Tin tức

Sữa đầu và sữa cuối mất cân bằng có tác hại gì?

Ngày 01/03/2024
Lương Thanh Thủy
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân

Sữa đầu và sữa cuối mất cân bằng có tác hại gì?

Sữa đầu và sữa cuối của mẹ đều có những vai trò dinh dưỡng nhất định đối với sự phát triển của trẻ. Vậy hai giai đoạn sữa này khác nhau như thế nào, nếu bé bú mất cân bằng thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?

1. Khái niệm sữa đầu và sữa cuối

Sữa đầu là sữa được tiết ra vào giai đoạn đầu khi bé bắt đầu cữ bú. Lúc này, sữa thường ít chất béo và loãng nhưng lại giàu lactose. Nếu chỉ bú sữa đầu thì bé sẽ rất nhanh đói.

Sữa cuối là sữa tiết ra ở giai đoạn sau sữa đầu, màu thường vàng và đặc hơn. Đây là giai đoạn sữa có giá trị dinh dưỡng cao vì giàu chất béo. Bé bú sữa cuối sẽ có cảm giác no lâu và tăng cân tốt.

Hàm lượng chất béo là yếu tố khác biệt nhất giữa sữa đầu và sữa cuối

2. Sữa đầu và sữa cuối khác gì nhau?

Điểm khác biệt lớn nhất giữa sữa đầu và sữa cuối chính là hàm lượng chất béo. Như đã nói ở trên, sữa cuối giàu chất béo hơn sữa đầu. Điều này không phải do sữa chuyển dạng mà là do hàm lượng chất béo được tăng lên theo thời gian bé bú.

Nói như vậy không có nghĩa là sữa cuối tốt hơn sữa đầu. Cả hai giai đoạn sữa này đều cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Bú cân bằng sữa đầu và sữa cuối sẽ giúp trẻ dung nạp được đầy đủ dưỡng chất trong sữa để phát triển toàn diện.

3. Bé bú mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối: nguy cơ và xử trí

3.1. Tác hại của việc bé bú mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Nếu bé bú sữa đầu nhiều thì bé sẽ nhanh no nên lượng sữa cuối dung nạp được thường ít hơn. Do sữa đầu giàu đường lactose, ít chất béo nên sẽ tiêu hóa nhanh chóng, thậm chí không phân hủy hết lượng lactose. Sự tồn dư lactose trong ruột rất dễ gây nên các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ. Tình trạng mất cân bằng hai giai đoạn sữa này sẽ dễ gây nhầm lẫn với bất dung nạp lactose.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chất béo và lactose trong sữa mẹ của mỗi người không giống nhau. Có những bé không bao giờ bị quá tải lactose dù thường xuyên bú sữa đầu nhiều hơn sữa cuối.

Nếu trẻ đi ngoài phân màu nâu hoặc vàng thì mẹ có thể yên tâm rằng trẻ đang tiêu hóa sữa mẹ tốt và không bị bất dung nạp lactose. Tuy nhiên, nếu trẻ chậm lớn, đi ngoài phân xanh hoặc có lẫn máu,... thì nên cho con đến khám bác sĩ Nhi khoa để chẩn đoán đúng nguyên nhân.

Trẻ có thể bị không dung nạp lactose nếu bú mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối

3.2. Cách xử trí khi bé bú không cân bằng sữa đầu và sữa cuối

Mẹ không nên quá lo lắng về hiện tượng trẻ bú mất cân bằng sữa đầu và sữa cuối. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể điều chỉnh bằng cách:

3.2.1. Kiên nhẫn cho bé bú

Mỗi bé có những sở thích riêng về tư thế bú và cảm nhận sữa mẹ. Do đó, mẹ hãy quan sát con mình để điều chỉnh và tìm ra tư thế bú, thời gian bú,... sao cho phù hợp với bé. Quá trình cho con bú chỉ có được trải nghiệm hạnh phúc khi cả hai mẹ con đều có được sự thoải mái.

3.2.2. Vắt ra một ít sữa trước khi cho con bú

Nếu mẹ nhận ra bé bú sữa đầu nhiều hơn sữa cuối thì trước mỗi cữ bú, mẹ hãy vắt bớt sữa đầu đi. Việc làm này sẽ giúp cho bé dễ được hấp thu cân bằng cả hai giai đoạn sữa và có được đầy đủ dưỡng chất từ sữa mẹ.

3.2.3. Nghỉ một lúc rồi mới cho bé bú tiếp   

Thực tế cho thấy rất nhiều mẹ cho bé bú hết hoàn toàn sữa ở một bên ngực sau đó mới chuyển bên còn lại. Nếu mẹ cho con bú theo cách này thì khoảng thời gian chuyển giữa hai bên có thể cho bé nghỉ ngơi một chút để sữa cuối về được nhiều hơn và tăng thời gian cho bé bú.

Hoặc nếu mẹ không bú theo cách này thì sau một khoảng nhịp bú nhất định, mẹ hãy cho con chút thời gian nghỉ và sữa có thời gian về thêm.

3.2.4. Thử một tư thế cho bú khác

Để điều chỉnh, giúp bé bú cân bằng sữa đầu và sữa cuối, mẹ có thể đổi tư thế cho con bú. Mẹ hãy đặt bé nằm nghiêng, mặt quay về phía ngực mẹ để bú, tư thế này vừa giúp sữa chảy ra nhiều hơn vừa tạo được cảm giác thoải mái cho bé trong quá trình bú.

3.2.5. Cho bé bú ngay khi bé đói

Phải chịu đói lâu thì khi được bú bé thường bú rất nhanh, rất vội. Hệ lụy của điều này là bé bú sữa đầu nhiều nhưng sữa cuối lại rất ít. Để không rơi vào tình trạng đó, ngay khi bé có dấu hiệu đói, mẹ nên cho con bú ngay để bé bú cân bằng cả hai giai đoạn sữa.

Nên cho bé bú ngay khi có dấu hiệu đói để tránh mất cần bằng giữa hai loại sữa

3.2.6. Kéo dài thời gian cho bé bú

Bú sữa mẹ là một bữa ăn chính của bé. Để đảm bảo bé được hấp thu đủ dinh dưỡng, bé bú no thì cần được bú đủ và ngon miệng. Có thể ví sữa đầu như món ăn khai vị còn sữa cuối là món ăn chính trong bữa ăn ấy.

Thêm vào đó, mỗi cữ bú, cơ thể mẹ cũng cần có thời gian để sản xuất sữa. Vì thế, việc kéo dài thời gian cho bé bú sẽ giúp đảm bảo được yếu tố chất và lượng cho bữa ăn của con.

3.2.7. Cho bé bú hết một bên ngực rồi mới đổi bên

Những trường hợp trẻ có thói quen bú mất cân bằng giữa hai giai đoạn sữa, tốt nhất mẹ nên cho con bú hết một bên ngực rồi hãy chuyển sang bên còn lại. Sự thay đổi luân phiên giữa hai bên sẽ giúp bé tránh được tình trạng bú no sữa đầu rồi mới chuyển sang bú một ít sữa cuối.

Sữa mẹ vừa là nguồn dinh dưỡng vừa là nguồn kháng thể tốt nhất cho trẻ. Để phát huy công dụng này, mẹ hãy chú ý để cho con bú cân bằng sữa đầu và sữa cuối. Trong trường hợp bé bú mẹ nhưng không tăng cân hay có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì mẹ nên cho con đi khám bác sĩ Nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, giúp bé có cơ hội phát triển tốt.

Bs Vân đã duyệt

 

 

 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