Tin tức

Tâm sự chuyện mang thai: bầu 3 tháng đầu có được ăn ngải cứu không?

Ngày 10/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Ngải cứu vốn được coi là một loại thảo mộc tốt cho sức khỏe con người với nhiều công dụng như kháng viêm, giảm đau, chống lại các tác nhân gây bệnh như ký sinh trùng. Tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp để ăn loại rau này, nhất là những mẹ bầu đều cần phải cẩn trọng trước những thực phẩm dung nạp vào cơ thể. Vậy bầu 3 tháng đầu có được ăn ngải cứu không? Điều này sẽ được giải đáp trong các phân tích dưới đây.

1. Tác dụng của cây ngải cứu

Tên khoa học của ngải cứu là Artemisia Vulgaris, nó xuất hiện khá phổ biến tại Việt Nam nói riêng và ở các nước khác trên thế giới nói chung. Loại cây này nổi tiếng với công dụng chữa bệnh và làm nguyên liệu trong các món ăn của người Việt.

Đây là giống cây cỏ màu xanh, thân bạc, hoa màu vàng nhạt còn lá có màu vàng xanh, vị đắng. Do khả năng sinh tồn mạnh mẽ có  thể thích nghi với các điều kiện khí hậu và đất đai khác nhau nên ngải cứu mọc ở nhiều khu vực lãnh thổ, trải rộng từ châu Mỹ, châu Phi cho tới châu Á.

Trong cây ngải cứu chứa các hợp chất như Artemisinin, Thujone, Chamazulene, chất béo, protein cùng hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào. Những thành phần này giúp điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày, chán ăn hay các bệnh lý ở bàng quang. Bên cạnh đó, ngải cứu còn được ứng dụng để trị bệnh gan, chữa mẩn ngứa, mề đay, đau nhức xương khớp, hạ sốt, đau cơ, trầm cảm, nhiễm giun, bệnh IgA, bệnh Crohn hoặc bị suy giảm trí nhớ. Ngoài ra đối với chị em phụ nữ, ngải cứu còn giúp giải quyết các vấn đề trong ngày “đèn đỏ", tăng cường lưu thông khí huyết và điều hòa kinh nguyệt,...

Ngải cứu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người

Ngải cứu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người

Dầu chiết xuất từ ngải cứu thường được dùng để thoa lên da xử lý vết côn trùng cắn hoặc cải thiện triệu chứng viêm khớp nhờ tác dụng giảm đau hiệu quả của loài cây này.

Ngải cứu còn được chế biến thành nguyên liệu tạo mùi trong mỹ phẩm, xà phòng hay các loại nước hoa, đồng thời nó cũng phát huy hiệu quả trong vai trò làm thành phần của thuốc diệt côn trùng.

2. Cây ngải cứu có thể gây nên những tác dụng phụ như thế nào? 

Vào thế kỷ thứ 19, người ta rất ưa chuộng một loại rượu có tên là Absinthe  được làm từ ngải cứu. Rượu này có khả năng khiến người sử dụng sinh ra ảo giác và nếu uống quá nhiều Absinthe có thể bị co giật hoặc tử vong. Chính vì lý do này nên ngải cứu đã bị cấm tại Hoa Kỳ trong thời gian dài.

Tác dụng phụ gây độc nêu trên phần lớn bắt nguồn từ nguyên nhân lạm dụng hợp chất Thujone có trong cây ngải cứu quá mức cho phép. Có 2 dạng Thujone đó là Alpha và Beta-thujone. Trong đó loại Alpha-thujone có độc tính mạnh hơn cả và cũng là thành phần chính của ngải cứu.

