Tin tức
Các dấu hiệu điển hình của thoát vị bẹn bạn nên biết
- 14/11/2020 | Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh và những điều cha mẹ nên biết
- 17/05/2021 | Các phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
- 16/04/2021 | Thoát vị bẹn: dấu hiệu và phương pháp điều trị hiệu quả
1. Thoát vị bẹn là gì và nguyên nhân gây nên
Theo con số thống kê cho thấy, có khoảng 5% dân số bị thoát vị thành bụng, trong số đó chiếm hơn 75% là thoát vị bẹn. Đây là một tỷ lệ khá cao và thường có xu hướng xảy ra đối với nam giới, tỷ lệ mắc bệnh đối với nữ là 10% số ca.
Thoát vị bẹn là gì?
Thoát vị bẹn là trường hợp một phần nào đó của ổ bụng như ruột, mô mềm,... bị thoát vào ống bẹn, có thể xuất phát từ nguyên nhân bẩm sinh hoặc do một số vấn đề nào đó gây nên.
Theo thời gian, sự vận động mà khối thoát vị sẽ lớn lên dần, gây ra tình trạng chèn ép vào các tổ chức quan trọng của ống bẹn, hoặc phần thoát vị bị nghẹt có thể gây ra hoại tử rất nguy hiểm.
Nam giới có tỷ lệ mắc thoát vị bẹn cao hơn nữ
Những nguyên nhân gây nên thoát vị bẹn
Theo nghiên cứu cho thấy, thoát vị bẹn do 2 luồng nguyên nhân chủ yếu hình thành nên đó chính là yếu tố bẩm sinh và mắc phải. Cụ thể như sau:
-
Bẩm sinh: Do sự tồn tại của ống phúc tinh mạc tạo sẵn túi thoát vị gián tiếp. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý khác liên quan đến ống phúc tinh mạc. Ví dụ như: u nang thừng tinh, tràn dịch tinh mạc. Từ đó, có thể gây thoát vị bẹn.
-
Mắc phải: Xuất phát từ sự suy yếu của thành bụng, do yếu tố tuổi già, các bệnh lý khiến cho lượng collagen trong mô bị hụt giảm, suy dinh dưỡng, béo phì,… tất cả đều gây nên bệnh lý thoát vị bẹn.
Ngoài những nguyên nhân chủ yếu trên thì thoát vị bẹn còn xuất phát từ các yếu tố thuận lợi khác như:
-
Giới tính: Loại bệnh lý này có thể gặp phải ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc phải ở nam giới là cao hơn hẳn so với nữ.
-
Người mắc phải tình trạng táo bón: Táo bón kéo dài là một trong những yếu tố tạo thuận lợi cho thoát vị bẹn xuất hiện.
-
Phụ nữ mang thai: Trong quá trình mang thai với những thay đổi của cơ thể, tuổi thai sẽ làm tăng áp lực lên ổ bụng, tăng nguy cơ thoát vị bẹn.
-
Trẻ em sinh thiếu tháng: Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng thoát vị bẹn bẩm sinh ở trẻ.
Phụ nữ mang thai có thể mắc thoát vị bẹn
2. Các dấu hiệu điển hình của thoát vị bẹn
Hầu hết, những trường hợp mắc phải thoát vị bẹn sẽ không có bất cứ một triệu chứng khó chịu nào trên cơ thể, cũng chính vì điều này nên việc phát hiện bệnh là tình cờ khi thăm khám. Một số các dấu hiệu điển hình của thoát vị bẹn bạn có thể quan sát để nhận diện bao gồm:
-
Vùng bẹn xuất hiện một khối nhỏ phồng lên. Tùy vào tư thế, mức độ vận động của bạn mà khối này có kích thước rõ rệt. Ngược lại, khi thư giãn, nằm im thì khối này sẽ xẹp xuống.
-
Khi dùng tay sờ khối thoát vị sẽ thấy mềm.
