Tin tức
Tìm hiểu về bệnh viêm não Nhật Bản B và cách phòng ngừa
- 06/11/2021 | Những loại vacxin viêm não Nhật Bản đang được sử dụng hiện nay
- 19/11/2021 | Bác sĩ giải đáp: Viêm não nhật bản tiêm mấy mũi?
- 07/11/2021 | Viêm não nhật bản lây qua đường nào? Phải làm sao để phòng ngừa bệnh?
1. Viêm não Nhật Bản B là gì?
Viêm não Nhật Bản B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm não Nhật Bản type B, thuộc giống Flavivirus, họ Togaviridae gây ra. Là loại virus không chịu nhiệt nên chúng bị tiêu hủy hoàn toàn ở 100C trong vòng 2 phút. Ngược lại khi ở trạng thái đông lạnh virus có thể tồn tại trong môi trường lên đến vài năm.
Được biết gia cầm, chim hoang dã, lợn, trâu, bò, ngựa,… đều những loài động vật chứa mầm bệnh. Do đó sau khi hút phải máu của động vật mắc bệnh, muỗi Culex sẽ đốt và truyền virus sang người. Ở nước ta muỗi Culex tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng, trung du miền Bắc. Chúng hoạt động nhiều vào buổi tối và sinh sản mạnh vào mùa hè.
Mọi đối tượng đều có nguy cơ nhiễm virus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi nhất là những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu. Viêm não Nhật Bản B ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh trung ương, người mắc bệnh có thể tử vong vào bất kỳ thời điểm nào. Nếu qua khỏi thời kỳ toàn phát thì người bệnh sẽ phải gánh chịu nhiều biến chứng nặng nề. Vì vậy viêm não Nhật Bản là nỗi bận tâm, lo lắng của nhiều bố mẹ có con nhỏ.
Sau khi hút phải máu của động vật mắc bệnh, muỗi Culex sẽ đốt và truyền virus sang người
2. Các giai đoạn tiến triển của Viêm não Nhật Bản B
Viêm não Nhật Bản B thường tiến triển qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ đi kèm với những triệu chứng bệnh sau:
Giai đoạn ủ bệnh:
Virus viêm não Nhật Bản sẽ ủ bệnh trong cơ thể từ 5 - 14 ngày. Lúc này người bệnh không xuất hiện triệu chứng rõ ràng, chủ yếu là cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chán ăn,…
Giai đoạn khởi phát:
Ở giai đoạn khởi phát khi virus đã vượt qua hàng rào mạch máu - não, người bệnh sẽ có các biểu hiện, điển hình như: sốt cao 39 - 40 độ C, đi ngoài phân lỏng, đau nặng đầu, buồn nôn,... Sau 1 - 2 ngày người bệnh có thể gặp những dấu hiệu thần kinh nghiêm trọng rối loạn ý thức, tăng trương lực cơ, tăng phản xạ gân xương,… thậm chí là hôn mê.
Giai đoạn toàn phát:
Vào ngày thứ 3 - 4, triệu chứng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn. Người bệnh từ mê sảng, không tỉnh táo có thể rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đồng thời, cơ thể cũng xuất hiện triệu chứng sốt cao, vã mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở. Một số trường hợp còn bị liệt nửa người, liệt một phần chi hoặc bị co giật, tăng trương lực cơ.
Ở giai đoạn toàn phát, cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao, vã mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở
Giai đoạn lùi bệnh:
Trường hợp không bội nhiễm thì sau tuần thứ 2 người bệnh sẽ trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, cùng lúc này người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với các di chứng nặng nề như: viêm thận, viêm bàng quang, viêm phổi, động kinh, hội chứng Parkinson,…
3. Cách điều trị viêm não Nhật Bản B
Cho đến nay bệnh viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc điều trị triệt để, bác sĩ chủ yếu áp dụng các phương pháp giảm thiểu triệu chứng như:
-
Hạ sốt: Nới lỏng quần áo, dùng khăn ấm lau vào các vùng như: nách, bẹn,… để giúp cơ thể thải bớt nhiệt. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể sử dụng một số loại thuốc hạ nhiệt qua đường uống, truyền tĩnh mạch hay thụt giữ trực tràng.
-
Chống phù não: Truyền các dung dịch ưu trương vào cơ thể, nhằm mục đích rút nước từ trong tế bào ra ngoài, chống tích lũy nước trong não.
-
Sử dụng thuốc trợ hô hấp, trợ tim: Áp dụng cho những trường hợp bị rối loạn nhịp thở hoặc ngừng thở. Đồng thời bổ sung thêm nước - điện giải, hút đờm dãi và cho người bệnh thở oxy.
-
Cắt cơn co giật: Bằng cách tiêm Seduxen hoặc truyền vào tĩnh mạch dung dịch liệt hạch gồm: Aminazin, Thiantan, Spartein,… Trường hợp bị co giật nhiều thì có thể dùng Gardenal.
-
Ngăn ngừa bội nhiễm: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc kháng sinh phù hợp như: Ampicillin, Cephalosporin thế hệ 3. Ngoài ra người thân nên hỗ trợ người bệnh lau người, thực hiện vệ sinh răng miệng, thường xuyên thay đổi tư thế nằm để giảm thiểu tình trạng viêm loét trên da.
-
Dinh dưỡng: Nếu bị hôn mê, người bệnh sẽ được truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nuôi cơ thể. Những trường hợp khác thì có thể bổ sung dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin bằng cách ăn những món thanh đạm, dễ tiêu hóa.
Truyền các dung dịch ưu trương vào cơ thể là cách rút nước từ trong tế bào ra ngoài, chống tích lũy nước trong não
4. Cách phòng ngừa viêm não Nhật Bản B hiệu quả
Viêm não Nhật Bản là bệnh có tính lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Đặc biệt, những người mắc phải bệnh này còn có nguy cơ gặp phải biến chứng nặng nề hoặc tử vong bất cứ lúc nào. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh này bố mẹ nên tiêm phòng vaccine cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Hiện nay trên thị trường ngày càng có nhiều loại vaccine phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản. Tùy vào mỗi loại mà lịch tiêm chủng sẽ khác nhau, do đó bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm.
Để phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản B, bố mẹ nên tiêm đầy đủ vaccine cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn đã biết được sự nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản B. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn nên tiến hành tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Ngoài ra bạn cũng nên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ bãi nước đọng, bỏ màn khi ngủ, đồng thời sử dụng các sản phẩm chống muỗi an toàn để tránh bị muỗi đốt.
Để được tư vấn về lịch tiêm chủng, bạn có thể liên hệ sớm đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thông qua hotline: 1900 56 56 56. Nguồn vaccine tại đây luôn đảm bảo chất lượng và được kiểm định theo yêu cầu của Bộ Y tế. Do đó, bố mẹ có thể yên tâm khi đưa trẻ đến bệnh viện để tiêm phòng viêm não Nhật Bản.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!