Tin tức

Thoát vị bẹn có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Ngày 16/06/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Thoát vị bẹn xảy ra khi một số cơ quan trong ổ bụng theo đường lỗ bẹn xuống dưới da hoặc xuống vùng bìu. Tình trạng này thường gặp hơn ở nam giới do cấu tạo vùng bẹn khá yếu, có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải bệnh lý tiến triển sau phẫu thuật. Hầu hết thoát vị bẹn không gây đau, chỉ hạn chế vận động và gây cảm giác căng tức khó chịu. Vậy thoát vị bẹn có nguy hiểm không và có nguyên nhân do đâu?

1. Thoát vị bẹn và nguyên nhân dẫn đến bệnh

Thoát vị bẹn xảy ra khi các tạng trong ổ bụng chui qua ống bẹn hay các điểm yếu tự nhiên của thành bụng vùng trên nếp bẹn, khiến một phần cơ quan bụng di chuyển theo chui vào túi thoát vị. Vị trí yếu dễ hình thành túi thoát vị bẹn là màng tế bào lót các khoang bụng, đặc biệt thường gặp ở nam giới do cấu tạo thành bụng có dây thừng tinh chạy qua. Nữ giới cũng có thể bị thoát vị bẹn nhưng ít gặp hơn, chủ yếu là biến chứng phẫu thuật.

Thoát vị bẹn có nguy hiểm không

Thoát vị bẹn thường xảy ra ở nam giới do cơ bụng yếu

Hầu hết thoát vị bẹn không gây đau thường xuyên, chỉ khiến bệnh nhân có cảm giác căng tức, đau nhẹ khi cúi xuống, bê vác vật nặng hoặc khi ho. Bệnh có thể là bẩm sinh, xảy ra ở bé trai với các dấu hiệu kèm theo như: bìu bị sưng, bụng dưới to lên khi đứng hoặc ngồi, ho kéo dài,… 

Nguyên nhân dẫn đến thoát vị bẹn có thể là bẩm sinh hoặc bệnh lý tiến triển. Những bé trai từ khi sinh ra đã bị thoát vị bẹn thường do những dị tật, sai sót do quá trình phát triển thai. Với thoát vị bẹn hình thành sau khi sinh, nguyên nhân chưa được xác định chính xác song chủ yếu là sự kết hợp của yếu cơ vùng bẹn và tăng áp lực vùng bẹn dẫn đến thoát vị.

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến thoát vị bẹn bao gồm:

Các yếu tố có thể làm tăng áp lực ổ bụng

Các nguyên nhân có thể làm áp lực ở ổ bụng tăng gồm:

  • Táo bón kinh niên.

  • Ho dai dẳng kéo dài trong viêm phế quản mạn.

  • Cổ chướng, các khối u lớn trong ổ bụng, u đại tràng,…

  • Thai kì.

Thoát vị bẹn bẩm sinh có liên quan đến yếu tố gia đình

Thoát vị bẹn bẩm sinh có liên quan đến yếu tố gia đình

Giới tính

Các thống kê khoa học cho thấy, tỉ lệ nam giới bị thoát vị bẹn cao hơn nhiều so với nữ giới, đặc biệt là thoát vị bẹn bẩm sinh.

Bệnh lý

Những người bị ho mãn tính, bệnh lý phổi nghiêm trọng, xơ nang,… có nguy cơ thoát vị bẹn cao hơn. Ho mãn tính do bệnh hô hấp hoặc hút thuốc lá làm tăng áp lực thành bụng, dễ gây giãn và thoát vị bẹn.

Táo bón mãn tính không chỉ tăng nguy cơ gây bệnh trĩ mà thoát vị bẹn cũng là một trong các biến chứng bệnh.

Thừa cân

Những người thừa cân, béo phì thường làm tăng áp lực lên cơ bụng và trong ổ bụng dẫn đến thoát vị bẹn.

Đặc điểm công việc

Những người làm công việc yêu cầu phải đứng trong thời gian dài, công việc lao động chân tay nặng, thường xuyên phải bê vác đồ có nguy cơ cao mắc thoát vị bẹn.

2. Thoát vị bẹn có nguy hiểm không - băn khoăn của nhiều người

Thoát vị bẹn nhìn chung không nguy hiểm, bệnh nhân có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng khó chịu nào. Nếu thoát vị bẹn nặng, người bệnh có thể có cảm giác đau, căng tức vùng bẹn nhất là khi đứng, khi ho hoặc bê vác vật nặng khiến cơ quan ổ bụng bị đẩy vào túi thoát vị nhiều hơn.