-
Người bệnh có thể dùng tay để đẩy khối thoát vị lên ổ bụng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khi có biến chứng kẹt và nghẹt, thì khối này không thể di động lên.
-
Là dấu hiệu xuất hiện không rõ ràng nhưng nếu để ý sẽ thấy có cảm giác tức nặng vùng bẹn.
-
Khối phồng vùng bẹn có thể xuất hiện một bên hoặc cả hai bên.
-
Xuất hiện tình trạng buồn nôn, táo bón,... thì đây là dấu hiệu hay gặp của thoát vị bẹn đã biến chứng thành thoát vị nghẹt (triệu chứng của biến chứng tắc ruột).
-
Thoát vị nghẹt là khi vùng bẹn đau sưng đỏ, kèm sốt cao. Biến chứng này được coi là cực kỳ nguy hiểm.
Buồn nôn cũng là dấu hiệu của biến chứng thoát vị bẹn
Nhìn chung, thoát vị bẹn có các dấu hiệu nhận biết rất điển hình. Hầu như việc chẩn đoán bệnh chỉ dựa vào những yếu tố lâm sàng. Do không có những dấu hiệu nhận biết sớm nên người bệnh thường chủ quan, không đến bệnh viện để thăm khám, chỉ khi xuất hiện những biến chứng nguy hiểm mới phát hiện ra bệnh. Chính vì thế, việc quan sát những thay đổi trên cơ thể là điều rất quan trọng, để có thể phát hiện ra những vấn đề sức khỏe đang từng ngày hiện hữu.
3. Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn hiện nay
Các phương pháp điều trị thoát vị bẹn bao gồm: Phẫu thuật theo kiểu truyền thống và thực hiện mổ nội soi. Cụ thể như sau:
Phương pháp phẫu thuật truyền thống
Phẫu thuật theo kiểu truyền thống là thực hiện mổ cắt bao thoát vị. Với kỹ thuật mổ hở này, đầu tiên bác sĩ sẽ gây mê cho bệnh nhân. Tiếp theo, các bác sĩ sẽ thực hiện mổ bằng cách rạch một vết nhỏ theo nếp lằn của bụng dưới, tiến hành đẩy ruột hoặc các bộ phận bên trong bao thoát vị trở lại vị trí phù hợp, phẫu tích bao thoát vị và thắt lại, cuộc phẫu thuật kết thúc.
Sau khi thực hiện xong cuộc phẫu thuật này, người bệnh cần nằm lại tại bệnh viện 2 - 3 ngày để các bác sĩ có thể tiện theo dõi sự tiến triển của vết mổ cũng như tình trạng hồi phục sức khỏe của trẻ.
Nhược điểm của phương pháp phẫu thuật truyền thống này là không thể xác định được có nguy cơ bị thoát vị bẹn ở phía đối diện hay không. Người bệnh vẫn có khả năng tái phát lại với tỷ lệ là 2 - 5%.
Phương pháp mổ nội soi
Đối với phương pháp này, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện rạch da rất nhỏ, đủ kích thước để có thể đưa dụng cụ y tế vào ổ bụng. Các bước sau đó cũng tương tự phương pháp phẫu thuật mổ hở đã nêu. Điều này đem lại kết quả thẩm mỹ cao hơn và giảm thiểu những cơn đau sau mổ.
Phương pháp mổ nội soi có ưu điểm vượt trội hơn hẳn mổ hở là cho phép phát hiện người bệnh có nguy cơ bị thoát vị bẹn bên đối diện, đồng thời có thể thực hiện những thao tác đóng lại khiến khả năng bị thoát vị ở bên đối diện không còn.
Thực hiện phẫu thuật mổ hở trong điều trị thoát vị bẹn
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc có thể hiểu thêm về các dấu hiệu điển hình của thoát vị bẹn, nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiện nay. Nếu vẫn còn những điều thắc mắc về căn bệnh này, bạn có thể trực tiếp gọi qua đường dây nóng 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC - nơi có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!