Tin tức

Top 6 cây thuốc nam chữa bệnh phù chân tại nhà

Ngày 31/03/2025
Tham vấn y khoa: BS.Nguyễn Thị Nhung
Bên cạnh các phương pháp điều trị Tây y, nhiều cây thuốc nam đã được sử dụng từ lâu đời để hỗ trợ giảm phù chân một cách tự nhiên, an toàn và hiệu quả. Nhờ tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt và cải thiện tuần hoàn, các vị thuốc này giúp đào thải nước dư thừa ra khỏi cơ thể, giảm phù và cải thiện sức khỏe tổng thể. Hãy cùng tìm hiểu những loại cây thuốc nam chữa phù chân trong bài viết dưới đây.

1. Phù chân và nguyên nhân gây phù là gì?

Phù chân là tình trạng sưng nề do tích tụ dịch trong mô dưới da, thường xảy ra ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Đây không phải là một bệnh lý mà là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác như suy tim, bệnh thận, bệnh gan, suy tĩnh mạch hoặc do thai kỳ, chế độ ăn uống nhiều muối, ít vận động.

Phù chân là tình trạng sưng nề do tích tụ dịch trong mô dưới da

Phù chân là tình trạng sưng nề do tích tụ dịch trong mô dưới da

Phù chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

1.1. Bệnh lý liên quan đến thận

Thận có vai trò quan trọng trong việc lọc và đào thải nước, muối ra khỏi cơ thể. Khi chức năng thận suy giảm, cơ thể bị ứ nước, dẫn đến tình trạng phù nề, đặc biệt ở chân và mắt cá chân. Một số bệnh lý thận gây phù chân bao gồm viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mạn tính. 

1.2. Suy tim

Suy tim làm giảm khả năng bơm máu và hút máu về của tim, dẫn đến tình trạng ứ trệ tuần hoàn, khiến dịch tích tụ ở chi dưới gây phù chân. Thường gặp ở bệnh nhân cao tuổi hoặc những người có tiền sử bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, hẹp van tim. 

1.3. Bệnh gan

Gan có vai trò tổng hợp protein albumin, giúp duy trì áp lực keo trong máu. Khi chức năng gan suy giảm (xơ gan, viêm gan mạn tính), lượng albumin giảm dẫn đến rò rỉ dịch ra mô kẽ, gây phù chân. 

1.4. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Suy giãn tĩnh mạch khiến máu từ chân không thể hồi lưu tốt về tim, gây ứ trệ máu, tăng áp lực trong lòng mạch, dẫn đến phù chân. Thường gặp ở người đứng lâu, ngồi nhiều, phụ nữ mang thai hoặc người béo phì. 

1.5. Phù do rối loạn nội tiết và thay đổi hormone

Phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý tuyến giáp (suy giáp, cường giáp) có thể bị phù chân do thay đổi hormone, gây giữ nước và rối loạn chuyển hóa. 

1.6. Chế độ ăn uống nhiều muối, ít vận động

Ăn quá nhiều muối khiến cơ thể giữ nước, gây phù nề. Ngoài ra, lối sống ít vận động, ngồi hoặc đứng quá lâu làm máu kém lưu thông, gây tích tụ dịch ở chân. 

1.7. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc như thuốc chống viêm steroid, thuốc điều trị huyết áp (amlodipin, nifedipin), thuốc tránh thai, thuốc điều trị tiểu đường có thể gây giữ nước, dẫn đến phù chân.

Phù chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Phù chân có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

2. Các cây thuốc nam chữa phù chân

Y học cổ truyền sử dụng nhiều loại thảo dược có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, hỗ trợ tuần hoàn máu để điều trị phù chân hiệu quả. Dưới đây là một số cây thuốc nam thường dùng trong điều trị phù chân theo Đông y:

2.1. Rau ngò ôm

Rau ngò ôm, còn gọi là rau om, là một loại cây có tính mát, vị cay nhẹ, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giúp tiêu phù nề hiệu quả. Theo Đông y, rau ngò ôm quy vào kinh Can và Thận, giúp hỗ trợ điều hòa nước trong cơ thể, cải thiện tình trạng ứ dịch. Ngoài ra, các nghiên cứu dược lý còn cho thấy rau ngò ôm có tác dụng kháng viêm, giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực lên các mô bị sưng nề. 

Cách sử dụng:

  • Dùng 50g rau ngò ôm tươi, rửa sạch. 
  • Giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày.
  • Hoặc dùng rau ngò ôm làm rau sống, hoặc nấu canh với cá để hỗ trợ điều trị phù chân.

