Tin tức
Thuốc bôi viêm da cơ địa dùng sao cho hiệu quả, an toàn?
- 30/11/2022 | Viêm da quanh miệng nguyên nhân do đâu và cách điều trị
- 03/11/2022 | Viêm da tiếp xúc là gì? Phương pháp điều trị cho người bệnh
- 06/12/2022 | Viêm da bàn tay và những điều bạn cần biết
1. Các dấu hiệu nhận biết viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là một bệnh lý phổ biến phát triển mạn tính theo đợt, xuất hiện nhiều ở đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi và bắt gặp ở cả người trưởng thành.
Tại Việt Nam theo số liệu do Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh ghi nhận chỉ tính riêng năm 2014, tỷ lệ số người bị viêm da cơ địa đã chiếm đến 34% trong số các trường hợp gặp các vấn đề về da liễu. Tỷ lệ này được dự đoán là sẽ ngày càng gia tăng mạnh mẽ trong tương lai.
Tùy từng lứa tuổi mắc bệnh mà viêm da cơ địa sẽ bộc lộ những triệu chứng khác nhau. Cụ thể:
-
Ở những trường hợp nhẹ: da có biểu hiện ngứa, khô, có hoặc không nổi mẩn đỏ, ít cản trở đến giấc ngủ, tâm lý và hoạt động hàng ngày;
-
Mức độ trung bình: da thường xuyên bị khô ngứa, đôi khi là mẩn đỏ (các nốt mẩn có thể ở dưới dạng mụn nước, chảy dịch), ảnh hưởng đến giấc ngủ và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh;
-
Viêm da cơ địa nặng: da bị khô, ngứa liên tục, mẩn đỏ trên diện rộng (vùng da này có thể bị rỉ nước, chảy máu, màu sắc da thay đổi), khiến bệnh nhân mất ngủ thường xuyên, tác động tiêu cực đến đời sống cá nhân người bệnh.
Bệnh nhân có biểu hiện ngứa, bong tróc da khi bị viêm da cơ địa
2. Các loại thuốc bôi viêm da cơ địa
Thuốc bôi điều hòa miễn dịch là loại thuốc thường được các bác sĩ da liễu lựa chọn trong điều trị bệnh lý này. Chúng chứa các dược chất giúp ổn định chức năng miễn dịch của da, qua đó giúp hạn chế các triệu chứng ngứa ngáy và viêm da. Nhóm thuốc này bao gồm 2 loại chính đó là thuốc chứa steroid và không chứa steroid. Cụ thể như sau:
Thuốc chứa steroid:
Hoạt chất này được chỉ định nhiều trong các trường hợp bị viêm da cơ địa.
-
Đối với những người bị nhẹ hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thì có thể điều trị bằng loại có hoạt tính yếu (ví dụ như hydrocortisone 2,5%, desonide 0,05% dùng theo dạng thuốc mỡ). Tần suất sử dụng hợp lý là từ 1 - 2 lần/ngày, duy trì trong khoảng từ 2 - 4 tuần, kết hợp với kem bôi dưỡng ẩm hàng ngày;
-
Đối với trường hợp viêm da cơ địa cấp độ trung bình, bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại thuốc chứa steroid hoạt tính mạnh hơn (chẳng hạn như triamcinolone 0,1%, fluocinolone 0,025%, betamethasone dipropionate 0,05%);
-
Đối với bệnh nhân bị viêm da cơ địa cấp tính, mức độ nặng thì sẽ dùng thuốc hoạt tính rất mạnh. Thời gian sử dụng là tối đa 2 tuần, sau đó dùng các thuốc thay thế với hoạt tính yếu hơn, duy trì cho tới khi tổn thương đã dần được cải thiện.
Thuốc bôi viêm da cơ địa chứa steroid - Hydrocortison
Lưu ý: Các vùng da ở đầu gối, nếp gấp khuỷu tay, da mặt rất dễ bị phản ứng teo da khi sử dụng thuốc chứa steroid. Do đó liều khởi đầu nên là thuốc có hoạt tính yếu (tiêu biểu là desonide 0,05%).