Thoát vị bẹn thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đứng lên

Thoát vị bẹn thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đứng lên

Đa phần khi bệnh nhân nằm xuống, túi thoát vị bẹn sẽ biến mất và các cơ quan ổ bụng sẽ trở về trạng thái bình thường. Ở trẻ em bị thoát vị bẹn có thể chỉ xuất hiện tình trạng này khi ho, đứng, khóc hoặc rặn khi đi vệ sinh.

Bệnh nguy hiểm khi tiến triển thành biến chứng nặng như: thoát vị bẹn nghẹt hoặc thoát vị kẹt. 

Thoát vị kẹt

Thoát vị kẹt xảy ra khi một phần cơ quan bụng dưới như ruột, buồng trứng hoặc mô mỡ chui vào túi thoát vị nhưng khi bệnh nhân nằm xuống, chúng không trở về vị trí ban đầu. Thay vào đó, phần cơ quan này bị kẹt trong túi thoát vị, tạo thành khối chắc gây căng đau, táo bón,… Ngoài ra, túi thoát vị kẹt còn dễ kích thích đường ruột gây nôn, rối loạn tiêu hóa, táo bón,…

Thoát vị bẹn nghẹt

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị bẹn, xảy ra khi các cơ quan và mô chui vào túi thoát vị và bị xoắn lại. Chúng không chỉ không tự thoát ra ngoài túi thoát vị được mà tình trạng xoắn khiến máu không thể cung cấp đến tất cả các mô, khiến tế bào chết đi và mô trong bị hoại tử.

Biến chứng thoát vị bẹn nghẹt sẽ gây ra triệu chứng sốt cao, đau quặn vùng thoát vị bẹn, sưng đỏ, viêm,… Nếu không can thiệp sớm, phần ruột và mô trong thoát vị bẹn nghẹt bị hoại tử xâm lấn, phải cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn.

Thoát vị bẹn nghẹt cần phẫu thuật khẩn cấp để giải cứu mô khỏi hoại tử

Thoát vị bẹn nghẹt cần phẫu thuật khẩn cấp để giải cứu mô khỏi hoại tử

3. Phương pháp điều trị và khắc phục thoát vị bẹn

Đa phần thông qua triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể xác định tình trạng thoát vị bẹn. Song để chẩn đoán chính xác thì cần dựa trên các kỹ thuật hình ảnh và thăm khám thực thể. 

Phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh nhân thoát vị bẹn vẫn là phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật sớm nếu tình trạng sức khỏe của người bệnh đáp ứng. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, túi thoát vị bẹn gây đau hoặc gây kẹt cơ quan không tự đẩy trở lại. 

Bệnh nhân có thể lựa chọn phẫu thuật truyền thống với đường mổ ở bụng hoặc mổ nội soi. Hiện nay, mổ nội soi đang được ưu tiên do giảm xâm lấn, bớt đau đớn và thời gian phục hồi ngắn. Với bệnh nhân chưa điều trị, do cơ bụng dưới yếu nên cần lưu ý một số vấn đề sau để bệnh không tiến triển nặng hơn:

  • Không làm việc quá sức, nhất là bê vác nặng.

  • Sử dụng thuốc giảm đau khi cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

  • Quan hệ tình dục nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Lưu ý chế độ ăn uống, tránh để táo bón hoặc rặn mạnh khi táo bón.

  • Giảm cân, duy trì cân nặng ở mức bình thường.

  • Sử dụng thuốc giảm ho nếu bạn bị ho kéo dài, ho mạnh hoặc dị ứng.

Ho khiến tình trạng thoát vị bẹn nguy hiểm hơn

Ho khiến tình trạng thoát vị bẹn nguy hiểm hơn

Như vậy, bài viết này đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc thoát vị bẹn có nguy hiểm không? Nhìn chung bệnh thường không nguy hiểm song cần lưu ý chế độ sinh hoạt và điều trị sớm tránh xảy ra biến chứng nặng. Phẫu thuật sẽ được chỉ định tùy theo tình trạng bệnh và khả năng sức khỏe của bạn có đáp ứng hay không.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.