Tin tức

Sự phát triển của thai 31 tuần và lời khuyên cho mẹ bầu giai đoạn này

Ngày 26/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bất kỳ mốc thời gian nào trong suốt hành trình mang thai đều quan trọng. Mỗi một giai đoạn đều đánh dấu sự phát triển mới của thai nhi và những thay đổi trong cơ thể mẹ. Trong đó thai 31 tuần là thời điểm thai kỳ đang tiến vào những tháng cuối cùng, lúc này mẹ cần chú ý nhiều hơn đến những triệu chứng của cơ thể và bắt đầu chuẩn bị cho việc chào đón em bé sắp ra đời.

1. Một số biểu hiện và thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 31 tuần

Thai 31 tuần là dấu mốc báo hiệu hành trình thai nghén đã đi được gần ⅔ quãng đường. Khi đó mẹ sẽ gặp phải những triệu chứng khó chịu hơn do thai nhi đang gia tăng nhanh chóng về kích thước, tử cung vì thế mà cũng lớn dần lên chèn ép vào các cơ quan xung quanh.

Thai 31 tuần sẽ khiến mẹ bầu gặp nhiều triệu chứng khó chịu hơn so với giai đoạn trước đó

Thai 31 tuần sẽ khiến mẹ bầu gặp nhiều triệu chứng khó chịu hơn so với giai đoạn trước đó

Cơ thể của mẹ sẽ có những thay đổi như sau:

  • Tăng cân, di chuyển khó khăn hơn;

  • Hiện tượng chuột rút: xảy ra do sự thiếu hụt magie và canxi nên hãy tăng cường bổ sung 2 khoáng chất này theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa;

  • Khó thở do thai nhi chiếm nhiều diện tích và chèn ép phổi. Lúc này mẹ nên luyện tập các bài tập thở giúp cải thiện tình trạng thở dốc, thở ngắn và khó thở;

  • Tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm do tử cung chèn ép bàng quang;

  • Đau mỏi lưng: nguyên nhân là vì xương sống phải thay đổi tư thế, đồng thời phải gánh vác một khối lượng không nhỏ của nước ối và thai nhi trong một thời gian dài;

  • Suy giãn tĩnh mạch chân do lưu lượng máu lưu thông dưới tác động của hormone thai kỳ cũng như sự phát triển của bụng bầu. Vì vậy các mẹ hãy thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng để cải thiện tuần hoàn máu trong giai đoạn này nhé;

  • Căng thẳng, thiếu ngủ khiến thai phụ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, bạn bè trong các hoạt động hàng ngày;

  • Khó tiêu, ợ nóng: hệ tiêu hóa cũng là cơ quan bị chèn ép nên gây ra hiện tượng ợ nóng, trào ngược và khó tiêu, táo bón. Để khắc phục hiện tượng này, mẹ bầu nên cắt giảm các loại thức ăn dầu mỡ, có tính axit cao mà thay vào đó hãy tăng cường bổ sung đủ nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi mỗi ngày;

  • Sưng nề bàn tay bàn chân: hãy hạn chế ăn mặn và uống nhiều nước, nếu tình trạng có xu hướng tăng nặng hãy đi khám vì rất có thể đây là triệu chứng cảnh báo nguy cơ tiền sản giật;

  • Các triệu chứng khác: rỉ sữa non, chất nhầy màu trắng từ âm đạo, co thắt sinh lý,... Khi xuất hiện các triệu chứng này, bạn đừng quá lo lắng vì đó là hiện tượng bình thường của cơ thể khi mang thai. Khi đi khám bạn hãy thông báo với bác sĩ những triệu chứng mà cơ thể đang gặp phải để được giải thích và tư vấn chi tiết hơn nhé.

2. Thai nhi 31 tuần thay đổi như thế nào?

Ở tuần thai thứ 31, thai nhi đã bắt đầu bước vào thời điểm bùng nổ tăng trưởng và sẽ nhanh chóng đạt được mốc chiều cao, cân nặng tiêu chuẩn khi sinh. Cụ thể là bé sẽ nặng khoảng 1,5 kg và chiều dài cơ thể đạt mốc trung bình 40 cm.

Thai nhi tuần thứ 31 đã có nhiều thay đổi đáng kể  Thai nhi tuần thứ 31 đã có nhiều thay đổi đáng kể

Bé hoạt động rất nhiều với các động tác như đạp, huých, di chuyển, thậm chí là nhào lộn trong bụng mẹ. Điều này cho thấy là bé đang phát triển khỏe mạnh. Cụ thể thai nhi sẽ có những thay đổi đáng kể như sau:

  • Hoàn thiện các cơ quan như hệ tiêu hóa, tai, não và mắt. Bé đã có thể phản ứng với ánh sáng và âm thanh từ môi trường bên ngoài. Giai đoạn này mẹ hãy tích cực trò chuyện, đọc sách và cho bé nghe nhạc để kích thích thính giác, nhận thức cho bé nhé;

