Tin tức

Sơ cứu chảy máu - kỹ năng cần thiết bạn phải ghi nhớ!

Ngày 31/03/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Sơ cứu chảy máu là một việc làm vô cùng quan trọng góp phần cứu sống nạn nhân khi những chấn thương dẫn đến tình trạng mất máu không may xảy ra. Vì thế, biết cách cầm máu sao cho đúng và hiệu quả nhất là điều hết sức cần thiết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những kiến thức hữu ích liên quan đến kỹ năng này thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Sơ lược về sơ cứu chảy máu

Trong nhiều trường hợp, các tai nạn lao động như dẫm phải đinh hay vật sắc nhọn, tai nạn giao thông, vết cắn của động vật,... có thể gây chảy máu ở mức độ nhẹ hoặc thậm chí nghiêm trọng. Và bất kì ai cũng nên biết những kiến thức về sơ cứu chảy máu để ứng phó với những tình huống kể trên. 

Kỹ năng sơ cứu chảy máu có vai trò quan trọng trong nhiều trường hợp

Kỹ năng sơ cứu chảy máu có vai trò quan trọng trong nhiều trường hợp

Những mục đích cơ bản của việc này bao gồm: cầm máu, đề phòng tình trạng sốc của cơ thể, đảm bảo chức năng sinh tồn của các cơ quan hoạt động như bình thường, giúp nạn nhân thở và lưu thông tuần hoàn, tránh các biến chứng, giảm nguy cơ nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn,…

2. Cách sơ cứu chảy máu các loại vết thương

Vết thương chảy máu thường được phân thành hai dạng: chảy máu bên ngoài và chảy máu bên trong. Các phương pháp sơ cứu cầm máu thông thường cho nạn nhân như: băng ép, ấn động mạch, gấp chi, băng đút nút, đặt ga rô,... có thể được sử dụng linh hoạt và đúng cách trong những tình huống cụ thể. Do vậy, chúng ta cần phải biết cách sơ cứu phù hợp với từng trường hợp để hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra.

Vết thương chảy máu cần sơ cứu

Vết thương chảy máu cần sơ cứu

Dưới đây là những thông tin hữu ích đối với việc sơ cứu chảy máu các dạng vết thương dành cho bạn. 

2.1. Sơ cứu vết thương chảy máu ngoài

Chảy máu ngoài được xem là tình trạng phổ biến, dễ dàng nhận biết và thấy rõ bằng mắt thường qua các vết thương ở da. Đó là những vết đứt tay, rách da, trầy xước da,… làm các mạch máu dưới da bị tổn thương, gây chảy máu và có thể khiến cơ thể bị sốc nếu chảy máu quá nhiều.

Đáng lưu ý, những vị trí trên đầu, mặt, miệng khi bị thương có thể chảy ra khá nhiều máu do mật độ mạch máu cao. Trong khi đó, lượng máu lại chảy ít với những vết thương nhìn có vẻ nghiêm trọng ở các vị trí khác. Do đó, việc đánh giá tình trạng nặng nhẹ của vết thương không thể dựa trên lượng máu chảy ra mà chúng ta trông thấy. 

Vậy thì có những nguyên tắc nào cho việc tiến hành sơ cứu cầm máu những vết thương gặp phải tình trạng chảy máu ngoài? Hãy cùng chúng tôi khám phá những nguyên tắc sẽ được nêu ra tiếp theo đây. 

Ép trực tiếp lên vết thương 

Bước đầu tiên để bắt đầu việc sơ cứu là ngăn máu đang chảy ra. Người thực hiện việc sơ cứu, do vậy, phải dùng tay mình hoặc tay bệnh nhân hay băng, gạc, vải sạch (nếu có) ép trực tiếp lên vết thương đang chảy máu một cách nhanh chóng và đúng kỹ thuật.

Nâng cao vùng bị tổn thương

Một nguyên tắc quan trọng khác là bạn cần đặt nạn nhân nằm ở một tư thế thoải mái, đồng thời nâng vùng bị thương ở vị trí cao hơn người. Sau đó, tiếp tục dùng băng cuộn hoặc dây vải băng ép miếng gạc hoặc miếng vải vào vết thương (nhớ là không nên băng quá chặt).

Dùng băng, gạc ép chặt vết thương 

Dùng băng, gạc ép chặt vết thương 

Đối với vết thương xuất hiện dị vật gây chảy máu

Trong trường hợp bạn phải sơ cứu cho bệnh nhân với các dị vật (mảnh gỗ, kim loại, mảnh thủy tinh,...) cắm ở vết thương đang gây ra tình trạng chảy máu thì có một nguyên tắc quan trọng cần ghi nhớ, đó là không được phép rút chúng ra. Thay vì vậy, phải dùng tay ép chặt vết thương sát với dị vật và bịt kín, tiếp theo dùng miếng vải, gạc quấn lại thành vòng đệm xung quanh chúng đồng thời lấy băng ép lại như bình thường (lưu ý rằng bạn không được gây áp lực trực tiếp lên dị vật ở vết thương nạn nhân).

Để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối

Sau khi đã tiến hành các bước sơ cứu ban đầu, bạn hãy giữ yên tĩnh hoặc có thể động viên bệnh nhân khi họ vẫn đang tỉnh táo, để họ được nghỉ ngơi thoải mái nhất trong vòng tối thiểu 10 phút nhằm mục đích cầm máu và giúp ổn định tinh thần nạn nhân. 

Chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế 

Mặc dù khi nạn nhân gặp chấn thương nhẹ, tình trạng vẫn tỉnh táo và không quá nghiêm trọng, người sơ cứu cũng cần tiến hành di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất bằng ô tô, xe máy. 

Còn trong trường hợp nặng hơn, phải nhanh chóng tranh thủ thời gian gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến bệnh viện. Trong lúc đó, người sơ cứu phải luôn chú ý giữ ấm cho cơ thể nạn nhân, theo dõi tình trạng của họ xem liệu hô hấp và tuần hoàn có ổn định không để hỗ trợ khi cần thiết.

Trường hợp máu thấm qua gạc và băng

Trong tình huống có máu thấm qua gạc và băng của lớp băng cũ hay lượng máu chảy ra nhiều và mạnh, cần nhanh chóng thay ngay một lớp băng mới và dùng lớp băng này quấn chặt lên phía trên lớp băng ban đầu.

Trường hợp máu thấm qua gạc và băng

Trường hợp máu thấm qua gạc và băng

2.2. Sơ cứu vết thương chảy máu trong

Vết thương chảy máu trong luôn khó phát hiện hơn vì không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Tình trạng xảy ra khi bên trong cơ thể nạn nhân xuất hiện các mạch máu bị vỡ, thoát khỏi hệ tuần hoàn. Nếu chúng ta không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

Việc chảy máu trong có thể xuất phát từ những cú va đập mạnh vào đầu, ngực, hay bụng khi nạn nhân gặp phải tai nạn giao thông hay bị té, ngã; vết thương chảy máu trong thông thường xảy ra với các mô hay cơ quan nội tạng trọng yếu của cơ thể như đầu, cột sống, cơ bắp, mắt,... Do vậy, tình trạng này có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đối với sự hoạt động bình thường của các cơ quan quan trọng này, và cực kỳ nguy hiểm đối với cơ thể như đã nhắc đến ở trên. 

Điều khó khăn ở đây là chảy máu trong lại không có các triệu chứng trong nhiều giờ sau khi bắt đầu chảy máu. Mà các triệu chứng này chỉ có thể xảy ra khi mất máu với lượng lớn hay khi xuất hiện cục máu đông chèn một cơ quan trong cơ thể khiến nó không thể hoạt động bình thường. Đây là lý do khiến cho những người không có chuyên môn khó nhận biết các dấu hiệu của tình trạng chảy máu cực kỳ nguy hiểm này.

Vì vậy, khi xảy ra tai nạn cần xác định rõ nạn nhân có bị chảy máu trong không để kịp thời xử lý. Người sơ cứu có thể nhận biết các triệu chứng thường gặp của tình trạng chảy máu trong như nạn nhân có các biểu hiện nôn ói, dịch nôn, đờm,... Đồng thời cũng luôn cần phải chú ý đến các vết thương ở vùng đầu, bụng, ngực,... Đặc biệt khi nạn nhân có triệu chứng sốc như chóng mặt, da nhợt nhạt, lạnh, tím tái, khó thở, tăng nhịp tim,...

Chảy máu trong do tai nạn cực kỳ nguy hiểm 

Chảy máu trong do tai nạn cực kỳ nguy hiểm 

Nguyên tắc chung khi sơ cứu vết thương chảy máu trong là gì?

Đối với vết thương chảy máu trong, cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc chung trong quá trình sơ cứu như sau:

- Đặt nạn nhân ở tư thế thoải mái nhất, tránh việc di chuyển và đụng chạm đến vết thương, đắp chăn giữ ấm cho nạn nhân. Không được bôi bất cứ loại thuốc hay chất sát trùng nào trực tiếp lên vết thương.

- Để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, cần phải cẩn thận xác định mức độ nghiêm trọng của vết thương trước khi thực hiện các bước sơ cứu có thể. 

- Tiến hành theo dõi tình trạng vết thương và thể trạng nạn nhân sau khi đã sơ cứu và liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hỗ trợ và tránh được các biến chứng cho nạn nhân khi thấy các dấu hiệu bất thường như một chất dịch, mủ chảy ra từ vết thương hay nạn nhân bị sốt.

3. Một số lưu ý khi tiến hành sơ cứu chảy máu

- Khi tiến hành cầm máu cho nạn nhân, người sơ cứu cần phải giữ bình tĩnh, không được hoảng loạn và chú ý việc trấn an tinh thần nạn nhân. 

- Người thực hiện việc cầm máu phải luôn đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc, đúng kỹ thuật, phù hợp vết từng vết thương, hạn chế cầm máu một cách tùy tiện, sai kỹ thuật gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. 

Người sơ cứu phải tiến hành đúng nguyên tắc, kỹ thuật

Người sơ cứu phải tiến hành đúng nguyên tắc, kỹ thuật

- Việc sơ cứu chảy máu vết thương được tiến hành theo lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ hoặc người có chuyên môn và cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. 

Như vậy, việc sơ cứu chảy máu là hết sức cần thiết và kiến thức này rất hữu dụng đối với tất cả chúng ta để có thể áp dụng trong những tình huống khẩn cấp. Hãy luôn ghi nhớ cách nhận biết vết thương và các nguyên tắc cầm máu để có thể góp phần cứu sống nạn nhân. Chúng tôi hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có thể biến mình trở thành một “người sơ cứu chuyên nghiệp” hơn nữa.

Liên hệ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC trong trường hợp cần hỗ trợ về mặt y tế theo số điện thoại: 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.