kết quả khám và xét nghiệm cho thấy cặp đôi đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành IVF, người vợ sẽ có lịch hẹn quay lại bệnh viện để bắt đầu thăm khám vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt tiếp đó.
- Giai đoạn chờ đợi này chính là thời gian để hai vợ chồng chuẩn bị thật tốt về mọi mặt bao gồm: ổn định tâm lý, tăng cường sức khỏe, chuẩn bị tài chính và sắp xếp công việc để sẵn sàng cho hành trình sắp tới.
Hai vợ chồng cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe cho hành trình IVF
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm
Tỷ lệ IVF thành công sẽ tùy từng trường hợp cụ thể. Tỷ lệ này có thể giảm ở phụ nữ lớn tuổi (sau 40 tuổi) và phụ thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng sau:
- Độ tuổi: Tuổi càng trẻ (đặc biệt là dưới 35), chất lượng trứng và tinh trùng thường tốt hơn, giúp tăng cơ hội tạo phôi khỏe mạnh và tỷ lệ thành công cao hơn.
- Sức khỏe: Cả hai vợ chồng không mắc các bệnh lý mạn tính và chất lượng tinh trùng, chất lượng trứng tốt là yếu tố quan trọng. Việc đi khám sớm khi gặp khó khăn có con (sau 1 năm không dùng biện pháp tránh thai) sẽ giúp khắc phục vấn đề kịp thời.
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt: Ăn uống đầy đủ, bổ sung thêm các dưỡng chất tốt cho sinh sản (như axit folic, omega 3), tránh xa rượu bia, thuốc lá, thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, giữ vệ sinh cá nhân cũng rất cần thiết.
- Tâm lý: Hai vợ chồng cần tránh căng thẳng, lo lắng. Bởi lẽ, stress có thể tác động không tốt đến quá trình làm tổ của phôi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế quan hệ trong thời gian điều trị cũng được khuyên để tránh co bóp tử cung.
- Trình độ chuyên môn của bác sĩ và trang thiết bị trong phòng thí nghiệm: Kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ cùng với chất lượng phòng thí nghiệm đạt chuẩn nghiêm ngặt là yếu tố kỹ thuật then chốt quyết định sự thành công của một ca IVF.
Tỷ lệ thành công của quy trình thụ tinh ống nghiệm phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau
Quy trình thụ tinh ống nghiệm là một chặng đường gồm nhiều bước đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân thủ các hướng dẫn y tế và sự đồng hành của đội ngũ chuyên môn. Việc nắm vững thông tin về quy trình cũng như các yếu tố ảnh hưởng sẽ giúp các cặp vợ chồng chủ động và tự tin hơn trên hành trình tìm con.
Nếu đang tìm hiểu về IVF, cần được tư vấn chuyên sâu về quy trình thụ tinh ống nghiệm hoặc có nhu cầu thăm khám thêm các vấn đề sức khỏe sinh sản, bạn có thể liên hệ chuyên khoa Sản phụ khoa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC thông qua tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ chi tiết hoăn hoặc đặt lịch thăm khám.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
