Tin tức

Thoái hóa đốt sống cổ: triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh

Ngày 16/07/2021
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý xương khớp mạn tính khá thường gặp. Bệnh thường tiến triển chậm, gây đau, mỏi vùng cổ, nặng hơn làm giảm vận động vùng khớp cổ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nói chung và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Không chỉ gặp ở người già, hiện nay không ít người trẻ mắc thoái hóa đốt sống cổ do lao động, công việc không đúng tư thế kéo dài.

1. Thoái hóa đốt sống cổ - thông tin cơ bản

Thoái hóa đốt sống cổ xảy ra khi các đốt sống cổ bắt đầu xuất hiện hiện tượng thoái hóa, hư khớp có thể xảy ra ở diện thân đốt, đĩa liên đốt, các bao hoạt dịch hay dây chằng,… Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ khớp nào của cột sống cổ, song thường gặp nhất là đoạn C5 - C6 - C7. 

Nhiều người cho rằng, thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý chỉ gặp ở người già do vấn đề lão hóa, giảm chức năng xương khớp, tuy nhiên hiện nay không ít giới trẻ mắc phải tình trạng này. Thường gặp nhất là những người làm việc văn phòng, ngồi nhiều 1 tư thế, ít vận động cơ thể hoặc phải làm việc cúi nhiều, thực hiện các động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ.

2. Triệu chứng điển hình của thoái hóa đốt sống cổ

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ là bệnh tiến triển từ từ nhưng rất nguy hiểm. Hầu hết người bệnh trong thời gian đầu không hề xuất hiện triệu chứng gì, chỉ khi tổn thương nặng hoặc làm việc quá mức dẫn tới cảm giác đau, mỏi, nhức, khó vận động vùng cổ thường xuyên nhưng không kéo dài. Khi thoái hóa đốt sống cổ nặng dần, cảm giác đau buốt khó chịu sẽ trở nên nghiêm trọng, thậm chí ám ảnh người bệnh khi xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi.

Thoái hóa đốt sống cổ gây đau đớn nghiêm trọng

Thoái hóa đốt sống cổ gây đau đớn nghiêm trọng

Dưới đây là những triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ thường gặp:

2.1. Khó khăn khi thực hiện động tác ở cổ

Thoái hóa đốt sống cổ khiến người bệnh rất khó thực hiện động tác ở cổ do cảm giác đau, khó chịu, thậm chí có thể gây vẹo cổ nếu cố vận động.

2.2. Đau vùng cổ

Đây là triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ điển hình nhất, vùng đau xảy ra từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng đến tư thế đầu cổ. Cơn đau có thể lan đến đầu, gây đau vùng trán, vùng chẩm hoặc lan xuống gây đau ở bả vai, cánh tay,…

2.3. Hiện tượng cứng cổ

Người bị thoái hóa đốt sống cổ thường bị cứng cổ khi gặp thời tiết lạnh hoặc tư thế ngủ không tốt. Khi bị cứng cổ, người bệnh gần như không thể hoạt động hay tác động gì đến vùng cổ, những cơn hắt hơi, ho sẽ gây đau nghiêm trọng.

Cùng với đó là tình trạng ê, đau vùng gáy, lan ra cả mảng đầu sau. Cơn đau và cứng cổ khiến người bệnh không thể xoay đầu sang trái, sang phải mà phải xoay cả người khi cần.

2.4. Mất cảm giác ở tay

Thoái hóa đốt sống cổ không chỉ ảnh hưởng đến khu vực này mà dây thần kinh cánh tay cũng bị ảnh hưởng, có thể gây mất cảm giác sâu ở tay, đôi khi cả tê liệt cánh tay và bàn tay.

Thoái hóa đốt sống cổ có thể ảnh hưởng đến cánh tay

Thoái hóa đốt sống cổ có thể ảnh hưởng đến cánh tay

2.5. Triệu chứng Lhermitte

Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng, người bệnh gặp phải cảm giác khó chịu đột ngột giống như có luồng điện đi từ cổ xuống xương sống, cảm giác này có thể lan cả đến các ngón tay, ngón chân. Triệu chứng Lhermitte có thể xuất hiện đột ngột, triệu chứng sẽ nặng hơn nếu bạn cúi cổ về phía trước.

