Tin tức
Tế bào ung thư: Đặc điểm, phân loại, cơ chế hình thành và phát triển
- 16/03/2025 | Tế bào ung thư sợ gì nhất? 4 yếu tố có thể kìm hãm tế bào ung thư
- 31/03/2025 | 6 cách trị ung thư biểu mô tế bào gan và hướng dẫn phòng ngừa bệnh
- 09/04/2025 | Ung thư biểu mô tế bào đáy: Những thông tin cần ghi nhớ để phát hiện và điều trị bệnh
- 14/04/2025 | Ung thư tế bào hắc tố: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 16/04/2025 | Khám phá 8 thực phẩm giúp giết chết tế bào ung thư
1. Tìm hiểu chung về tế bào ung thư
Trong phần đầu tiên, bạn sẽ được lần lượt tìm hiểu về khái niệm, đặc điểm chung của tế bào ung thư, cụ thể như sau:
1.1. Khái niệm
Tế bào ung thư có khả năng phát triển nhanh, tạo điều kiện hình thành các khối u, sau đó di căn đến nhiều cơ quan. Về mặt bản chất, đây là những tế bào khỏe mạnh nhưng lại chứa gen đột biến khiến chúng tăng sinh mất kiểm soát gây tình trạng dư thừa tế bào dẫn đến ung thư.
Tế bào ung thư phát triển nhanh, tham gia vào quá trình hình thành các khối u
1.2. Đặc điểm
Dưới đây là một số đặc điểm cơ bản của tế bào gây ung thư:
- Có khả năng tăng sinh nhanh, mất kiểm soát.
- Không chết đi như tế bào bình thường.
- Có khả năng hình thành mạch máu mới.
- Xâm lấn đến các mô xung quanh, di căn theo thời gian.
- Hấp thụ glucose nhanh, tạo năng lượng ATP cao hơn nhiều tế bào bình thường.
- Có thể lẩn trốn, thoát khỏi hoạt động ngăn chặn kiểm soát của hệ miễn dịch.
- Mang gen đột biến.
2. Phân loại từng dạng tế bào
Tế bào ung thư gồm nhiều dạng khác nhau, có khả năng xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Cụ thể như:
2.1. Ung thư biểu mô
Đây là một trong những dạng ung thư thường gặp nhất, khối u hình thành khi tế bào biểu mô tăng sinh mất kiểm soát. Trong đó, biểu mô là nhóm tế bào tập trung trên bề mặt của các hệ cơ quan trong và ngoài cơ thể.
Tế bào ung thư biểu mô có thể xuất hiện trên bề mặt của nhiều hệ cơ quan trong và ngoài cơ thể
2.2. Ung thư máu
Dạng ung thư máu hình thành từ các mô tham gia vào quá trình sản xuất máu của tủy xương. Theo đó, tế bào bạch cầu mang gen đột biến được tạo thành số lượng lớn trong máu cũng như tủy xương, chúng dần lấn át tế bào khỏe mạnh. Bên cạnh suy giảm hệ miễn dịch, bệnh nhân ung thư máu còn hay bị thiếu máu và rất dễ bị chảy máu.
2.3. Ung thư mô liên kết
Ung thư mô liên kết khởi phát từ trong xương cùng mạng lưới mô mềm như mô tế bào sợi, mô tế bào mỡ,... Trong số các dạng ung thư mô liên kết thì ung thư xương là thường gặp hơn cả.
2.4. Ung thư bạch huyết
Mạng lưới mạch, hạch bạch huyết thường chứa dịch lỏng và tế bào lympho hỗ trợ cơ thể chống chọi lại yếu tố gây nhiễm trùng. Khi tế bào lympho phát triển với số lượng lớn, mất kiểm soát, ung thư hạch bạch huyết sẽ khởi phát.
2.5. Một số dạng tế bào ung thư khác
Ngoài năm dạng kể trên, tế bào ung thư còn được phân chia thành các dạng khác. Chẳng hạn như:
- Ung thư đa u tủy xương.
- Ung thư sắc tố tế bào.
- Ung thư tủy sống.
- U tế bào sinh dục.
- U tế bào thần kinh nội tiết.
- Ung thư Carcinoid.