  • Lớp lông mao ngoài da bé dần biến mất và tóc mọc nhiều hơn;

  • Bé có thể xoay đầu và mút ngón tay của mình;

  • Tay và chân dài hơn, móng tay và móng chân cũng hình thành và hoàn thiện ở thời kỳ này;

  • Bàng quang của bé đã có thể chứa nước tiểu và bắt đầu đào thải nước tiểu vào nước ối;

  • Tủy xương của bé khi thai 31 tuần cũng đang phát triển, đóng vai trò sản xuất ra các tế bào hồng cầu;

  • Bé đã hình thành giấc ngủ, cách để nhận biết khi bé đang hoạt động là bé sẽ di chuyển, đạp vào thành bụng mẹ, còn khi im lặng tức là bé đang ngủ.

3. Mẹ bầu mang thai 31 tuần nên chú ý điều gì?

Thai 31 tuần là giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, mặc dù chứa đầy thách thức với những thay đổi đáng kể ở cả mẹ và bé nhưng cũng là thời điểm đáng mong chờ cho thành quả của cuộc hành trình mang thai đầy vất vả.

Các mẹ nên xây dựng kế hoạch cho kỳ sinh nở ngay từ tuần thai này vì nếu để muộn hơn lúc đó bụng bầu đã lớn, việc di chuyển sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra có vô vàn thứ cần chuẩn bị cho em bé sắp chào đời nên mẹ hãy rục rịch chuẩn bị sớm.

Sau đây là một số gợi ý để các mẹ tham khảo cho hành trình vượt cạn phía trước:

  • Tham gia các lớp học tiền sản để trang bị các kiến thức khoa học về thai giáo và nuôi nấng, chăm sóc trẻ sơ sinh. Đó có thể là hướng dẫn mẹ bầu tập thể dục, tập thở sao cho đúng cách, lựa chọn phương pháp sinh nở phù hợp, hướng dẫn cho con bú và chăm sóc bé ở những tháng đầu đời,...;

  • Ghi nhớ lịch khám thai định kỳ và thực hiện các loại xét nghiệm cần thiết theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, bao gồm xét nghiệm nước tiểu thường quy, xét nghiệm tiểu đường, kiểm tra nguy cơ tiền sản giật, siêu âm và các xét nghiệm khác để đảm bảo thai nhi vẫn phát triển bình thường;

  • Thai phụ có thể đi bộ nhẹ nhàng để giảm bớt căng thẳng hoặc tập yoga dành cho bà bầu để cơ thể được dẻo dai hơn, điều này rất có lợi cho việc sinh nở;

  • Lên danh sách và mua sắm những đồ dùng cần thiết cho cả mẹ và bé sơ sinh;

  • Theo dõi những triệu chứng của cơ thể và thai nhi, nếu có bất thường xảy ra hãy lập tức tái khám.

Vào giai đoạn thai 31 tuần mẹ bầu cần ghi nhớ lịch khám thai định kỳ nhé!

Vào giai đoạn thai 31 tuần mẹ bầu cần ghi nhớ lịch khám thai định kỳ nhé!

4. Mẹ bầu thai 31 tuần cần lưu ý biểu hiện cảnh báo trước sinh

Thông thường một cơn chuyển dạ có thể xảy ra từ tuần 37 - 40. Nếu trẻ sinh ra trước mốc tuần thai 37 thì được xem là sinh non. Những em bé này ngay sau khi chào đời cần được chăm sóc y tế đặc biệt và theo dõi sức khỏe chặt chẽ trước rủi ro biến chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy mẹ bầu hãy ghi nhớ những dấu hiệu sinh non điển hình như:

  • Ra máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường;

  • Đau bụng dữ dội;

  • Hoa mắt chóng mặt;

  • Đau lưng âm ỉ;

  • Thai nhi có xu hướng đẩy về phía trước, cử động ít hoặc ngừng cử động;

  • Xuất hiện cơn co tử cung và có thể vỡ ối.

Nếu có các triệu chứng nêu trên, mẹ bầu hãy ngay lập tức nhập viện để được kiểm tra và có biện pháp xử lý y khoa kịp thời, tránh gặp phải nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về thai 31 tuần phát triển ra sao và những thay đổi của cơ thể mẹ cũng như một số lưu ý dành cho mẹ bầu trong giai đoạn này. Để cập nhật những thông tin về thai sản và các vấn đề sức khỏe khác, quý bạn đọc vui lòng truy cập website: medlatec.vn. Nếu bạn đang có nhu cầu đăng ký lịch khám thai, tư vấn về sức khỏe sinh sản hoặc bệnh lý sản khoa, hãy liên hệ hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để tổng đài viên được hướng dẫn đăng ký đặt lịch khám và tư vấn chi tiết hơn.

Từ khoá: Lịch khám thai

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.