Tin tức

Rượu: nguyên nhân của ít nhất 7 loại ung thư

Ngày 13/02/2015
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC


Rượu là thứ đồ uống được loài người sử dụng rộng rãi từ hàng ngàn năm. Từ thời xa xưa đến nay, rượu đã đóng một vai trò quan trọng trong ẩm thực, tôn giáo và tín ngưỡng; rượu cũng còn được sử dụng rộng rãi làm thuốc bổ chữa bệnh, thuốc khử trùng và giảm đau. Tuy nhiên, rượu còn bị lạm dụng bởi một số ít người. Cho đến nay, tác dụng có hại của rượu đối với cơ thể còn chưa được hiểu biết một cách đầy đủ, đặc biệt là vai trò của rượu đối với ung thư. Năm 1988, Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về ung thư IARC (
International Agency for Research on Cancer) - một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp rượu là loại chất gây ung thư thuộc nhóm 1 (group 1 carcinogen) - là nhóm các chất gây ung thư ở người. Phán quyết của IARC có nghĩa rằng đã có những bằng chứng khoa học thuyết phục rằng rượu là chất có khả năng gây ung thư ở người.

Trong thực tế, rượu là nguyên nhân gây nên 3,6% trong tổng số các trường hợp ung thư và 3,5% các trường hợp tử vong do ung thư trên thế giới (Boffetta P, 2006) [2].


1. Rượu là nguyên nhân của ít nhất 7 loại ung thư

Rượu được biết là nguyên nhân gây nên ít nhất 7 loại ung thư, gồm:

1. Miệng - họng

2. Thực quản

3. Thanh quản

4. 

5. Gan

6. Đại trực tràng

7. Dạ dày

Ngoài ra, rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt và tụy.


Đối với ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, người uống khoảng 1,5 đơn vị rượu/ ngày có nguy cơ tăng khoảng 5 lần đối với các ung thư miệng, họng, thanh quản, thực quản, so với những người không bao giờ uống hoặc chỉ thỉnh thoảng uống; thậm chí, người chỉ không quá một ly/ ngày cũng có một nguy cơ cao hơn 20% so với người không uống rượu.

Đối với ung thư vú, người thường xuyên uống một lượng nhỏ rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Một phụ nữ uống khoảng 1,5 đơn vị ethanol/ ngày có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 5%; cứ uống thêm 10g rượu/ ngày thì nguy cơ ung thư vú tăng thêm khoảng 7-12%. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rượu không liên quan đến ung thư vú ở nam giới.

Đối với ung thư gan, rượu là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ung thư gan. Uống nhiều rượu có thể dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm tăng nguy cơ ung thư gan. Đồng thời, rượu cũng làm trầm trọng thêm nguy cơ ung thư gan ở những người bị viêm gan B hay C, những người vốn đã có nguy cơ ung thư cao hơn. Vì vậy, những người bị nhiễm khuẩn nên tuyệt đối tránh uống rượu.


Đối với ung thư đại trực tràng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nghiện rượu nặng nhất (uống trên 4 ly một ngày) có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên gấp rưỡi so với người không uống. Ngay cả những người chỉ uống một lượng nhỏ rượu (2 đơn vị/ ngày: khoảng nửa lít bia hoặc 1 cốc lớn rượu vang) cũng có nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng 9 % so với người không uống rượu.


Đối với phụ nữ mang thai, một số nghiên cứu cho thấy con cái của những phụ nữ uống rượu trong khi mang thai có nguy cơ cao mắc ung thư bạch cầu (Leukaemia) (Latino-Martel P, 2010) [8]. Vì vậy, phụ nữ có thai nên tránh uống rượu, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, sau đó có thể uống một  hoặc hai lần một tuần với rượu vang, đặc biệt nên tránh uống rượu đến say.


