Tin tức
Rụng tóc khi hóa trị và những điều cần biết
- 05/01/2021 | Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng rụng tóc nhiều ở nữ giới
- 09/11/2020 | Những “thủ phạm” gây rụng tóc nhiều ở nữ và cách khắc phục
- 09/11/2020 | Rụng tóc nhiều là thiếu chất gì và cách điều trị hiệu quả
1. Tại sao hóa trị ung thư lại gây rụng tóc?
Quá trình điều trị ung thư không thể không nhắc đến phương pháp hóa trị - sử dụng thuốc để phá hủy, tiêu diệt tế bào ung thư nhằm ngăn chặn chúng phát triển, phân chia. Mặc dù hóa trị tác dụng nhiều đến tế bào ung thư (do tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn tế bào thường) nhưng vẫn sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Cụ thể, các tế bào của nang lông thường xuyên phân chia để hình thành tóc và phát triển tóc. Hoạt động này tương tự như các tế bào của khối u ung thư nên gây nhầm lẫn cho thuốc hóa trị. Hay nói cách khác, thuốc hóa trị không phân biệt được đâu là tế bào lành (tế bào của nang lông), đâu là tế bào bệnh (tế bào của khối u) nên tác động lên hầu hết các tế bào đang phân chia, hậu quả là gây rụng tóc.
Rụng tóc khi hóa trị là tình trạng phổ biến ở các bệnh nhân ung thư
2. Thời điểm nào thì tóc rụng, bao lâu tóc mọc lại?
Thời điểm tóc rụng và thời gian tóc mọc lại phụ thuộc vào loại bệnh ung thư, loại thuốc sử dụng, liều lượng cụ thể và phác đồ điều trị.
Thời điểm nào thì tóc rụng?
Như đã nói, tình trạng rụng tóc khi hóa trị sẽ khác nhau ở từng người, nhưng thường thì sau 1 - 2 tuần hóa trị, người bệnh sẽ bị rụng tóc với đặc điểm rụng từng toàn bộ hoặc rụng từng mảng ở những vùng có ma sát cao khi nằm như đỉnh đầu, 2 bên tai,… Đây được coi là đợt rụng tóc đầu tiên.
Bao lâu thì tóc mọc lại?
Tương tự như tình trạng rụng tóc, thời điểm tóc mọc lại cũng khác nhau ở mỗi người. Trong vòng 1 - 3 tháng sau khi kết thúc đợt hóa trị thì tóc sẽ mọc lại. Và mất 6 - 12 tháng để tóc mọc lại gần như ban đầu nếu ngừng hoàn toàn hóa trị.
Điều đặc biệt là tóc mới mọc này sẽ có sự thay đổi về màu sắc lẫn cấu trúc. Cụ thể, có tới 60% người bị rụng tóc khi hóa trị nhận thấy tóc mới mọc xoăn hơn. Một số khác thì thấy tóc mỏng hơn và thô hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi này mang tính chất tạm thời, tóc sẽ trở lại bình thường sau 6 tháng hoặc 1 năm.
Tình trạng rụng tóc và mọc tóc sau khi hóa trị ung thư sẽ khác nhau ở mỗi người
3. Làm gì để cải thiện tình trạng rụng tóc khi hóa trị?
Rất nhiều bệnh nhân ung thư ám ảnh với tình trạng rụng tóc bởi nó ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ và sự tự tin, nhất là với các chị em phụ nữ. Do đó, để “đối phó” với tình trạng rụng tóc khi hóa trị và cải thiện tình hình khi tóc mọc lại, bạn có thể tham khảo và áp dụng các biện pháp sau.
Chăm sóc mái tóc nhẹ nhàng
-
Quá trình rụng tóc sẽ diễn ra từ từ, vì thế, ngay khi thấy tóc bắt đầu rụng, bệnh nhân tốt nhất nên cắt tóc ngắn để đảm bảo vệ sinh. Bên cạnh đó, nên sử dụng loại dầu gội phù hợp (tốt nhất là dầu gội từ thảo dược thiên nhiên) để tránh ảnh hưởng đến vùng da đầu và tóc đang bị tổn thương.
