Tin tức
Thế nào là người có 2 bộ phận sinh dục? Phân loại tình trạng
- 16/01/2025 | Mụn rộp sinh dục có tự khỏi được không? Câu trả lời chính xác từ chuyên gia
- 21/01/2025 | Mách bạn cách phát hiện sớm u nhú sinh dục - yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa biến chứng
- 21/01/2025 | Các bệnh phổ biến ở cơ quan sinh dục nam và biện pháp phòng tránh
- 03/02/2025 | Song tính là người có 2 bộ phận sinh dục: Đúng hay sai?
- 16/03/2025 | HPV type 6: Nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục, sùi mào gà
1. Thế nào là người có 2 bộ phận sinh dục?
Người có 2 bộ phận sinh dục còn được biết đến với tên gọi là người liên giới tính hay người lưỡng tính. Bộ phận sinh dục ở nhóm người này không hẳn là nam hay nữ, khó xác định chính xác giới tính.
Người có 2 bộ phận sinh dục khó xác định chính xác giới tính ngay từ khi được sinh ra
Theo đó, một người lưỡng tính có thể được sinh ra với bộ phận sinh dục ngoài mang đặc điểm của nam và nữ. Chẳng hạn như có âm vật nhưng lại phì đại tương tự dương vật, âm đạo nông, thậm chí có cả tinh hoàn ẩn bên trong cơ thể. Cơ quan sinh sản ở nhóm người này phát triển không hoàn thiện.
2. Phân loại tình trạng
Tình trạng phát triển bất thường của bộ phận sinh dục ở người lưỡng tính thường bao gồm nhiều dạng. Cụ thể như:
2.1. Lưỡng tính giả nữ
Người được xem là lưỡng tính giả nữ khi mang kiểu gen 46,XX. Mặc dù vẫn có buồng trứng nhưng cơ quan sinh dục bên ngoài lại mang đặc điểm của nam giới, do sự phơi nhiễm Androgen trong thai kỳ.
Buồng trứng ở những người này vẫn phát triển. Tuy nhiên, tuyến thượng thận lại tăng sinh sản, tổng hợp quá mức Androgen dẫn đến nam hóa âm vật.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là do:
- Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: Chiếm tỷ lệ tương đối cao trong số các trường hợp lưỡng tính giả nữ. Lúc này, enzym 21-hydroxylase có xu hướng bị thiếu hụt dẫn đến tăng tổng hợp Androgen.
- Tình trạng phơi nhiễm Androgen ngoại sinh: Thường là do tác dụng của Steroid sử dụng trong thời kỳ mang thai.
- U tổng hợp Androgen trong bào thai: Mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.
Người lưỡng tính giả nữ thường biểu hiện một số dấu hiệu như:
- Âm vật bị phì đại, môi lớn tương tự như bìu, lỗ tiểu không rõ ràng.
- Hệ cơ quan sinh dục nữ bên trong vẫn phát triển. Trong đó, tử cung, âm đạo và buồng trứng gần như đầy đủ.
Người lưỡng tính giả nữ có buồng trứng bên trong nhưng cơ quan sinh dục bên ngoài lại hóa nam
2.2. Lưỡng tính giả nam
Với người lưỡng tính giả nam, kiểu gen đặc trưng là 46,XY, đồng thời vẫn có tinh hoàn. Thế nhưng cơ quan sinh dục ngoài lại không phát triển bình thường hoặc mang đặc điểm của nữ. Mặc dù có tinh hoàn nhưng quá trình tổng hợp Testosterone lại không đáp ứng với Androgen. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nữ hóa bộ phận sinh dục ngoài.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do:
- Hội chứng kháng Androgen bẩm sinh: Khiến cơ quan đích không đáp ứng tốt với Androgen cho dù cơ thể vẫn tổng hợp được Testosterone.
- Tình trạng thiếu hụt enzym 5-alpha-reductase: Khiến Testosterone không thể chuyển hóa sang dạng DHT để biệt hóa dương vật.
Ngoài ra, sự bất thường trong quá trình tổng hợp Testosterone cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến lưỡng tính giả nam. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng ở đối tượng này là bộ phận sinh dục ngoài bị nữ hóa hoặc không rõ nét, không có tử cung, đến tuổi dậy thì nhưng không có hành kinh, lông mu và tóc trán không phát triển.
Người lưỡng tính giả nam có bộ phận sinh dục bên ngoài bị nữ hóa, nhưng vẫn có tinh hoàn bên trong
2.3. Lưỡng tính thật
Đặc điểm nhận biết ở người lưỡng tính thật là có đồng thời mô tinh hoàn và mô buồng trứng. Hai cơ quan cùng tồn tại và phát triển trong một tuyến sinh dục hoặc nằm tại hai vị trí khác nhau. Nhiễm sắc thể giới tính ở những người này có thể là 46,XX hoặc 46,XY. Trong đó, 46,XX thường chiếm ưu thế hơn.
Cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng. Trong một số trường hợp, cơ quan sinh dục người mang đặc điểm của nam hoặc nữ.
Đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây hiện tượng lưỡng tính thật. Tuy vậy, sự đột biến về mặt di truyền, chuyển đoạn nhiễm sắc thể, ảnh hưởng của nội tiết trong thai kỳ có thể là những yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến sự khác biệt về giới tính này.
2.4. Loạn sinh tuyến dục kết hợp
Đây cũng là một dạng lưỡng tính hiếm gặp. Theo đó, người bị loạn sinh tuyến dục kết hợp có bộ phận sinh dục bên trong và bên ngoài khác biệt. Cụ thể, cơ quan sinh dục ngoài không hoàn toàn mang đặc điểm của nam hay nữ. Cơ quan sinh dục trong như tinh hoàn hoặc buồng trứng vẫn có nhưng phát triển không hoàn thiện, bởi sự thiếu hụt hormone.
Giới tính ở nhóm người này khó xác định, số lượng nhiễm sắc thể giới tính cũng có xu hướng thay đổi.
3. Khả năng sinh sản ở người có 2 bộ phận sinh dục
Hầu hết người lưỡng tính đều không có khả năng sinh sản tự nhiên. Bởi tuyến sinh dục như buồng trứng hoặc tinh hoàn thường không phát triển hoàn thiện, khó thực hiện chức năng sinh sản như người bình thường. Mặt khác, ngay cả khi có buồng trứng hoặc tinh hoàn thì hệ thống cơ quan sinh sản kèm theo như ống dẫn tinh, tử cung, ống dẫn trứng vẫn bị khiếm khuyết, cản trở việc thụ thai hoặc xuất tinh. Mặc dù vậy, vẫn có một số ít trường hợp có thể sinh sản tự nhiên.
Người có 2 bộ phận sinh dục khó sinh sản tự nhiên
Nhìn chung, số lượng người lưỡng tính có khả năng sinh sản tự nhiên là rất ít. Bởi sự khó khăn trong sinh sản tự nhiên nên người lưỡng tính muốn sinh con thường tìm đến biện pháp hỗ trợ như thụ tinh nhân tạo IVF, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn ICSI. Thế nhưng, không phải ai cũng đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện những kỹ thuật can thiệp này.
Thực tế, phần lớn người có hai bộ phận sinh dục thường được chẩn đoán vô sinh sớm. Vì khó sinh con tự nhiên nên nhiều người đã lựa chọn giải pháp xin con nuôi.
4. Quyền chọn giới tính của người có 2 bộ phận sinh dục
Ngay từ khi mới sinh, trẻ lưỡng tính đã biểu hiện dấu hiệu khác lạ, nhất là ở bộ phận sinh dục ngoài. Thông qua kiểm tra, xác định giới tính, bác sĩ có thể can thiệp bằng biện pháp phẫu thuật chỉnh hình cơ quan sinh dục ngoài để giúp trẻ trở về giới tính phù hợp với đặc điểm sinh học hoặc theo mong muốn của ba mẹ. Tuy nhiên, phẫu thuật định hình giới tính ngay từ lúc mới sinh cho người lưỡng tính hiện không được khuyến khích áp dụng.
Việc can thiệp định hình lại giới tính có thể thực hiện khi người lưỡng tính đến tuổi trưởng thành
Thay vào đó, nhiều ba mẹ lại lựa chọn cách nuôi dạy con bình thường, theo giới tính phù hợp với đặc điểm sinh học. Đến khi trưởng thành, đủ nhận thức, trẻ có thể lựa chọn giới tính mong muốn. Khi đó, việc phẫu thuật can thiệp vẫn chưa muộn.
Người có 2 bộ phận sinh dục là những người gặp khiếm khuyết về bộ phận sinh dục cũng như hệ cơ quan sinh sản. Cơ quan sinh dục bên trong và bên ngoài có xu hướng trái ngược. Việc phẫu thuật định hình lại giới tính cho đối tượng này có thể tiến hành từ lúc mới sinh hoặc chờ đến tuổi trưởng thành. Nếu con em không may gặp phải tình trạng này, bạn nên nhờ đến sự tư vấn và trợ giúp của chuyên gia y tế. Để được tư vấn cụ thể hơn, Quý khách có thể liên hệ đến Hệ thống Y tế MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
