Tin tức
Tiền sản giật nặng: dấu hiệu nhận biết và phương hướng điều trị
- 22/05/2023 | Tiền sản giật: triệu chứng nhận diện và biến chứng cần thận trọng
- 28/09/2020 | Tiền sản giật là gì? Cách chẩn đoán tiền sản giật
- 20/01/2021 | Những triệu chứng tiền sản giật mẹ bầu nhất định không thể bỏ qua
1. Khái quát về tiền sản giật nặng
Tiền sản giật là dạng rối loạn đa cơ quan đặc trưng bởi tăng huyết áp và protein niệu ở nửa sau của thai kỳ. Tiền sản giật nặng khi có sự gia tăng chỉ số huyết áp ở mức độ nghiêm trọng và có bằng chứng cho thấy cơ quan đích bị tổn thương cơ quan đích.
Hội chứng HELLP là biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật nặng
Trong số những ca bị tiền sản giật thì số ca diễn biến xấu ở thai phụ chiếm khoảng 5.9% với các biến chứng gồm: hội chứng HELLP, tổn thương thận cấp, phù phổi cấp , nhau bong non, tử vong. Các diễn biến xấu ở thai nhi có thể gồm: tăng trưởng chậm trong tử cung, suy thai, thai lưu, sinh non, trẻ sơ sinh chào đời nhẹ cân. Đối với những trường hợp này thì cách điều trị duy nhất là chấm dứt thai kỳ.
Tiền sản giật nặng trước tuần thứ 34 được gọi là khởi phát sớm. Trong giai đoạn này, bác sĩ phải vô cùng thận trọng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp điều trị dưỡng thai và dự đoán khả năng dưỡng thai sao cho tối ưu hóa lợi ích của thai nhi mà vẫn đảm bảo tối đa an toàn cho thai phụ. Làm được điều này cũng có nghĩa là tăng thêm hy vọng cho thai phụ và gia đình mong con về tương lai có một em bé có khả năng sống sau khi chào đời.
2. Dấu hiệu tiền sản giật nặng
Tiền sản giật thường có các dấu hiệu:
- Cao huyết áp đột ngột với biểu hiện chỉ số huyết áp tối đa vượt mức 140 mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu trên 90 mmHg.
- Chỉ số đạm niệu tăng trên kết quả xét nghiệm nước tiểu: protein niệu trên 0.3g/l.
- Phù: đây chỉ là dấu hiệu phụ, chỉ có ý nghĩa chẩn đoán tiền sản giật khi đi kèm với 2 dấu hiệu trên.
Tiền sản giật nặng sẽ gồm các dấu hiệu:
- Chỉ số huyết áp đo được từ 160/ 110 mmHg trở lên.
- Lượng nước tiểu ít: dưới 400ml/ 24 giờ.
- Albumin trong nước tiểu trên 5g/ 24 giờ.
- Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu thường xuyên tái diễn và nghiêm trọng, không hiệu quả với thuốc giảm đau.
- Cảm giác hồi hộp, ngộp thở, đau thượng vị, nặng ngực, suy tim, phù phổi cấp.
Ngoài ra, dấu hiệu tiền sản nặng được tìm thấy trong chẩn đoán cận lâm sàng gồm: thai nhi tăng trưởng chậm qua kết quả siêu âm; tăng men gan trong kết quả xét nghiệm chức năng gan và tiểu cầu giảm trong kết quả xét nghiệm máu.
Một số dấu hiệu cận lâm sàng của tiền sản giật nặng
Có một dấu hiệu tiền sản giật nặng không thể bỏ qua là thai phụ có cơn co và bị hôn mê. Cơn co giật có tính chất:
- Khởi phát: mặt rung lên rồi vài giây sau đó bị co cơ và co cứng toàn thân (kéo dài khoảng 15 - 20 giây).
- Mở hàm bất ngờ rồi khép lại rất mạnh, biểu hiện này cũng xảy ra với mí mắt.
- Cơ mặt và các cơ khác lần lượt giãn ra rất nhanh.
- Có thể bị ngã xuống, không kiểm soát được cử động hàm nên có thể cắn vào lưỡi.
- Cử động cơ ngày càng yếu dần rồi tiến đến bị bất động.
- Có thể bị ngưng thở tạm thời trong vài giây rồi thở sâu sau đó hôn mê. Khi thai phụ tỉnh lại sẽ không nhớ về cơn co giật mà mình vừa trải qua.
3. Điều trị tiền sản giật nặng như thế nào?
Phát hiện sớm tiền sản giật là cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ tiến triển nặng. Bác sĩ sẽ căn cứ trên từng trường hợp cụ thể để có biện pháp điều trị phù hợp:
3.1. Dưỡng thai
Nếu thai phụ bị tiền sản giật nặng khi tuổi thai từ 28 - dưới 34 tuần nhưng mẹ và thai đều ổn định, cơ sở y tế có đủ nguồn lực để xử trí các vấn đề sau sinh thì thai phụ có thể được chỉ định dưỡng thai tại cơ sở y tế. Phương hướng điều trị thường được chỉ định trong hai trường hợp:
- Các chỉ số cận lâm sàng bất thường ở mức độ thoáng qua.
- Chẩn đoán tiền sản giật nặng chỉ xuất phát từ 1 yếu tố là số đo huyết áp có mức độ nặng.
Mục đích của việc dưỡng thai ở những thai phụ này nhằm mang lại lợi ích tối đa cho thai nhi sau khi chào đời nhưng lựa chọn điều trị này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, quá trình dưỡng thai đòi hỏi phải được giám sát y tế khắt khe.
Thai phụ bị tiền sản giật nặng cần được giám sát thai kỳ chặt chẽ
Trong quá trình dưỡng thai, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc trị hạ áp cho thai phụ mục đích sao cho duy trì huyết áp trong khoảng 130/80 - 140/90 mmHg kết hợp với tiêm thuốc đường tĩnh mạch để ngăn chặn cơn co giật. Nếu thấy cần thiết, bác sĩ cũng sẽ chỉ định tiêm trưởng thành phổi cho thai nhi, mục đích của mũi tiêm này là để thai nhi có được khả năng tự thích nghi sống một cách độc lập sau khi chào đời.
3.2. Chấm dứt thai kỳ
Trường hợp tiền sản giật nặng từ tuần thứ 34 trở lên hoặc mẹ hay thai nhi có tình trạng không ổn định thì bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ ngay sau khi thai phụ đã được điều trị ổn định mà không cần xem xét đến yếu tố tuổi thai.
Nhìn chung, các hướng dẫn thực hành hiện nay đối với tiền sản giật nặng đều có sự cân nhắc nguy cơ cho cả thai phụ và thai nhi rồi mới đưa ra các khuyến cáo điều trị.
Để ngăn ngừa tiền sản giật nặng, cách duy nhất là theo dõi cẩn thận thai kỳ và tìm hiểu tiền sử thai sản của người mẹ kết hợp điều trị tốt các bệnh lý đi kèm. Ngoài ra, đáp ứng đầy đủ yếu tố dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho thai phụ cũng là yếu tố không được xem thường.
Nếu cần chẩn đoán và có biện pháp ngăn ngừa tiến triển tiền sản giật nặng, quý khách hàng có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn đặt lịch khám với chuyên gia, bác sĩ sản khoa đầu ngành. Qua quá trình thăm khám, kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá và có những tư vấn xác đáng để giúp mẹ bầu chủ động bảo vệ thai kỳ tốt nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!