Tin tức

Tại sao sốt rét lại tái phát?

Ngày 17/07/2013
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Trên thực tế có một số trường hợp bệnh nhân sốt rét được điều trị tại các cơ sở y tế xuất viện về nhà nhưng sau đó bị sốt trở lại. Do sốt rét tái phát nên người bệnh phải đến lại cơ sở y tế để tiếp tục điều trị. Việc điều trị không dứt điểm, không đúng quy định, sốt rét lại tái phát hết đợt này đến đợt khác làm cho người bệnh hiểu nhầm sốt rét là một bệnh mạn tính khó chữa khỏi. Vì vậy, cần hiểu đúng về vấn đề này.

Sốt rét tái phát, vì sao?

Sốt rét tái phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân thường gặp do ký sinh trùng sốt rét thể vô tính trong hồng cầu còn sót lại từ đợt trước tiếp tục phát triển, vượt ngưỡng gây sốt. Chủng loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax thường gây nên hiện tượng tái phát gần trung bình từ sau 7 - 14 ngày; còn được gọi là bột phát. Đối với những người đã mắc sốt rét trước đây do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum có một lần miễn dịch sốt rét, hiện tượng tái phát có thể xuất hiện từ sau 3 - 6 tháng.

Ngoài ra, chủng loại ký sinh trùng sốt rét có thể ngủ (hypnozoite) ở trong gan có điều kiện hoạt hóa phát triển và phóng thích vào máu các ký sinh trùng non merozoites từ gan cũng có thể gây nên hiện tượng tái phát. Chủng loại ký sinh Plasmodium vivax và Plasmodium ovale có thể ngủ ở gan nên gây hiện tượng tái phát phát xa xuất hiện từ sau vài tuần đến 9-10 tháng.

Một số trường hợp hãn hữu, khi bị nhiễm chủng loại ký sinh trùng Plasmodium malariae do chu kỳ phát triển vô tính của ký sinh trùng tiềm tàng trong hồng cầu được hoạt hóa cũng gây nên hiện tượng tái phát.

Biểu hiện của sốt rét tái phát

Sốt rét tái phát thường gây nên triệu chứng sốt thành cơn điển hình của sốt rét với 3 giai đoạn rét run, nóng sốt và vã mồ hôi một cách có chu kỳ ngay từ lúc khởi phát bệnh.

Trong giai đoạn rét run, cơn rét chạy dọc từ sống lưng truyền ra toàn thân; hai hàm răng đập vào nhau; run bần bật; đắp nhiều chăn nhưng vẫn thấy rét; kèm theo đó là môi tím tái, đôi mắt quầng thâm; nổi gai ốc; mạch nhanh, nhỏ; lách sưng to; đi tiểu nhiều... Cơn rét run thường kéo dài từ 15 phút đến khoảng 1-2 giờ.

Trong giai đoạn nóng sốt, sau khi hết cơn rét run, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nóng bức, tung bỏ hết chăn đắp ra; mặt đỏ bừng, mắt đỏ, da khô nóng, nhức đầu, chóng mặt, hay nôn; nhiệt độ tăng cao từ 40 - 41oC; mạch đập mạnh và nhanh; nhịp thở nhanh; có thể hơi đau vùng gan và lách; nước tiểu ít và sẫm màu... Giai đoạn nóng sốt trung bình kéo dài từ 2 - 4 giờ hoặc hơn tùy theo thể bệnh nặng hay nhẹ.

Trong giai đoạn vã mồ hôi, sau khi hết nóng sốt nhiệt độ cơ thể giảm dần; bệnh nhân vã ra nhiều mồ hôi ở trán, đầu, mặt đến toàn thân nếu bị bệnh nặng; triệu chứng nhức đầu giảm, hết nôn; gan và lách hơi co lại, bớt đau; người bệnh có cảm giác dễ chịu hẳn, chỉ còn biểu hiện khát nước, đôi khi ngủ thiếp đi vì mệt nhọc.

Đối với sốt rét tái phát, cơn sốt kéo dài trung bình khoảng từ 2 - 4 giờ, thường ngắn hơn cơn sốt của sốt rét sơ nhiễm. Tuy vậy, cũng cần lưu ý ba giai đoạn của cơn sốt điển hình gồm rét run, nóng sốt, vã mồ hôi không phải bệnh nhân sốt rét tái phát nào cũng có đầy đủ. Hết cơn sốt, người bệnh có thể ăn uống, lao động, làm việc, nghỉ ngơi trở lại bình thường cho đến khi cơn sốt quay trở lại theo chu kỳ. Đặc điểm thực tế cho thấy, thời gian cơn sốt rét tái phát có xu hướng ngắn lại dần và nhẹ hơn ở người lớn, người có tiền sử mắc sốt rét nhiều năm khi sống trong vùng sốt rét lưu hành vì đã có tính miễn dịch. Cần chú ý đối với các trường hợp sốt rét sơ nhiễm, khi bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn cơn sốt có chu kỳ, cơn sốt cũng có đủ 3 giai đoạn điển hình như cơn sốt rét tái phát.