2.2. Cây râu mèo 

Cây râu mèo là một dược liệu quý trong Đông y, có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, quy vào kinh Thận và Bàng quang. Công dụng chính của cây râu mèo là lợi tiểu, tiêu phù và thanh nhiệt, đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp phù chân do bệnh thận, suy tim hoặc viêm cầu thận

Cách sử dụng:

  • Lấy 30g lá râu mèo khô, sắc với 1 lít nước uống trong ngày.
  • Uống liên tục trong 10 - 15 ngày để thấy hiệu quả.

2.3. Lá sen 

Lá sen có tính bình, vị đắng, chát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm béo và tiêu phù hiệu quả. Theo Đông y, lá sen quy vào kinh Tâm, Can và Tỳ, giúp đào thải nước dư thừa ra khỏi cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ chức năng gan. Nhờ đặc tính lợi tiểu tự nhiên, lá sen thường được sử dụng để điều trị phù chân ở những người bị rối loạn chuyển hóa hoặc béo phì. 

Cách sử dụng:

  • Lấy 10g lá sen khô, hãm với nước sôi, uống thay trà hàng ngày.
  • Có thể kết hợp với vỏ quýt để tăng tác dụng lợi tiểu.

Lá sen giúp đào thải nước dư thừa ra khỏi cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ chức năng gan

Lá sen giúp đào thải nước dư thừa ra khỏi cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ chức năng gan

2.4. Rễ cỏ tranh 

Cây thuốc nam chữa bệnh phù chân không thể không nhắc tới rễ cỏ tranh. Rễ cỏ tranh là vị thuốc có tính hàn, vị ngọt, quy vào kinh Phế, Tỳ, Vị và Thận, có công dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc và tiêu phù. Dược liệu này thường được dùng trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị phù chân do bệnh thận hoặc gan. 

Cách sử dụng:

  • Dùng 20g rễ cỏ tranh khô, sắc với 500ml nước, uống 2 lần/ngày.
  • Kết hợp với râu ngô để tăng hiệu quả.

2.5. Râu ngô 

Râu ngô là một trong những dược liệu lợi tiểu phổ biến trong Đông y, có tính bình, vị ngọt, quy vào kinh Can, Thận và Bàng quang. Ngoài ra, râu ngô còn giúp cân bằng huyết áp, hỗ trợ giảm viêm và ngăn ngừa sỏi thận.

Cách sử dụng:

  • Lấy 30g râu ngô tươi, nấu với 1 lít nước, uống trong ngày.
  • Có thể kết hợp với mã đề để tăng tác dụng lợi tiểu.

Râu ngô là một trong những dược liệu chữa phù chân phổ biến trong Đông y

Râu ngô là một trong những dược liệu chữa phù chân phổ biến trong Đông y

2.6. Cây mã đề 

Cây mã đề là vị thuốc có vị ngọt, tính lạnh, quy vào kinh Thận, Can và Phế, có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, giải độc và mát gan. Cây thuốc nam chữa bệnh phù chân này có khả năng tăng cường bài tiết nước tiểu, giảm phù, đặc biệt với những trường hợp phù do suy thận hoặc bệnh gan. Khi kết hợp với râu ngô hoặc rễ cỏ tranh, hiệu quả lợi tiểu sẽ được tăng cường đáng kể.

Cách sử dụng:

  • Dùng 10g lá mã đề khô, sắc nước uống hàng ngày.
  • Có thể kết hợp với râu ngô, rễ cỏ tranh để tăng hiệu quả.

3. Lưu ý khi sử dụng cây thuốc nam chữa phù chân

Cây thuốc nam là giải pháp tự nhiên an toàn trong việc hỗ trợ điều trị phù chân, đặc biệt với những trường hợp phù do giữ nước, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, đây chỉ là các phương pháp gợi ý, không thể thay thế các phương pháp điều trị đặc hiệu. Khi sử dụng thuốc nam, để đạt hiệu quả tốt nhất bạn cần lưu ý:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, đặc biệt với người có bệnh nền như suy tim, bệnh thận, gan.
  • Không lạm dụng thuốc nam, vì một số loại có thể gây rối loạn điện giải nếu dùng quá liều.
  • Kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế muối, uống đủ nước và tăng cường vận động nhẹ nhàng để giảm phù chân hiệu quả.
  • Nếu phù chân kéo dài, kèm theo khó thở, đau ngực, suy nhược thì cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân chính xác.

Trên đây là những thông tin về cây thuốc nam chữa bệnh phù chân. Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Nếu phù chân kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng, đặc biệt là ở đối tượng mẹ bầu, người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh nền, nên thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời. Quý khách có thể chọn thăm khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC để được bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Bạn có thể liên hệ với chúng tôi theo hotline: 1900 56 56 56. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