3. Cơ chế hình thành và phát triển
Sự hình thành và phát triển của tế bào gây ung thư là cả một quá trình, cụ thể:
3.1. Cơ chế hình thành
Thực tế, tế bào ung thư có nguồn gốc là tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt của chúng lại nằm ở gen đột biến. Sự đột biến này có thể là do phân tử ADN bị biến đổi hoặc bị hư hỏng. Khi đó, tế bào có khả năng nhân lên nhanh chóng dẫn đến ung thư.
Tế bào ung thư có nguồn gốc từ tế bào khỏe mạnh nhưng mang gen đột biến
Bên cạnh yếu tố di truyền, tác nhân từ môi trường sống cũng có thể ảnh hưởng đến gen, tăng nguy cơ đột biến nhiễm sắc thể theo thời gian. Trong đó, thói quen sử dụng chất kích thích, rượu bia, tiếp xúc nhiều với tia cực tím thường khiến gen dễ bị hao mòn hơn.
Điểm khác biệt cơ bản của tế bào ung thư so với tế bào thông thường là chúng vẫn tồn tại ngay cả khi không còn cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, những tế bào này không thể đạt đến trạng thái hoàn thiện như các tế bào khác.
3.2. Phát triển
Cũng giống như tế bào khỏe mạnh khác, tế bào ung thư duy trì sự sống nhờ vào nguồn oxy và dưỡng chất trong máu. Các khối u thường xuất hiện khi tế bào đã nhân lên với số lượng lớn. Nhờ hệ thống mạch lân cận nuôi dưỡng, chúng sẽ tiếp tục phát triển.
Tế bào ung thư duy trì phát triển nhờ vào nguồn oxy và dưỡng chất trong máu
Theo thời gian, khối u lớn dần, kéo theo đó là nhu cầu dinh dưỡng tăng lên để duy trì quá trình sản sinh của tế bào. Lúc này, mạch máu mới sẽ hình thành, khiến kích thước khối u ngày càng lớn. Đồng thời, thông qua mạng lưới mạch máu, tế bào ung thư có thể xâm lấn, di căn đến nhiều hệ cơ quan khác.
4. Phân biệt tế bào ung thư di căn và tế bào ung thư tái phát
Tiếp theo, MEDLATEC sẽ giúp bạn phân biệt giữa tế bào ung thư di căn và tế bào ung thư tái phát.
4.1. Tế bào ung thư di căn
Tế bào ung thư di căn là những tế bào đã xâm nhập đến phần mô lân cận khi khối u lớn dần. Chúng có khả năng tổng hợp enzyme khiến tế bào khỏe mạnh và các mô bị phá hủy.
Ngoài ra, các tế bào này còn có xu hướng xâm lấn nhiều hệ cơ quan ở vị trí xa hơn. Người ta còn gọi đây là tình trạng di căn. Khi đó, chúng đã tách khỏi khối u và xâm nhập đến khu vực khác thông qua mạng lưới hạch bạch huyết hoặc mạch máu.
Trong phần lớn trường hợp, nếu không được điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ di căn đến hàng loạt cơ quan như xương, phổi, gan, não bộ,... khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.
4.2. Tế bào ung thư tái phát
Tình trạng tái phát sau điều trị ung thư là khá phổ biến. Bởi nhiều tế bào ung thư chưa bị tiêu diệt hoàn toàn vẫn có khả năng phân chia, hình thành khối u mới. Theo đó, khối u mới có thể xuất hiện tại vị trí ban đầu hoặc xuất hiện tại vị trí khác theo mạch máu hoặc mạng lưới hạch bạch huyết.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân ung thư thường phải hóa trị hoặc xạ trị để phòng ngừa tái phát
Chính bởi vậy, sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u, phần lớn bệnh nhân vẫn phải điều trị bổ sung bằng các phương pháp như xạ trị, hoá trị. Mục đích chính của việc điều trị bổ sung này là phòng ngừa tình trạng tái phát, loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại.
Dễ thấy rằng, hầu hết các loại tế bào ung thư đều phát triển tương đối nhanh. Khối u sẽ hình thành khi những tế bào này đạt đến số lượng nhất định. Trước sự tiến bộ của y học, thời gian sống và chất lượng sống của bệnh nhân ung thư đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy nếu phát hiện trong giai đoạn muộn, việc điều trị thường khó khăn và tốn kém hơn. Do vậy, mọi người nên chú trọng tầm soát ung thư định kỳ tại địa chỉ uy tín như chuyên khoa Ung bướu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để chủ động phát hiện sớm, điều trị hiệu quả. Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
