Tin tức

Thuốc trị nấm móng tay: phân loại - công dụng và lưu ý khi dùng

Ngày 12/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Nấm móng tay là một trong những tình trạng nhiễm nấm thường gặp nhất và bất kỳ ai cũng có thể bị. Để khắc phục tình trạng này cần phải dùng các thuốc trị nấm móng tay. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin về những loại thuốc này và cách phòng ngừa nấm móng.

1. Tổng quan về bệnh nấm móng

Nấm móng là để chỉ chung tình trạng nhiễm nấm ở các kẽ móng, bao gồm móng chân, móng tay hoặc cả hai. Thường thì nhiễm nấm ở móng chân sẽ có tỷ lệ cao hơn so với nấm móng tay bởi vì chân dễ tiếp xúc với chất bẩn nhiều hơn.

Chủng nấm dermatophyte là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra còn có các chủng nấm khác như Fusarium, Aspergillus, Scopulariopsis. Đặc biệt ở những bệnh nhân có sức đề kháng yếu, nhiễm nấm Candida ở da và niêm mạc cũng có thể phát triển ra cả nấm móng tay.

Bất cứ ai cũng có thể bị nấm móng tay nhưng tình trạng này thường xuất hiện ở người cao tuổi, người mắc bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh tiểu đường, đã từng bị loạn dưỡng móng (bệnh vảy nến) hoặc tiếp xúc với bệnh nhân bị nấm móng hoặc nấm da.

Nấm móng tay là một trong những tình trạng nhiễm nấm thường gặp nhất

Nấm móng tay là một trong những tình trạng nhiễm nấm thường gặp nhất

Bệnh nấm móng tay có triệu chứng như sau:

  • Các đốm màu vàng hoặc trắng xuất hiện dưới đầu móng tay, móng chân. Khi bệnh nặng hơn sẽ làm dày và thay đổi màu móng, phần rìa móng có biểu hiện vỡ vụn;

  • Nấm móng gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho người bệnh. Những người bị nặng hơn thì móng còn bị tổn thương vĩnh viễn;

  • Nấm móng có thể lây sang những vùng da quanh nó, thậm chí là lây lan sang những bộ phận khác và lây cho người xung quanh.

2. Các thuốc trị nấm móng tay

Nấm móng tay nếu không gây ra triệu chứng nghiêm trọng nào và không xuất hiện biến chứng thì chưa nhất thiết phải điều trị. Chỉ cần bảo vệ móng và chăm sóc móng đúng cách sẽ giúp thuyên giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh.

Tuy nhiên đối với những trường hợp nấm móng gây đau nhức và làm dày móng thì cần phải dùng thuốc trị nấm móng tay. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh cũng như chủng nấm mà bệnh nhân mắc phải là gì. Việc chữa nấm móng đòi hỏi sự kiên trì và thường thì nấm móng tay sẽ dễ điều trị hơn so với nấm móng chân. Trung bình để khỏi bệnh cần mất khoảng 2 - 3 tháng. Do đó bạn cần tuân thủ liệu trình điều trị nếu không bệnh rất dễ tái phát và khó chữa dứt điểm.

Dưới đây là danh sách một số thuốc trị nấm móng tay hiệu quả:

2.1. Kem dưỡng móng

Loại kem này có tác dụng điều trị tình trạng nhiễm trùng móng. Để tăng khả năng hấp thụ các dưỡng chất của kem, bạn nên mài mỏng móng trước tiên sau đó mới bôi kem. Cách này sẽ giúp tiêu diệt những bào tử nấm gây bệnh và nâng cao hiệu quả điều trị. 

2.2. Thuốc sơn móng

Một số thuốc sơn móng dùng tại chỗ bao gồm amorolfine 5%, efinaconazole 10%, ciclopirox 8% có thể dùng phối kết hợp với thuốc trị nấm đường uống giúp cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh. Tương tự như khi dùng kem dưỡng móng, bạn nên rửa sạch móng trước rồi sơn thuốc vào khu vực bị tổn thương mỗi ngày 1 lần. 1 tuần sau đó hãy lau sạch lại móng bằng cồn y tế và bôi một lớp sơn mới. Thuốc nên được sử dụng hàng ngày với liệu trình 1 năm để đạt hiệu quả tốt nhất.

