Tin tức

Thay chức năng nội tạng

Ngày 03/08/2013
Phương Nam
Khiếm khuyết cơ quan tiêu hóa, bài tiết do bẩm sinh, bệnh tật… khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng một là tử vong, hai là chất lượng sống không cao. Dùng chính “nguyên liệu” tại chỗ để giúp bệnh nhân trở về với đời sống bình thường là điều mà các bác sĩ ngoại khoa đang thực hiện.


Dùng ruột già thay thực quản

Gia đình bệnh nhi sinh sống tại Cà Mau. Bé bị bỏng thực quản từ hồi còn bé, càng lớn ăn uống càng khó khăn, dần dần ngay cả nước cũng khó uống. Gia đình đưa bé đến bệnh viện tỉnh thì được đặt ống dạ dày để bơm sữa, thức ăn vào. Cứ mỗi lần thấy ai ăn mà bé thèm thì xin một chút nhấp nhấp nước rồi nhả bã. Thấy con khổ sở, cha mẹ bé đã đánh liều đưa con lên thành phố chữa bệnh. Tại BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, bé đã được các bác sĩ Khoa Ngoại khám và nhận thấy, phần bị teo quá dài không thể dùng dạ dày thay thế nên đã dùng ruột già để thay đoạn thực quản bị teo. Kết quả: bé đã ăn uống được bình thường.
 

Theo BS Đào Trung Hiếu, phương pháp điều trị này tỷ lệ thành công từ 75-80% và không ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành của bệnh nhi. 
 

Dùng ruột làm bàng quang

Bàng quang thường bị cắt bỏ khi mắc các bệnh bướu bàng quang, ung thư bàng quang… giai đoạn muộn. Tại hội thảo “Phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột”, TS-BS Trần Vĩnh Hưng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết: “Tạo hình bàng quang bằng ruột là một trong những phẫu thuật tạo hình hàng đầu của niệu khoa. Kỹ thuật này đã giúp tái tạo khiếm khuyết ở những cơ quan, bộ phận do bẩm sinh hoặc bệnh tật, tai nạn, và vẫn bảo đảm được chức năng, thẩm mỹ”. Các bác sĩ chuyên khoa niệu đã dày công nghiên cứu từ mổ hở đến nội soi, từ chuyển nước qua da đến tạo hình bàng quang. Sau nhiều nghiên cứu, đoạn hồi tràng được dùng làm bàng quang vì: dễ thao tác đối với bác sĩ niệu, ít biến chứng, rối loạn nước - điện giải có chức năng chứa đựng tống xuất tốt, độ ổn định sáu tháng sau mổ tốt. Mặc dù lưu lượng dòng tiểu thấp và bệnh nhân phải tiểu kéo dài nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Bệnh nhân và bàng quang phải làm quen với nhau. Bệnh nhân cần tập vận động cơ thành bụng, tập rặn bụng, tự thông tiểu cách quãng (nếu cần)… Sự tuân thủ, hợp tác của bệnh nhân giúp phẫu thuật tái tạo thành công cao hơn. 
 

Tạo hậu môn

Bé sau khi sinh không có hậu môn, không đại tiện được, bụng trương phồng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Gần đây, các trường hợp này đã được các bác sĩ ngoại khoa “giải cứu” bằng cách tạo hậu môn cho bé.
 

TS Trương Quang Định - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết: Bé sinh ra không có hậu môn là dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ bị dị tật này là 1/5.000 trẻ. Mỗi tuần Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận và điều trị từ ba-năm trường hợp. Dị tật không hậu môn chia làm hai thể: dạng không hậu môn thấp và không hậu môn cao. Khoa học chưa xác định được nguyên nhân, chỉ biết nó liên quan đến một số yếu tố như mẹ nhiễm virus, tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc dùng thuốc trong thời kỳ thai nghén. Nếu không có hậu môn thể thấp, có đường dò ra sẽ phẫu thuật ngay sau khi sinh. Còn không hậu môn thể cao sẽ tiến hành ba giai đoạn:
 

- Hậu môn tạm (đi tiêu bằng một lỗ trên thành bụng).
 

- Một tháng sau làm hậu môn thật. (Hậu môn này được nong dần cho đến khi đạt được kích thước bình thường).
 

- Đóng hậu môn tạm.
 

Chức năng hoạt động của hậu môn thường tốt, trẻ có thể tự đi tiêu bình thường.

Nguồn: phunuonline.com.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.