Tin tức

Thuốc chống dị ứng có thể gây ra tai nạn giao thông và lao động

Ngày 02/12/2014
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh
Trong sinh hoạt hàng ngày, con người thường tiếp xúc với những tác nhân có thể gây nên sự dị ứng. Để khắc phục tình trạng dị ứng, một số loại thuốc chống dị ứng được sử dụng để điều trị. Tuy vậy, tác dụng phụ của thuốc có khả thay đổi trạng thái bình thường của người dùng.


Phản ứng dị ứng, thuốc chống dị ứng kháng histamin

Dị ứng là trạng thái phản ứng khác thường của cơ thể con người khi tiếp xúc với dị nguyên hay kháng nguyên vào lần thứ hai hoặc những lần sau đó.

Có thể nói dị ứng là biểu hiện bệnh lý của phản ứng quá mẫn cơ thể đối với các dị nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều chất có thể gây nên tình trạng dị ứng như: thức ăn, hoa quả, cây cỏ, bụi bặm, lông gia súc, hóa chất, vi khuẩn, nấm... kể cả thuốc điều trị các loại bệnh. Tất cả mọi con đường đều có thể đưa các chất gây dị ứng vào cơ thể như: ăn, uống, tiêm, hít, ngửi, nhỏ mắt, tiếp xúc qua da... và gây nên tình trạng dị ứng.

Để tạo nên phản ứng dị ứng, cơ thể con người phải có thời gian tạo sự mẫn cảm, hình thành kháng thể chống lại dị nguyên hay kháng nguyên; do đó chúng thường xảy ra vào lần thứ hai hoặc những lần sau đó khi tiếp với dị nguyên hay kháng nguyên này. Một đặc điểm của phản ứng dị ứng là có liên quan đến cơ địa, thường gặp ở những người hay bị dị ứng; tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị em hay bị dị ứng.

Khi phát hiện tình trạng dị ứng dù với bất kỳ tác nhân nào, phải ngừng ngay việc ăn uống, tiếp xúc với các loại tác nhân nghi ngờ do chất histamin gây dị ứng có thể hình thành trong cơ thể. Nếu bị dị ứng nhẹ, chỉ cần nghỉ ngơi thì những triệu chứng lâm sàng như: nổi ban đỏ, nổi mày đay, mẫn ngứa; ngứa lòng bàn tay, bàn chân; buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy... giảm đi nhanh. Nếu bị dị ứng nặng, phải xử trí điều trị bằng thuốc chống dị ứng; phổ biến là các loại thuốc kháng histamin.

Các thuốc kháng histamin thường sử dụng

Để điều trị phản ứng dị ứng trong những trường hợp nặng, thường sử dụng các loại thuốc kháng histamin H1 cổ điển và các loại thuốc thế hệ mới.

Các loại thuốc kháng histamin H1 cổ điển còn có tác dụng kháng cholinergic. Thuốc thường hay được dùng là chlorpheniramin, promethazin, diphenhydramin, ciproheptadin, hydroxyzin... Do thuốc có cả tác dụng kháng cholinergic nên nhóm thuốc này có khả năng dễ gây ra một số tác dụng phụ như làm an thần, buồn ngủ; có tác dụng giống atropin gọi là hội chứng kháng cholinergic với biểu hiện triệu chứng khô miệng, nói lầm bầm không rõ tiếng, vật vã, kích thích, mạch nhanh, huyết áp tăng; giãn đồng tử, rối loạn điều tiết mắt; da nóng đỏ, khô; giảm nhu động ruột, táo bón, bí tiểu...; trường hợp nặng có thể bị hôn mê, co giật. Vì vậy nhóm thuốc kháng histamin H1 cổ điển không nên sử dụng khi lái tàu xe, làm việc ở nơi nguy hiểm và trên cao, tiếp xúc vận hành với các loại máy móc... Lưu ý không được uống rượu khi dùng thuốc, không được dùng kèm với các loại thuốc an thần và ức chế thần kinh trung ương khác.

Các loại thuốc kháng histamin thế hệ mới giúp người sử dụng khắc phục được tình trạng buồn ngủ và hạn chế tác dụng giống atropin của hội chứng kháng cholinergic như các loại thuốc kháng histamin H1 cổ điển. Ngoài ra chúng còn có tác dụng chống viêm hoặc ức chế tác nhân dị ứng nên thường hay được dùng trong xử trí điều trị hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt dị ứng, nổi mẩn ngứa, eczema... Thuốc thường được sử dụng là astemisol, citerizin, loratadin, mequitazin, ketotifen...

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện nay các cơ sở dược phẩm thường sản xuất các loại thuốc điều trị bệnh cảm cúm thông thường có phối hợp với thuốc chống dị chứng kháng histamin H1 cổ điển nên rất dễ có nguy cơ gây nên những phản ứng phụ không mong muốn đã nêu trên cho người sử dụng mà hậu quả dẫn đến tai nạn giao thông và tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không lường trước được. Vì vậy mọi người cần lưu ý khi sử dụng các loại thuốc cảm cúm thông thường như Decolgen, Panadol...; trong đó có thành phần paracetamol hay acetaminophen giúp giảm đau, hạ sốt kết hợp với thuốc chống dị ứng kháng histamin H1 cổ điển như chlorpheniramine có tác dụng giúp chống viêm mũi dị ứng hoặc một số thuốc khác kết hợp với thuốc dextromethorphan giúp giảm ho.

Thuốc kết hợp giúp hỗ trợ chống viêm mũi dị ứng, giảm ho thường có tác dụng phụ gây an thần, buồn ngủ nên cần thận trọng khi sử dụng; đặc biệt là đối với những người lái tàu xe; lao động, làm việc ở chỗ nguy hiểm và trên cao; tiếp xúc, vận hành các loại máy móc... để hạn chế tai nạn giao thông và tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn: dantri.com.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.