Tin tức

Sữa mẹ hâm 2 tiếng có sao không? Hướng dẫn hâm sữa đúng cách để đảm bảo an toàn

Ngày 31/03/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhiều bà mẹ bận rộn chọn cách vắt sữa mẹ cho con dùng dần, nhưng lại thắc mắc liệu sữa mẹ hâm 2 tiếng có sao không, có ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng và sức khỏe của bé không. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bà mẹ hiểu rõ vấn đề này và hướng dẫn cách hâm sữa sau khi trữ lạnh đúng chuẩn, giúp bé luôn được hưởng nguồn sữa an toàn và giàu dưỡng chất nhất.

1. Tại sao nên hâm sữa mẹ sau khi trữ trước khi cho bé sử dụng?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng vô giá cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc cho bé bú trực tiếp là tốt nhất, nhưng đối với những bà mẹ bận rộn hoặc muốn dự trữ sữa cho những lúc không thể cho con bú, việc vắt sữa và hâm lại sữa mẹ sau khi trữ trở thành một phương pháp rất quan trọng. Vậy tại sao cần phải hâm lại sữa mẹ sau khi trữ lạnh, trước khi cho trẻ sử dụng? Bởi một số lý do sau:

  • Tạo cảm giác quen thuộc và thoải mái cho bé: Nhiệt độ của sữa khi hâm sẽ tương đương với nhiệt độ của cơ thể mẹ, giúp bé dễ chấp nhận và bú tốt hơn.
  • Bảo toàn các chất dinh dưỡng và kháng thể: Hâm sữa đúng cách giúp duy trì các enzyme và kháng thể có trong sữa mẹ, nhờ đó bé nhận được nhiều lợi ích cho hệ miễn dịch.
  • Giúp trẻ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
  • Giúp bé không bị lạnh bụng: Sữa lạnh hoặc chưa đủ ấm có thể khiến bé dễ bị đau bụng, khó tiêu.

Lợi ích của việc hâm nóng sữa mẹ trước khi cho bé sử dụng

Lợi ích của việc hâm nóng sữa mẹ trước khi cho bé sử dụng

2. Sữa mẹ hâm 2 tiếng có sao không?

Việc bảo quản và làm nóng lại sữa mẹ đúng cách đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn cho bé khi sử dụng. Vậy sữa mẹ hâm 2 tiếng có sao không? Theo các nghiên cứu khoa học, sữa mẹ không nên được hâm nóng liên tục trong thời gian dài, chẳng hạn như 2 tiếng, vì điều này có thể làm giảm chất lượng dinh dưỡng và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Theo La Leche League International (LLLI), một tổ chức uy tín về nuôi con bằng sữa mẹ cho rằng, việc hâm nóng sữa mẹ liên tục trong thời gian dài có thể phá hủy các enzyme và kháng thể tự nhiên sẵn có trong sữa mẹ, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt là nếu sữa mẹ được bảo quản không đúng cách thì nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ càng cao.

Sữa mẹ đã được hâm nóng, mẹ nên cho bé sử dụng trong vòng 1-2 giờ và nên đổ bỏ nếu bé không dùng hết. Vì khi để ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ngoài ra không nên hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ làm giảm chất dinh dưỡng, đặc biệt là làm biến đổi các enzyme và kháng thể tự nhiên, khiến sữa không còn tốt như ban đầu.

Sữa mẹ không nên hâm nóng quá lâu

Sữa mẹ không nên hâm nóng quá lâu

3. Hướng dẫn cách hâm nóng sữa mẹ đúng cách.

Sữa mẹ sau khi được trữ đông trong tủ lạnh, cần được làm nóng nóng lại đúng cách để bé được ăn sữa ấm nóng thơm ngon và lượng chất dinh dưỡng có trong sữa được đảm bảo tối đa. Một số cách hâm sữa đúng kèm lưu ý như sau:

