Tin tức
Thế nào là dẫn lưu bàng quang trên xương mu, những lưu ý khi thực hiện
- 08/07/2024 | Viêm bàng quang cấp là bệnh gì, có nguy hiểm không?
- 12/07/2024 | Viêm bàng quang nữ - Những thông tin y khoa cần biết
- 20/09/2024 | Nguyên nhân gây ung thư bàng quang và cách điều trị bệnh
1. Kỹ thuật dẫn
lưu bàng quang trên xương mu là gì?
Dẫn lưu bàng quang trên xương mu là phẫu thuật đặt ống dẫn lưu bàng quang để đưa nước tiểu ra ngoài mà không đi qua niệu đạo. So với kỹ thuật đặt ống thông niệu đạo thì phương pháp này ít có nguy cơ gây nhiễm trùng và thoải mái hơn đối với bệnh nhân.
Những bệnh nhân bị các vấn đề liên quan tới đường tiết niệu như rối loạn chức năng bàng quang hay bí tiểu thường được chỉ định phẫu thuật để đặt ống dẫn nước tiểu ra ngoài. Một vết cắt sẽ được tạo trên xương mu để đặt ống dẫn lưu. Bệnh nhân phải được gây tê cục bộ, gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh nhân cần được gây tê hoặc gây mê trong quá trình phẫu thuật
2. Thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu khi nào?
Trường hợp được chỉ định thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu thường là:
● Niệu đạo bị hẹp, tắc nghẽn hoặc tổn thương.
● Chấn thương nặng ở niệu đạo.
● Bị ung thư và khối u ác tính ở cơ quan sinh dục.
● Bàng quang co thắt.
● Phì đại tuyến tiền liệt.
● Bí tiểu.
● Sau khi phẫu thuật cổ tử cung, bàng quang bị sa hoặc sau các ca phẫu thuật phụ khoa.
● Người vẫn sinh hoạt tình dục nhưng cần đặt ống thông tiểu trong thời gian dài.
● Tiểu không tự chủ.
3. Trường hợp nào chống chỉ định thực hiện
Mặc dù phương pháp này được sử dụng phổ biến, song có một số trường hợp các bác sĩ sẽ không cho phẫu thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Đó là các trường hợp sau:
● Nhiễm trùng vùng da tại vị trí phẫu thuật chưa được điều trị khỏi.
● Máu khó đông hoặc rối loạn đông máu.
● Viêm tủy xương mu.
● Bàng quang không hoạt động bình thường, không thể căng phồng.
● Bị ung thư bàng quang.
Những bệnh nhân này khi thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu sẽ dễ để lại các tổn thương và nhiều biến chứng khác liên quan tới mạch máu và đường ruột. Những rủi ro mà bệnh nhân có thể gặp phải nếu thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu bao gồm:
● Chảy máu do máu khó đông.
● Vôi hóa ống dẫn lưu, ống bị tắc nghẽn.
● Mạch máu và đường ruột bị tổn thương.
● Nước tiểu bị rò rỉ.
● Bàng quang co thắt, có sỏi trong bàng quang.
● Vết mổ bị nhiễm trùng, tiểu ra máu.
● Da xung quanh ống dẫn lưu đau, rát, ửng đỏ và sưng lên.
Bệnh nhân cần tái khám ngay khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe
4. Quy trình thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu
Phương pháp thường được thực hiện trong tổng thời gian từ 30-60 phút. Trước khi thực hiện, bác sĩ và bệnh nhân cần chuẩn bị một số bước sau đây:
● Bác sĩ siêu âm bụng, chụp CT hoặc nội soi bàng quang cho bệnh nhân.
● Kiểm tra sức khỏe tổng quát và đánh giá thể lực của bệnh nhân có đáp ứng được ca phẫu thuật hay không? Bệnh nhân có thiếu máu hay khó đông máu không?
● Chuẩn bị dụng cụ và khử trùng trước khi thực hiện ca phẫu thuật.
● Bệnh nhân cạo sạch lông vùng bụng dưới và vệ sinh thật sạch cơ quan sinh dục.
● Bệnh nhân cũng cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu.
Bác sĩ chuẩn bị dụng cụ vô khuẩn trước khi phẫu thuật
Quá trình thực hiện dẫn lưu bàng quang trên xương mu thường được tiến hành qua các bước sau:
● Bệnh nhân nằm ngửa và được gây tê, gây mê tùy theo trường hợp và sức khỏe của bệnh nhân.
● Trải khăn vô khuẩn và sát khuẩn vùng phẫu thuật từ mũi ức tới khớp mu và phần trên của đùi.
● Bác sĩ rạch một vết khoảng 5cm ở vùng bụng dưới, trên xương mu để nhìn thấy bàng quang.
● Kiểm tra bàng quang, tuyến tiền liệt và niệu quản để xem có sỏi, cục máu đông hay không.
● Đưa ống sonde Pezzer qua xương mu vào bàng quang, bác sĩ sẽ không đặt quá sâu hoặc sát cổ bàng quang gây khó chịu cho bệnh nhân.
● Kiểm tra ống dẫn có lưu thông được không, vết mổ đã được khâu kín chưa trước khi cố định và khâu đóng vết mổ.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau đây:
● Cần ở lại bệnh viện sau ca mổ ít nhất 3-5 ngày để theo dõi và chăm sóc vết mổ cho tới khi sức khỏe ổn định.
● Ống dẫn lưu sẽ được cố định để dẫn nước tiểu ra ngoài dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nước tiểu được thu thập vào một túi gắn liền với ống dẫn lưu. Nước tiểu trong túi được xả qua van dưới đáy túi hoặc được đổ đi vài lần trong ngày.
● Thay ống dẫn lưu sau 1-3 tháng. Người bệnh có thể nhờ người chăm sóc thay tại nhà hoặc tới bệnh viện để thay.
5. Khi nào người bệnh cần đi khám?
Phẫu thuật dẫn lưu bàng quang trên xương mu có thể sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm, vì thế mà bệnh nhân cần tái khám để chắc chắn vết mổ không bị tổn thương và ống dẫn lưu hoạt động bình thường. Bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ ngay khi:
● Không tự thay được ống dẫn lưu.
● Bị rò rỉ nước tiểu.
● Lượng nước tiểu nhiều, tăng lên, có khi lẫn máu nhất là sau khi xuất viện.
● Vùng da quanh ống dẫn bị sưng đau và có mủ.
● Chảy máu quanh khu vực đặt ống, máu không đông trong vòng 1 ngày sau khi đặt hoặc thay ống.
● Tắc nghẽn ống dẫn lưu, có sạn trong nước tiểu.
● Thay đổi mùi và màu sắc nước tiểu.
● Đau khi đi tiểu, sốt cao sau phẫu thuật đặt ống dẫn lưu.
Bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ ngay khi có các biến chứng bất thường
Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin tham khảo về dẫn lưu bàng quang trên xương mu và một số lưu ý mà bệnh nhân cần biết. Để cuộc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, ngoài tìm hiểu kỹ về những gì mình cần chuẩn bị, bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y tế giàu kinh nghiệm.
Để được tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch khám tại MEDLATEC, bạn có thể gọi đến hotline 1900 56 56 56 của bệnh viện, các Tổng đài viên sẽ hỗ trợ 24/7.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!