2. Cơ chế gây ung thư của rượu


Cho đến nay người ta còn chưa hiểu biết một cách đầy đủ về cơ chế tác dụng gây ung thư của rượu (Rehm J, 2014) [10]. Tuy nhiên, người ta đã tìm ra những bằng chứng rằng rượu có khả năng gây ra các loại ung thư khác nhau theo những cách khác nhau (Purohit, V, 2005) [9]:


2.1. Rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư. Khi được uống vào cơ thể, dưới tác dụng của các enzym alcohol dehydrogenase, cytochrome P4502E1 và catalase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde - một chất gây ung thư (carcinogen). Acetaldehyd có thể gây ung thư bằng cách gây tổn thương DNA bằng cách tạo nên các liên kết ngang của DNA và ngăn không cho DNA được tế bào sửa chữa. Việc uống rượu làm tăng đáng kể mức độ acetaldehyde  trong nước bọt, làm tăng mức độ tổn thương của DNA ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên của người sau khi uống rượu, từ đó dẫn đến ung thư các vị trí này (Balbo S, 2012) [2]. 


2.2. Rượu có thể làm tăng mức độ hormone estrogen: alcohol có thể làm tăng mức độ estrogen và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống isulin type 1 IGF-1R (Type 1 insulin-like growth factor receptors), từ đó kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú, có thể dẫn đến ung thư vú [7].


2.3. Rượu gây xơ gan, dẫn đến ung thư gan. Uống nhiều rượu có thể làm tổn thương các tế bào gan, gây nên xơ gan, từ đó có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào gan (Stickel F, 2002 [12].


2.4. Rượu làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư. Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hóa chất gây ung thư thấm vào cơ thể, chẳng hạn đối với những người hút thuốc lá, bản thân khói thuốc lá là một yếu tố gây ung thư mạnh với trên 70 chất gây ung thư. Ở người hút thuốc lá, rượu có tác dụng làm tăng cường khả năng hấp thu các chất gây ung thư của thuốc lá vào cơ thể, làm tăng hơn nữa nguy cơ gây ung thư của thuốc lá (Howie N, 2001) [6].


2.5. Rượu làm giảm lượng folate trong máu. Alcohol là một chất đối kháng (antagonist) của folate, làm thay đổi chuyển hóa của folate. Sự kém hấp thụ folate do tương tác với ethanol gây trở ngại cho sự methyl hóa của DNA, từ đó có thể dẫn đến ung thư (Giovannucci E, 2002) [5].


2.6. Rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử có hoạt tính cao. Rượu cũng có thể kích thích cơ thể sinh ra các phân tử có hoạt tính cao được gọi là các gốc tự do (free radicals) và các dạng oxy hoạt động ROS (Reactive Oxygen Species), đặc biệt là ở gan (Stickel F, 2002 [12], Boffetta P, 2006 [3]). Những phân tử có hoạt tính cao này thường được giữ ở mức thấp, nhưng khi nồng độ ROS tăng cao thường gây tổn hại cho DNA của tế bào và có thể dẫn đến ung thư.

 3. Lượng rượu và số lần uống rượu

Cách tính đơn vị rượu nguyên chất trong các loại rượu, bia: để có thể đánh giá mức độ gây ung thư của rượu, người ta tính lượng rượu tiêu thụ bằng đơn vị rượu. Một đơn vị rượu (U = unit) = 10 mL alcohol nguyên chất = 8 g alcohol nguyên chất. 10g alcohol nguyên chất = 12,5 mL = 1,25 đơn vị rượu. Từ đó có thể tính ra đơn vị rượu cho các loại rượu bia phổ biến như được nêu ở Bảng 1.

       Bảng 1. Các mức độ alcohol có liên quan đến ung thư trong các đồ uống phổ biến hiện nay

TT

Lượng alcohol (g)

Alcohol

(mL)

Đơn vị (U)

Loại rượu, bia

Rượu trắng 40 độ

(mL)

Rượu vang 12 độ

(mL)

Bia 5 độ

(mL)

1

25

31,25

3,12

78,12

260,42

625

2

50

62,50

6,25

156,25

520,83

1250

3

100

125,00

12,5

312,50

1041,66

2500


Có thể tính ước lượng như sau: một cốc lớn (250 mL) rượu vang chứa khoảng 3 đơn vị alcohol, một cốc vừa (175 mL) rượu vang chứa 2 đơn vị alcohol.

Cách đánh giá nguy cơ tương đối của ung thư
: nguy cơ tương đối của một loại ung thư RR (relative risks) được tính bằng tỷ số giữa tỷ lệ loại ung thư đó ở người uống các mức độ rượu nhất định và tỷ lệ ung thư ở người không uống rượu hoặc chỉ đôi khi uống rượu.