  • Chuẩn bị dụng cụ sạch sẽ: Dụng cụ bao gồm máy vắt sữa, bình chứa sữa/túi chứa sữa. Đảm bảo các dụng cụ này sạch, tốt nhất nên được khử trùng qua máy và không bị rò rỉ. Dụng cụ không vệ sinh sạch có thể làm sữa bị nhiễm khuẩn.
  • Đậy kín bình hoặc túi chứa sữa trước khi hâm: Tránh để vi khuẩn xâm nhập trong quá trình hâm nóng đồng thời cũng tránh nước hay hơi nước tràn vào bên trong túi sữa.
  • Chọn phương pháp hâm sữa phù hợp:
  • Sử dụng máy hâm sữa: Đây là cách tiện lợi và duy trì nhiệt độ ổn định. Chỉ cần đặt bình sữa vào máy, chọn nhiệt độ phù hợp và đợi sữa ấm lên
  • Ngâm bình sữa vào nước ấm (~40°C): Đặt bình vào bát nước ấm khoảng 5-10 phút, không dùng nước quá nóng để tránh làm mất chất dinh dưỡng. Lưu ý không để nước tràn vào bình sữa.
  • Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé bú: Dùng nhiệt kế để đo hoặc nhỏ vài giọt sữa lên cổ tay để đảm bảo sữa có nhiệt độ ấm, không quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Lắc nhẹ bình sữa trước khi cho bé bú: Để chất béo trong sữa trộn đều, tránh hiện tượng sữa bị phân tách. Sữa mẹ có chứa chất béo tự nhiên, có thể bị tách lớp khi bảo quản.
  • Không sử dụng lò vi sóng để hâm sữa: Lò vi sóng có thể tạo ra các điểm nóng không đều, khiến bé bị bỏng khi ăn và phá hủy các chất dinh dưỡng quan trọng trong sữa mẹ.
  • Không đun sữa trực tiếp trên bếp: Đun sữa ở nhiệt độ cao sẽ làm mất đi nhiều enzyme và kháng thể có lợi.
  • Sử dụng sữa ngay sau khi hâm: Nếu bé không bú hết, phần sữa còn lại nên được sử dụng trong vòng 2 giờ và không nên hâm lại lần thứ hai. Sau đó nên bỏ đi nếu trẻ không bú hết.
  • Nếu sữa có mùi lạ hoặc màu bất thường, không nên cho bé bú: Sữa mẹ hỏng có thể gây rối loạn tiêu hóa cho bé.

Hướng dẫn hâm sữa mẹ đúng cách

Hướng dẫn hâm sữa mẹ đúng cách 

Một số lưu ý quan trọng nhận biết trước khi hâm nóng sữa mẹ để đảm bảo an toàn cho bé: 

- Thời gian bảo quản sữa mẹ sau khi đã vắt ra:

  • Ở nhiệt độ phòng (dưới 26°C): Tối đa 4 giờ.
  • Trong ngăn mát tủ lạnh (dưới 4°C): Tối đa 4 ngày.
  • Trong ngăn đá tủ lạnh (dưới -18°C): Tối đa 6 tháng.

- Dấu hiệu nhận biết sữa mẹ đã bị hỏng:

  • Có mùi ôi, chua bất thường.
  • Sữa bị tách lớp dù đã lắc kỹ nhưng không hòa quyện lại.
  • Có màu lạ hoặc nổi váng bất thường.

Sữa mẹ không chỉ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo mà còn giúp trẻ tăng sức đề kháng và miễn dịch bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Với những hướng dẫn trên, các mẹ có thể yên tâm hâm nóng sữa đúng cách, đảm bảo sữa luôn ở trạng thái tốt nhất, cung cấp đầy đủ dưỡng chất và an toàn cho sự phát triển của bé. Việc bảo quản và sử dụng sữa mẹ đúng cách không chỉ giúp giữ nguyên giá trị dinh dưỡng mà còn đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng duy trì nguồn sữa dồi dào để bé có một khởi đầu tốt nhất nhé!

Trên đây là một số thông tin giải đáp cho các mẹ về câu hỏi “sữa mẹ hâm 2 tiếng có sao không?”. Nếu bạn hoặc người thân đang cần thêm thông tin chi tiết hoặc muốn được thăm khám và tư vấn dinh dưỡng, đừng ngần ngại liên hệ với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56. Đội ngũ chuyên gia của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn một cách tận tình và chu đáo.

Bình luận (0)

Đăng ký để bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