-
Tốt nhất nên để tóc khô tự nhiên sau khi gội. Nếu dùng máy sấy thì chỉ nên sấy tóc ở nhiệt độ thấp và dùng tay hoặc lược mềm chải nhẹ tóc. Tuyệt đối không dùng khăn chà xát mạnh sẽ khiến tóc dễ gãy rụng hơn.
-
Trong thời gian tóc rụng, không uốn, duỗi, ép, kéo, bấm tóc vì khi tiếp xúc với nguồn nhiệt cao, tóc đã yếu sẽ càng dễ rụng hơn.
-
Khi tóc mọc lại sẽ có sự thay đổi màu sắc. Lúc này, tuyệt đối không dùng hóa chất để nhuộm hay tẩy màu tóc vì những sản phẩm này không chỉ gây hại cho tóc mà còn kích ứng da đầu, khiến người bệnh thêm khó chịu.
Chăm sóc mái tóc nhẹ nhàng trong quá trình tóc rụng và mọc lại sau khi hóa trị
Bảo vệ dạ đầu đúng cách
Nếu tóc rụng hết thì bạn cần bảo vệ da đầu đúng cách, tránh sự tác động của nhiệt độ và ánh nắng mặt trời. Theo đó, nếu trời lạnh thì bạn cần dùng khăn choàng hoặc đội mũ để che kín và giữ ấm da đầu. Ngược lại, khi ra ngoài lúc trời nắng, hãy thoa kem chống nắng và đội mũ rộng vành. Ngoài ra, đừng quên đeo kính râm (kính mát) để bảo vệ lông mi.
Để kiểu tóc đơn giản
Trước khi bắt đầu rụng tóc hoặc khi tóc đang rụng, người bệnh có thể cảm thấy ngứa ngáy và khó chịu. Vì thế, có thể chọn kiểu tóc ngắn, đơn giản để dễ chăm sóc và dễ chịu hơn. Với nam giới, tốt nhất nên để kiểu tóc 3 phân hay thậm chí là cạo nhẵn. Nếu không quen với kiểu tóc ngắn hay cạo tóc thì có thể chọn giải pháp đội tóc giả.
Bên cạnh đó, nếu tóc rụng nhiều, có thể đội mũ chụp hoặc sử dụng khăn trùm đầu hay mạng tóc để tránh tóc rụng vương vãi. Điều này cũng được cho là tốt cho tâm lý người bệnh, giúp họ cảm thấy đỡ lo sợ và phiền muộn vì không phải nhìn thấy tóc của mình đang rụng từng ngày.
Lưu ý: Nên chọn mũ, khăn trùm hay mạng tóc bằng chất liệu khô thoáng, mát mẻ, thấm hút mồ hôi tốt để tránh gây cảm giác bí bách, khó chịu cho vùng da đầu. Tốt nhất là chọn những loại được may bằng chất liệu cotton (sợi bông tự nhiên), không chọn sản phẩm từ liệu nilon hay polyester (sợi tổng hợp).
Đội mũ, choàng khăn che đầu,… là các giải pháp giúp người bệnh đỡ bị áp lực tâm lý do tóc rụng khi hóa trị
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Uống nhiều nước và bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất trong các loại rau củ quả cũng là cách cải thiện tình trạng rụng tóc khi hóa trị và giúp tóc mới mọc khỏe hơn, dày hơn.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về chứng rụng tóc khi hóa trị và làm sao để cải thiện tình hình hiệu quả. Nhìn chung, rụng tóc là tình trạng khó tránh khi điều trị ung thư, nhưng nếu biết cách chăm sóc thì người bệnh sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn, tránh áp lực tâm lý khiến tóc rụng nhiều hơn và lâu mọc hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!