Mức độ nguy cơ tương đối của ung thư tương ứng với một số lượng rượu tiêu thụ được chỉ ra ở Bảng 2.

Bảng 2. Mức độ nguy cơ tương đối của lượng rượu tiêu thụ đối với từng loại ung thư

TT

Loại ung thư

Số bệnh nhân (n)

Nguy cơ tương đối (RR)

25g/ngày

(3,12 U)

50g/ngày

(6,25 U)

100g/ngày

(12,5 U)

1

Miệng - họng

7954

1,8

2,9

6,0

2

Thực quản

7239

1,5

2,2

4,2

3

Thanh quản

3759

1,4

1,9

4,0

4

44033

1,3

1,7

2,7

5

Gan

2294

1,2

1,4

1,9

6

Đại trực tràng

11296

1,1

1,2

1,4

7

Dạ dày

4518

1,1

1,2

1,3

8

Buồng trứng

1651

Không

1,2

1,5

9

Tuyến tiền liệt

4094

Không

1,1

1,2

 
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tất cả các loại đồ uống có cồn, bao gồm rượu mạnh, rượu vang và bia đều có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư. Nguy cơ ung thư do rượu phụ thuộc vào mức độ alcohol (ethanol) thật sự trong đồ uống và lượng rượu uống.


Nghiên cứu mới nhất của Bagnardi V và cộng sự, tháng 2/ 2015 [1] trên 486.538 bệnh nhân ung thư cho thấy mức độ nguy cơ tương đối (RR) ở những người nghiện rượu nặng so với những người không uống rượu hoặc chỉ thỉnh thoảng uống rượu là:


5,13 đối với ung thư miệng và họng


4,59 đối với ung thư tế bào vảy thực quản


2,65 đối với ung thư thanh quản


2,64 đối với ung thư túi mật


2,07 đối với ung thư gan


1,61 đối với ung thư vú


1,44 đối với ung thư đại trực tràng


1,21 đối với ung thư dạ dày


1,19 đối với ung thư tụy


1,15 đối với ung thư phổi


Ngoài ra, người ta cũng thấy có bằng chứng về sự liên quan giữa lượng rượu uống và các ung thư hắc tố (melanoma), ung thư tụy.


Tuy nhiên, điều đáng chú ý là rượu vang đỏ (red wine) vừa có tác dụng gây ung thư do ethanol, vừa có tác dụng chống ung thư do có nhiều các chất chống oxy hóa (antioxidants) như polyphenol và resveratol. Do đó, những người uống rượu vang đỏ thường có tỷ lệ ung thư thấp.

4. Việc cai rượu có thể làm giảm tỷ lệ ung thư

4.1. Mức độ rượu hợp lý có thể uống

Một số nghiên cứu cho thấy không có giới hạn thấp hơn của việc uống rượu mà không làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, việc uống một lượng rượu nhỏ rượu, có thể đến 15g rượu/ ngày (khoảng 2 đơn vị) có tác dụng làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim và đột quỵ; tuy nhiên, các lợi ích của rượu nhanh chóng biến mất khi mức độ rượu uống tăng lên. Người ta tính toán rằng sự cân bằng tốt nhất giữa lợi ích và tác hại của rượu là uống ít hơn 1 đơn vị/ ngày.


Có nghiên cứu gợi ý rằng phụ nữ nên uống không quá một ly một ngày và nam giới nên uống không quá 2 ly/ ngày. Cũng có nghiên cứu cho rằng phụ nữ không nên uống nhiều hơn 2-3 đơn vị/ ngày và nam giới không nên uống nhiều hơn 3-4 đơn vị/ ngày. Các mức độ này có thể làm tăng nguy cơ ung thư nhưng nguy cơ tổng thể cho một cá nhân là nhỏ (xem Bảng 2).


Hầu hết các nghiên cứu về mối liên hệ giữa rượu và ung thư đều tập trung vào số lượng rượu được uống và phát hiện ra rằng người càng uống nhiều rượu thì nguy cơ ung thư càng tăng. Hiện còn ít nghiên cứu tập trung vào những ảnh hưởng của cách uống rượu, chẳng hạn, rượu được uống trải đều trong tuần hoặc chỉ uống tập trung vào một lần/ tuần. Hiện người ta còn chưa rõ mô hình của việc uống rượu có ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ ung thư và sức khỏe nói chung (Breslow, R, 2011) [4].