Chữa dứt điểm sốt rét tái phát - Cách gì?

Việc điều trị sốt rét tái phát được thực hiện theo nguyên tắc chung của điều trị sốt rét. Điều cần quan tâm là phải điều trị sớm, đúng thuốc và đủ liều.

Đối với trường hợp nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum, không được điều trị bằng một loại thuốc đơn thuần mà cần dùng thuốc phối hợp có dẫn chất artemisinin như dihydro-artemisinin kết hợp piperaquin, biệt dược là arterakine và CV artecan trong 3 ngày. Nếu trường hợp sốt rét tái phát nghi ngờ do điều trị sốt rét thất bại bằng loại thuốc trên vì khả năng ký sinh trùng đã kháng thuốc thì phải thay bằng thuốc điều trị thay thế như quinin trong 7 ngày phối hợp với doxycyclin trong 3 ngày ở người lớn hoặc quinin trong 7 ngày phối hợp với clindamycin trong 7 ngày ở phụ nữ có thai và trẻ em dưới 15 tuổi. Thuốc dùng đủ liều có tác dụng diệt thể vô tính trong hồng cầu của ký sinh trùng nên vừa cắt cơn sốt vừa tiệt căn mầm bệnh và có khả năng chống tái phát gần vì chủng loại ký sinh trùng này không có thể ngủ (hypnozoite) ở trong gan. Dùng thuốc cắt cơn sốt cũng cần kết hợp với thuốc primaquin liều duy nhất diệt thể giao bào của ký sinh trùng chống lây lan vì chúng có khả năng lây truyền mầm bệnh cho cộng đồng qua trung gian của muỗi truyền bệnh.

Đối với trường hợp nhiễm ký sinh trùng Plasmodium vivax, dùng thuốc chloroquin trong 3 ngày diệt thể vô tính của ký sinh trùng trong hồng cầu, thuốc chỉ có tác dụng điều trị cắt cơn sốt. Cần lưu ý phải dùng kết hợp thêm thuốc primaquin trong 14 ngày để diệt thể ngủ (hypnozoite) của ký sinh trùng ở trong gan mới đủ khả năng để tiệt căn, chống tái phát xa.

Một vấn đề cũng cần chú ý là phải theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị. Nếu người bệnh ở trong vùng sốt rét lưu hành, xét nghiệm máu thấy xuất hiện lại ký sinh trùng sốt rét sau 14 ngày được xem là sốt rét tái nhiễm chứ không phải sốt rét tái phát. Cần phân biệt sốt rét tái phát và sốt rét tái nhiễm để giải thích, tư vấn cho người bệnh yên tâm điều trị, tránh tư tưởng cho rằng sốt rét là một bệnh mạn tính, kinh niên.

Ai hay bị sốt rét tái phát?

Sốt rét tái phát thường xảy ra trên một số đối tượng bị nhiễm các chủng loại ký sinh trùng khác nhau nhưng được điều trị không đúng quy định, tiền sử đã bị mắc sốt rét trước đó và điều kiện lao động làm việc nặng nhọc.

Các nhà khoa học đã xác định sốt rét tái phát hay xảy ra đối với bệnh nhân bị nhiễm chủng loại Plasmodium falciparum kháng lại với thuốc điều trị nên không thể diệt hết thể vô tính của ký sinh trùng ở trong máu. Ngoài ra, những bệnh nhân bị nhiễm chủng loại Plasmodium vivax nhưng không được dùng thuốc điều trị diệt thể ngủ (hypnozoite) của ký sinh trùng ở trong gan một cách đầy đủ nên ký sinh trùng ở gan sẽ có những đợt phóng thích vào máu để thực hiện chu kỳ phát triển vô tính trong hồng cầu và gây nên sự tái phát.

Đối với những người trong tiền sử đã bị mắc bệnh do nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có cơn sốt rét trước đó từ 1 đến 2 năm khi bị nhiễm chủng loại Plasmodium falciparum; từ 1,5 - 5 năm khi bị nhiễm chủng loại Plasmodium vivax và Plasmodium ovale; từ 3 - 5 năm khi bị nhiễm chủng loại Plasmodium malariae cũng có thể gây nên hiện tượng tái phát tùy thuộc vào thời gian ký sinh trùng sốt rét tồn tại trong cơ thể người và tuổi thọ của chúng nếu không được điều trị tiệt căn, dứt điểm.

Đồng thời, sốt rét tái phát cũng thường xảy ra ở những người bị mắc sốt rét nhưng phải làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc và trong thời gian 6 tháng đầu của thời kỳ mắc sốt rét sơ nhiễm.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