Tin tức

Thoái hóa đốt sống cổ: Làm gì để không bị biến chứng?

Ngày 15/10/2014
BS. Đặng Phương Linh
Ngày nay, tỷ lệ người bị thoái hóa đốt sống cổ (THĐSC) ngày càng có xu hướng gia tăng, bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt ở người cao tuổi. THĐSC có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, có thể gây nên các biến chứng, thậm chí là biến chứng nguy hiểm.


Đặc điểm của đốt sống cổ

Cột sống có 33 đốt, trong đó 7 đốt sống cổ và được gọi tên từ C1 - C7. Giữa hai đốt sống từ C2 trở xuống có các đĩa đệm gian đốt sống. Mỗi đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi, mâm sụn, có chiều cao 3mm, bằng 2/5 chiều cao thân đốt sống. Xung quanh đốt sống có các dây chằng, gân cơ bám vào. Đĩa đệm cột sống cổ là bộ phận chính để liên kết các đốt sống. Mâm sụn gắn chặt vào tấm cùng của thân đốt sống bằng một lớp canxi có nhiều lỗ nhỏ có tác dụng dinh dưỡng cho đĩa đệm (theo kiểu khuếch tán) và bảo vệ xương khỏi bị nhân nhầy ép vào, bảo vệ đĩa đệm khỏi bị nhiễm khuẩn từ xương đi tới. Nhân nhầy di chuyển khi cột sống cử động và có tác dụng làm giảm xóc khi có lực tác động vào đốt sống. THĐSC là tình trạng viêm dày và lắng tụ canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh biểu hiện ra bằng các triệu chứng lâm sàng. Việc chèn ép rễ thần kinh và tủy sống còn có thể đưa đến sự thoát vị của các nhân đĩa đệm chèn vào tủy sống gây nên các biến chứng.


Vì sao bị THĐSC?

Người bị THĐSC thường bị đau cổ khi vận động, cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, đầu, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai... làm cho hoạt động phần cổ bị hạn chế. THĐSC thường gặp ở người có công việc luôn đòi hỏi cúi nhiều, ngửa nhiều hoặc ở người thường xuyên mang vác nặng hay ngồi trước màn hình vi tính hoặc xem vô tuyến quá lâu làm sai lệch cấu trúc bình thường của cổ, dẫn tới biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống. NCT do ít vận động, nằm một tư thế, ăn uống thiếu chất làm cho vùng cổ, gáy không được thường xuyên cử động, hoặc chỉ giữ nguyên một tư thế làm cho máu ít lưu thông, các tổ chức nuôi dưỡng kém. Ngoài ra còn có thể do tư thế ngủ (chỉ nằm một hoặc hai tư thế, dùng gối không phù hợp, không có thói quen chuyển mình...). THĐSC nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp sẽ gây nhiều biến chứng.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ - Biến chứng nguy hiểm của THĐSC

THĐSC ở giai đoạn đầu cảm thấy cổ cứng, hơi đau khi cúi xuống và bắt đầu khó xoay chuyển, sau một thời gian thấy đau nhức vùng cổ, đau nhức lan dần xuống vai, gáy, tai, đầu. Giai đoạn tiếp theo người bệnh xuất hiện đau đầu, xoay cổ thấy đau, vướng, nhất là thỉnh thoảng bị vẹo cổ. Các triệu chứng đau nhức, tê, mỏi ở vùng chẩm, trán, lan xuống cánh tay (một bên hay cả hai tùy theo sự chèn ép vào dây thần kinh) và bắt đầu có tê cánh tay, bàn tay, ngón tay. THĐSC nếu không phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như rối loạn tiền đình do thoái hóa đốt sống cổ làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn. Đây là một vòng luẩn quẩn, càng lo lắng, mệt mỏi, ngủ kém thì THĐSC càng nặng thêm. Biến chứng đáng ngại nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, mà khi gặp phải biến chứng này thì việc điều trị không đơn giản chút nào, nhất là có chèn ép tủy sống, thậm chí còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). Do vậy, để xác định THĐSC cần khám lâm sàng (chuyên khoa thần kinh là tốt nhất), chụp Xquang cột sống cổ, chụp cắt lớp vi tinh (CT), tốt nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI), kết hợp với các thăm dò hiện đại khác để phát hiện, xử lý kịp thời.

Cách điều trị và dự phòng THĐSC

Khi bị THĐSC ở mức độ nhẹ, người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, kết hợp vật lý trị liệu an toàn (tránh vật lý trị liệu thô bạo làm cho bệnh thêm nặng). Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau, giãn cơ (uống, dán, thoa ngoài da), thuốc tăng cường thần kinh hoặc vitamin nhóm B hoặc châm cứu giảm đau (phải do các bác sĩ có kinh nghiệm tiến hành). Việc điều trị bằng phương pháp gì, thuốc gì cần có chỉ định của bác sĩ khám bệnh, tốt nhất là bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị. Không nên lắc, quay vặn cổ khi đã bị thoái hóa đốt sống cổ, đặc biệt là khi đã bị thoát vị đĩa đệm sẽ làm bệnh nặng thêm. Khi ngủ cần gối đầu với gối có độ cao vừa phải thật thoải mái (không cao, không thấp quá) và nên thỉnh thoảng thay đổi tư thế để cho máu được lưu thông. Nên có chế độ ăn giàu canxi (tôm, cua, ốc, uống sữa có canxi,...) và ăn nhiều rau, trái cây để bồi phụ các loại vi chất cần thiết, trong đó có các vitamin.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