4.2. Cai hoặc giảm lượng rượu uống có thể làm giảm nguy cơ ung thư

Lượng rượu uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư liên quan đến rượu càng tăng. Vì vậy, khi giảm số lượng rượu uống, nguy cơ mắc các ung thư do rượu cũng giảm xuống.


Ở người nghiện rượu nặng, không khi nào là quá muộn để bắt đầu cai rượu. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nguy cơ ung thư miệng - họng và thực quản giảm theo thời gian ở những người đã cai rượu so với những người tiếp tục uống rượu (Rehm, R., 2007) [11].                                                            

                                                                                  KẾT LUẬN

1. Rượu là nguyên nhân của ít nhất 7 loại ung thư, gồm: các ung thư miệng - họng, thực quản, vú, dạ dày, gan, đại trực tràng và dạ dày; ngoài ra, có thể là các ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt và tụy.


2. Cơ chế rượu gây ung thư có thể là: rượu chuyển hóa thành acetaldehyde, rượu làm tăng oestrogen, rượu gây xơ gan, rượu làm tăng khả năng hấp thụ các chất gây ung thư, rượu làm giảm mức độ folate hoặc kích thích cơ thể sản sinh nhiều các thể oxy hoạt động.

3. Mức độ nguy cơ ung thư phụ thuộc vào lượng rượu và thời gian uống rượu.

4. Cai rượu hoặc giảm lượng rượu uống có thể làm giảm nguy cơ ung thư do rượu.

            
 
Tài liệu tham khảo

Bagnardi V, Rota M, Botteri E, et al. Alcohol consumption and site-specific cancer risk: a comprehensive dose–response meta-analysis. British Journal of Cancer 2015 Feb; 112: 580-593.

Balbo, S., et al., Kinetics of DNA adduct formation in the oral cavity after drinking alcohol. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev, Epub 2012 Feb 1.


Boffetta P, Hashibe M, La Vecchia C, Zatonski W, Rehm J. The burden of cancer attributable to alcohol drinking. International Journal of Cancer 2006 Aug; 119 (4): 884-887.


Breslow, R., et al., Prospective study of alcohol consumption quantity and frequency and cancer-specific mortality in the
US population. Am J Epidemiol  2011; 174(9): 1044-1053.

Giovannucci, E, Epidemiologic studies of folate and colorectal neoplasia: A review. J Nutr 2002. 132(S8): 2350S-2355S.


Howie N, et al. Short-term exposure to alcohol increases the permeability of human oral mucosa. Oral Dis 2001; 7(6): 349-354.


Key T, et al. Endogenous sex hormones and breast cancer in postmenopausal women: reanalysis of nine prospective studies. J Natl Cancer Inst 2002; 94(8): 606-616.


Latino-Martel P, et al. Maternal alcohol consumption during pregnancy and risk of childhood leukaemia: a systematic review and meta-analysis. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 2010; 19(5): 1238-1260.


Purohit V, et al. Mechanisms of alcohol-associated cancers: introduction and summary of the symposium. Alcohol 2005; 35(3): 155-160.


Rehm J, Shield K. Alcohol consumption. In: Stewart BW, Wild CB, eds. World Cancer Report 2014.
Lyon, France: International Agency for Research on Cancer; 2014.

Rehm, R, et al. Alcohol drinking cessation and its effect on esophageal and head and neck cancers: A pooled analysis. Int J Cancer 2007; 121(5): 1132-1137.


Stickel F, et al. Cocarcinogenic effects of alcohol in hepatocarcinogenesis. Gut 2002; 51: 132-139.

Hiện nay, với đội ngũ giáo sư, bác sĩ và kỹ thuật viên có kinh nghiệm, với khoảng 20 loại dấu ấn ung thư được xác định, với hệ thống sinh học phân tử Pyrosequencing PyroMark Q24 và hệ thống chẩn đoán hình ảnh hiện đại như siêu âm, nội soi, X quang, chụp cắt lớp, …, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC có khả năng sàng lọc, chẩn đoán, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát của nhiều loại ung thư, gồm cả những loại ung thư do rượu gây nên.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.