Rượu Absinthe từng được ví như chất xúc tác giúp gặp “nàng tiên xanh” nhờ tác dụng gây ảo giác của mình

Rượu Absinthe từng được ví như chất xúc tác giúp gặp “nàng tiên xanh” nhờ tác dụng gây ảo giác của mình

Cơ chế hoạt động của Thujone: khi đi  vào cơ thể nó sẽ ức chế chất dẫn truyền dây thần kinh (GABA), kích thích não bộ tạo nên cảm giác hưng phấn, thậm chí là ảo giác khi dùng quá liều. Vì vậy, Liên minh châu Âu EU cũng đã ra quy định giới hạn các mặt hàng thực phẩm chế biến từ ngải cứu ở ngưỡng 0,5mg thujone/kg. Còn đối với thức uống có cồn là 35 thujone/kg.

3. Bầu 3 tháng đầu có được ăn ngải cứu không? 

Như chúng ta đã biết thì trong ngải cứu chứa rất nhiều các khoáng chất và vitamin, trong đó phải kể đến folate có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thần kinh não, tránh biến chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Tuy nhiên, một thành phần có độc tính cao khác là Thujone lại đem đến những cơn co bóp tử cung khiến thai phụ có nguy cơ sinh non hoặc sảy thai, đồng thời nó cũng là nguyên nhân gây suy thận hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng suy thận ở mẹ bầu.

Đối với người bình thường nếu dùng ngải cứu quá mức có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Chính vì vậy ở những đối tượng đặc biệt  nhạy cảm như phụ nữ mang thai hoặc cho con bú thì nên tránh sử dụng ngải cứu, nhất là khi giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ còn chưa ổn định, nguy cơ dọa sảy cao. Như vậy, bầu 3 tháng đầu có được  ăn ngải cứu không thì câu trả lời là không nên ăn.

Tính đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định rằng phụ nữ có thai ăn ngải cứu là an toàn. Ở những thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu đã cho chúng ăn ngải cứu khi đang mang thai và kết quả là chúng bị sảy thai. 

Thí nghiệm này đã một lần nữa chứng minh tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra đối với thai kỳ, do đó bà bầu cần hết sức cẩn trọng trước loại thảo mộc này.

Còn đối với những mẹ bầu từ 4 tháng trở đi, nếu “nghén” ngải cứu và vẫn muốn sử dụng loại rau này thì có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thử dùng nó.  Nếu được bác sĩ chỉ định, mẹ có thể ăn từ 1 - 2 lần/tháng nhưng cần giới hạn định lượng tiêu thụ, mỗi lần chỉ nên ăn từ 3 - 5 ngọn. Tuy vậy điều này cũng cần dựa trên tình hình sức khỏe và thể trạng của mẹ bầu quyết định. Trên thực tế có rất nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng tốt cho việc chăm sóc thai kỳ, vì thế mẹ có thể lựa chọn những thực phẩm đó thay vì quyết tâm ăn ngải cứu - loại thảo mộc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé trong giai đoạn bầu bí nhạy cảm này.

Bầu 3 tháng đầu có được ăn ngải cứu không? - câu trả lời là không nên ăn

Bầu 3 tháng đầu có được ăn ngải cứu không? - câu trả lời là không nên ăn

Nhìn chung, ngải cứu đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe ví dụ như tác dụng giảm đau, kháng viêm nhưng không nên dùng quá mức cho phép. Đối với phụ nữ mang thai nhất là ở thời điểm 3 tháng đầu thì tốt nhất  không nên ăn ngải cứu vì chưa có đủ chứng cứ khoa học chứng minh sự an toàn của ngải cứu đối với thai kỳ.  

Tóm lại để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé phát triển tốt trong suốt quá trình thai nghén, các mẹ bầu nên đăng ký sử dụng dịch vụ thăm khám thai tại các cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các chuyên gia hàng đầu về Sản phụ khoa tư vấn, theo dõi chi tiết và đưa ra những lời khuyên hữu ích về dinh dưỡng cũng như chăm sóc mẹ bầu trong giai đoạn mang thai.

Liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để đăng ký lịch khám và giải đáp các thắc mắc liên quan tới sức khỏe ngay hôm nay!

Từ khoá: suy thận sảy thai

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