Tin tức
Tìm hiểu nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh để phòng ngừa hiệu quả
- 04/08/2021 | Hướng dẫn kiểm tra sức khỏe qua thang đánh giá trầm cảm sau sinh
- 21/03/2021 | Góc giải đáp: Trầm cảm sau sinh có chữa khỏi được không
- 19/06/2021 | 5 nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh và dấu hiệu nhận biết
- 16/06/2021 | Điều trị và phòng tránh trầm cảm sau sinh hiệu quả với những cách sau
- 16/06/2021 | Trầm cảm sau sinh có nguy hiểm không và cách điều trị
1. Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, là tình trạng người phụ nữ sau sinh bị rối loạn cảm xúc, thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, hay buồn chán và lo lắng quá nhiều đến những vấn đề trong cuộc sống. Bệnh có nhiều mức độ khác nhau, có những trường hợp bệnh nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp bệnh nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm sau sinh có thể kể đến là:
- Cơ thể người phụ nữ mệt mỏi triền miên dẫn đến suy nhược: Đây là những dấu hiệu ban đầu của chứng trầm cảm sau sinh. Sau khi sinh con, nhiều trường hợp phụ nữ có cảm giác đau khổ, thường xuyên khóc mà không có lý do, cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Lo lắng quá mức cũng chính là dấu hiệu trầm cảm sau sinh
- Lo lắng thái quá, đau cơ thể không rõ nguyên nhân: Một số bà mẹ thường xuyên lo lắng quá mức về những vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là mối lo về bản thân, gia đình, con cái. Thậm chí, cơ thể của họ còn có thể gặp phải một số vấn đề mà khi thăm khám cũng không tìm được nguyên nhân chính xác, chẳng hạn như đau đầu, đau cổ, đau lưng, ngực.
- Hoảng hốt: Những phụ nữ trầm cảm thường cảm thấy hoảng hốt ngay cả với những sự việc không quá phức tạp, sau đó, họ thường khó lấy lại bình tĩnh.
- Căng thẳng: Thường xuyên bị căng thẳng cũng chính là một trong những dấu hiệu phổ biến của chứng trầm cảm sau sinh.
- Ám ảnh: Một số bà mẹ cũng có cảm giác bị ám ảnh về một sự việc hay một người nào đó khiến họ sợ hãi, thậm chí kèm theo cảm giác tội lỗi mà không thể tìm được nguyên nhân rõ ràng.
- Mất tập trung: Người mắc bệnh trầm cảm cũng rất khó tập trung, rất hay quên và dễ tự ti về bản thân.
Rối loạn giấc ngủ vì trầm cảm sau sinh
- Rối loạn giấc ngủ: Người mắc bệnh trầm cảm cũng thường xuyên bị khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, có thể thường xuyên gặp ác mộng.
- Không muốn gần gũi bạn đời: Một dấu hiệu khác của các bà mẹ trầm cảm sau sinh là không muốn gần gũi người chồng, mất hứng thú với chuyện chăn gối.
- Bên cạnh những dấu hiệu kể trên, phụ nữ sau sinh bị trầm cảm còn có thể gặp phải một số biểu hiện như sau: Thay đổi khẩu vị, giảm cân hay tăng cân bất thường, cảm thấy mình vô dụng, luôn buồn bã mệt mỏi, suy nghĩ và phản ứng chậm, thường nghĩ đến cái chết,…
2. Những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh
Hiện nay, chưa thể kết luận được nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể là do những yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Do thay đổi nội tiết trong cơ thể: Sau sinh, cơ thể chị em có nhiều thay đổi, đặc biệt nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh. Sự thay đổi đột ngột này rất dễ ảnh hưởng đến tâm trạng của chị em. Nếu như không có biện pháp “ứng phó” và điều chỉnh cảm xúc thì người phụ nữ rất dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm.
Sự thay đổi lớn khi có em bé khiến người mẹ chưa kịp thích nghi và dễ dẫn đến trầm cảm
- Tiền sử trầm cảm: Những phụ nữ đã từng bị trầm cảm trước khi mang thai, trong khi mang thai thì sẽ có nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn những phụ nữ khác.
- Do yếu tố cảm xúc: Có con là hạnh phúc của người phụ nữ nhưng cũng chính là sự thay đổi lớn trong cuộc sống của họ, đặc biệt là những trường hợp mang thai khi chưa có kế hoạch, chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để làm mẹ. Do đó, sự thay đổi này có thể ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của người mẹ. Họ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như vui, buồn, giận, thậm chí là có lỗi,… khiến họ gặp phải nhiều áp lực tâm lý và dễ gây trầm cảm. Đó chính là lý do vì sao người phụ nữ cần có thời gian để thích nghi với việc có em bé.
- Mệt mỏi: Sau sinh, cơ thể người mẹ thường mệt mỏi và cần thời gian để hồi phục, nhất là những trường hợp phải mổ lấy thai. Hơn nữa, khi bé gặp phải vấn đề sức khỏe, người mẹ cũng lo lắng nhiều hơn, chăm sóc con vất vả hơn,… Những yếu tố này cũng rất dễ dẫn đến trầm cảm.
- Yếu tố đời sống: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây trầm cảm phổ biến nhất. Sau khi sinh con, người mẹ cũng có thể bị trầm cảm do không được người thân quan tâm, giúp đỡ, gặp phải những vấn đề, sự kiện căng thẳng như trong gia đình có người thân bị bệnh, người thân vừa qua đời,…
Người phụ nữ cần được gia đình quan tâm nhiều hơn để loại bỏ chứng trầm cảm sau sinh
Một số phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh có thể kể đến như:
- Điều trị tâm lý: Người bệnh nên được hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý để nhận ra những vấn đề của bản thân, từ đó thay đổi hành vi và suy nghĩ tích cực hơn. Tương tác nhiều hơn với mọi người xung quanh để được chia sẻ cảm xúc và hỗ trợ giải quyết vấn đề, rắc rối đang gặp phải.
- Điều trị bằng thuốc: Với những trường hợp bệnh nặng có thể kết hợp điều trị tâm lý với việc sử dụng thuốc. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp, trong đó 2 loại thuốc phổ biến nhất là thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm.
- Người bệnh cũng cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để có thể trạng tốt nhất và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả.
Bệnh trầm cảm sau sinh không phải là vấn đề đáng lo ngại nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách và kịp thời. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh cũng rất quan trọng để chị em có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả. Để được tư vấn thêm, bạn có thể gọi đến Tổng đài 1900 56 56 56, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng tư vấn cho bạn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!