3. Nguyên nhân nào gây thoái hóa đốt sống cổ?

Nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ rất đa dạng, có thể liên quan đến công việc, tuổi tác, hoạt động hoặc thậm chí kết hợp nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất:

3.1. Hoạt động sai tư thế

Hoạt động sai tư thế là nguyên nhân quan trọng, bao gồm cả ít vận động, làm việc kéo dài giữ nguyên 1 tư thế hoặc làm công việc phải vận động quá nhiều. Do đó, thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở người làm việc ngồi nhiều, công việc yêu cầu cúi ngửa nhiều hoặc mang vác vật nặng trên đầu.

Đặc biệt, giới trẻ bị thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu do ít vận động, sử dụng máy tính nhiều trong thời gian dài liên tục. Bên cạnh đó, tư thế làm việc không đúng như: để máy tính quá thấp hoặc quá cao, đặt tay trên bàn làm việc, chỉ giữ nguyên tư thế khiến vùng gáy và vùng cổ không được vận động, vị trí ngồi quá thấp so với bàn làm việc,... ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng vận động.

Thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu do làm việc sai tư thế

Thoái hóa đốt sống cổ chủ yếu do làm việc sai tư thế

3.2. Thói quen sống thiếu lành mạnh

Nguyên nhân có thể gây thoái hóa đốt sống cổ là do chế độ dinh dưỡng thiếu hụt như: không đủ chất dinh dưỡng, sụt giảm hàm lượng canxi, Vitamin, Magie,… 

Ngoài ra, thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như: mang vác vật nặng trên cổ và vai, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, kê gối quá cao khi ngủ, ngủ sai tư thế,… cũng tác động xấu đến vùng đốt sống cổ gây thoái hóa.

3.3. Bệnh lý đốt sống cổ

Những thay đổi của xương, sụn, bao hoạt dịch,… tạo nên cột sống cổ cũng dần gây ra tình trạng thoái hóa, vì thế những người mắc bệnh lý sau dễ bị thoái hóa đốt sống cổ hơn:

Mất nước đĩa đệm: Đĩa đệm với hệ xương khớp có vai trò như miếng lót giữa các đốt sống. Theo tuổi tác hoặc chế độ dinh dưỡng không tốt, đĩa đệm cột sống có xu hướng co lại, khô hơn, khiến các đốt sống tiếp xúc gần hơn, nhiều hơn gây thoái hóa.

Gai xương: Thoái hóa đĩa đệm thúc đẩy quá trình tăng sinh xương gây ra tình trạng gai xương, gai xương lại vô tình gây chèn ép tủy sống và rễ thần kinh gây bệnh.

Thoát vị đĩa đệm: Vết nứt xảy ra ở đĩa đệm sẽ gây thoát vị, ảnh hưởng đến tủy sống, rễ thần kinh và cũng là nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ.

Xơ hóa dây chằng: Dây chằng là phần nối xương với xương để cố định, theo tuổi tác hoặc tổn thương, dây chằng có thể bị xơ hóa, suy giảm chức năng. Đây cũng là nguyên nhân khiến các khớp cổ hoạt động kém linh hoạt.

Xơ hóa dây chằng có thể gây thoái hóa đốt sống cổ

Xơ hóa dây chằng có thể gây thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng thay đổi tư thế làm việc, tư thế ngủ khoa học, ăn uống đủ dinh dưỡng, hạn chế thực hiện động tác hoặc bê vác vật nặng ảnh hưởng đến đốt sống cổ. Ngoài ra, xoa bóp thường xuyên cho vùng cổ cũng là cách giúp các đốt sống được thư giãn, đem lại cảm giác dễ chịu và ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa.

Tốt nhất, khi có dấu hiệu bị thoái hóa đốt sống cổ, hãy đi thăm khám để được tư vấn cách điều trị đúng từ các chuyên gia. Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ thăm khám tin cậy của nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp, bệnh khớp tự miễn,...

Với đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong ngành như PGS. TS Nguyễn Thị Mai Hồng (nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch hội Loãng xương Hà Nội),... sẽ giúp chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả cho người bệnh. Liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn thêm thông tin chi tiết hoàn toàn miễn phí.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.