2.3. Thuốc bôi tại chỗ

Một số loại thuốc bôi tại chỗ trong điều trị nấm móng bao gồm: kem terbinafine, pommade ketoconazol, oxaborole, ciclopirox olamine,... Khi dùng các thuốc này cần phải bôi liên tục trong thời gian dài. 

Đầu tiên bạn cần cạo đi những phần móng hỏng và làm sạch máu, sau đó thoa thuốc lên và hãy thao tác nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương móng. Thuốc nên được bôi duy trì từ 2 - 3 lần/ngày và nên dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tránh  rửa tay sau khi bôi thuốc, không để tay chạm vào các vật dụng khác để thuốc có thời gian ngấm vào trong.

Tuy nhiên thuốc bôi tại chỗ cũng tồn tại một số tác dụng phụ như nóng rát, sưng đỏ, kích ứng nhẹ ở vị trí bôi.

Bạn có thể dùng kem dưỡng móng để cải thiện tình trạng nấm móng tay

Bạn có thể dùng kem dưỡng móng để cải thiện tình trạng nấm móng tay

2.4. Thuốc trị nấm móng tay đường uống

So với thuốc bôi tại chỗ thì thuốc trị nấm móng tay đường uống sẽ có hiệu quả nhanh hơn. Thường thì thuốc này sẽ được chỉ định trong trường hợp nhiễm nấm nặng. Các dòng thuốc thuộc nhóm này bao gồm terbinafine, itraconazole giúp kích thích sản sinh phần móng mới không bị bệnh để thay thế cho lớp móng cũ bị nhiễm nấm.

Bên cạnh công dụng trị nấm, thuốc kháng nấm dạng uống cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn khác như: tổn thương gan, phát ban trên da. Trong quá trình điều trị nấm móng bằng các thuốc này, bệnh nhân nên đi xét nghiệm máu định kỳ và hãy thông báo trước với bác sĩ về các thuốc đang sử dụng để tránh tình trạng tương tác thuốc xảy ra.

2.5. Phương pháp phẫu thuật

Nếu đã áp dụng những phương pháp nêu trên nhưng không đem lại hiệu quả điều trị khả quan, để chữa dứt điểm tình trạng nấm móng bệnh nhân nên thực hiện phẫu thuật. Điều này sẽ giúp loại bỏ những phần móng bị tổn thương. Sau khi phẫu thuật phải dùng thuốc trị nấm móng tay bôi lên vùng nhiễm trùng. 

2.6. Phương pháp điều trị không cần dùng thuốc

Để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn do thuốc, bệnh nhân có thể cân nhắc một số biện pháp khác như:

  • Liệu pháp quang động học;

  • Liệu pháp laser;

  • Sử dụng sóng siêu âm và iontophoresis.

3. Những phương pháp giúp phòng ngừa tái phát nấm móng

Để ngăn ngừa tình trạng nấm móng tái phát, người bệnh nên áp dụng các biện pháp như sau:

  • Vệ sinh móng tay, móng chân sạch sẽ, cắt móng định kỳ;

  • Nếu bạn có thói quen làm móng ở tiệm thì nên mang theo dụng cụ làm móng riêng và khử trùng dụng cụ sau mỗi lần sử dụng;

  • Rửa chân tay và lau khô hàng ngày, nhất là vùng kẽ ngón để chân tay luôn khô thoáng, sạch sẽ;

  • Dùng loại tất thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt;

  • Giặt giày dép thường xuyên để tránh tình trạng bào tử nấm ẩn nấp trong giày dép. Nên đi loại giày thoáng khí, vừa chân và rắc bột kháng nấm vào giày hàng ngày.

Nên thường xuyên vệ sinh móng tay sạch sẽ để tránh tình trạng nấm móng tái phát

Nên thường xuyên vệ sinh móng tay sạch sẽ để tránh tình trạng nấm móng tái phát

Bài viết trên đây đã liệt kê những loại thuốc trị nấm móng tay hiệu quả bạn có thể tham khảo. Nếu bạn đang bị bệnh nấm móng và chưa tìm được địa chỉ điều trị phù hợp thì có thể liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn, hỗ trợ đặt lịch khám cùng các bác sĩ Chuyên khoa Da liễu MEDLATEC. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.