Thuốc không chứa steroid:
-
Thuốc ức chế calcineutrine tại chỗ (TCI) được chỉ định rất nhiều trong các trường hợp bị viêm da cơ địa. Đây là lựa chọn thứ 2 thay thế cho thuốc chứa steroid nếu:
-
Bệnh nhân không đáp ứng hiệu quả với steroid;
-
Trước đây người bệnh đã từng dùng steroid trong thời gian dài, hoặc đã gặp phải tác dụng phụ (teo da) khi dùng steroid;
-
Viêm da cơ địa gây ra các tổn thương ở khu vực da nhạy cảm (nếp gấp, da mặt, vùng kín, hậu môn,...).
Người bệnh khi dùng TCI cần bôi 2 lần/ngày để phát huy tối đa công dụng giảm viêm. Đồng thời bệnh nhân cũng có thể duy trì dùng thuốc khi bệnh đã ổn định để đề phòng nguy cơ tái phát với tần suất bôi khoảng 2 - 3 lần/tuần;
-
Kem pimecrolimus và thuốc mỡ tacrolimus là hai loại thuốc phổ biến không kém. Trong đó tacrolimus với hàm lượng 0,1% thường được dùng cho người lớn trên 15 tuổi, còn tacrolimus hàm lượng 0,03% phù hợp cho trẻ nhỏ hoặc người trưởng thành không đáp ứng loại 0,1%. 2 thuốc này đều không được dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi;
-
Thuốc crisaborole: công dụng tương tự như những thuốc trên, phù hợp cho những bệnh nhân bị viêm da cơ địa từ nhẹ đến trung bình, dùng được cả cho trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên.
Thuốc bôi viêm da cơ địa không chứa steroid Tacrolimus
Bên cạnh 2 nhóm thuốc bôi viêm da cơ địa phổ biến nêu trên, người bệnh có thể sẽ được chỉ định các loại thuốc đường uống điều trị toàn thân khác như thuốc kháng Histamin H1 giúp giảm ngứa, thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Ở những người viêm da cơ địa mức độ trung bình đến nặng còn được áp dụng thêm biện pháp trị liệu UVA hoặc UVB.
3. Bảo vệ da trước nguy cơ bị viêm da cơ địa
Mặc dù các thuốc nêu trên đem lại hiệu quả cải thiện tình trạng viêm da cơ địa cho người bệnh nhưng nó cũng được xem như “con dao hai lưỡi” vì cũng có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm nếu không được dùng đúng cách.
Lạm dụng thuốc chứa steroid trong thời gian dài có thể gây biến chứng giãn mạch, teo da, rạn da, nổi nhiều mụn,... Vì vậy việc dùng thuốc cần nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Sau khi đã chữa lành các tổn thương trên da thì cần ngừng dùng thuốc ngay.
Bên cạnh việc dùng thuốc bôi viêm da cơ địa, để phòng ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý này, bạn nên áp dụng những biện pháp sau:
-
Hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng da như: lông gia súc, gia cầm, mạt bụi, vải dạ, len, nước hoa, phấn, thức ăn gây dị ứng... Thay vào đó bạn hãy vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, duy trì độ ẩm và không khí thoáng mát trong phòng, mặc quần áo rộng rãi khi ở nhà. Ngoài ra, bạn nên mặc ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè;
-
Nên tắm rửa hàng ngày với nước ấm (không dùng nước quá lạnh hoặc quá nóng);
-
Sử dụng sữa tắm hoặc xà phòng có nồng độ pH ở mức trung bình, ít kiềm. Tắm xong hãy lau khô người và thoa kem dưỡng ẩm cho da;
-
Không nên gãi hoặc chà xát mạnh khi có triệu chứng ngứa ngáy trên da;
-
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn đang dùng bỉm, cần thay tã lót thường xuyên và mỗi lần thay đều phải vệ sinh sạch sẽ vùng kín cho trẻ.
Cần tránh xa các tác nhân gây dị ứng nếu bạn đang bị viêm da cơ địa
Trên đây là những thông tin chi tiết về một số loại thuốc bôi viêm da cơ địa. Mỗi loại đều có ưu và nhược điểm khác nhau nhưng đều có chung công dụng là cải thiện các triệu chứng do bệnh lý này gây ra. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc người bệnh nên hỏi ý kiến từ bác sĩ để được tư vấn lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng vì nguy cơ gặp phải biến chứng và tác dụng phụ do dùng thuốc sai cách là rất cao.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!