Tin tức

Trầm cảm cười và những điều ít người biết

Ngày 09/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Có lẽ nhiều người đã nghe nói đến trầm cảm, tuy nhiên, ít biết về trầm cảm cười. Vậy trầm cảm cười là gì, có những triệu chứng nào và gây nguy hiểm gì không? Đặc biệt, làm sao để khắc phục tình trạng cho người mắc hội chứng này?

1. Trầm cảm cười là gì?

Trong y khoa, trầm cảm cười là một hội chứng rối loạn cảm xúc đặc biệt hay trầm cảm chức năng cao, thường xảy ra ở những người đã bị trầm cảm trong thời gian dài. Còn trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể hiểu đơn giản đây là tình trạng người bệnh che giấu cảm xúc thật, cảm xúc bên trong của mình bằng nụ cười vui vẻ, lạc quan bên ngoài.

Chính vì vậy, việc phát hiện một người nào đó bị trầm cảm cười là không đơn giản. Chúng ta sẽ khó nắm bắt được suy nghĩ và hành động thực sự của người bệnh là gì bởi họ luôn “trang bị” cho mình vẻ ngoài tươi tắn, rạng ngời, hạnh phúc; còn ẩn chứa bên trong là nội tâm bi quan, tiêu cực, giằng xé.

Người bị trầm cảm cười luôn cố gắng cười để che đậy cảm xúc thật

Người bị trầm cảm cười luôn cố gắng cười để che đậy cảm xúc thật 

2. Nguyên nhân gây trầm cảm cười

Trầm cảm cười có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân tâm lý, cụ thể như sau.

Nguyên nhân sinh lý

Những bất thường về não, hệ thần kinh, chẳng hạn, người bị u não, chấn thương não hay sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện trong thời gian dài sẽ khiến tâm trạng và cảm xúc thay đổi, đối mặt với nguy cơ trầm cảm cười.

Nguyên nhân tâm lý

Người bị trầm cảm cười cố gắng che đậy cảm xúc bên trong và muốn mình luôn vui vẻ, hạnh phúc trong mắt mọi người. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là do tâm lý, thường gặp ở những người:

  • Nhận được sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, người thân.
  • Có nhận thức sai lệch về hạnh phúc.
  • Mong muốn mình luôn hoàn hảo trong mắt mọi người. 
  • Sợ mọi người thất vọng, kỳ thị, xa lánh.
  • Sợ bản thân trở thành gánh nặng cho mọi người.

Tâm lý chung của người bị trầm cảm cười là muốn mình luôn vui vẻ trong mắt người khác

Tâm lý chung của người bị trầm cảm cười là muốn mình luôn vui vẻ trong mắt người khác

3. Dấu hiệu của trầm cảm cười

Bản thân người bệnh có thể biết mình bị trầm cảm cười qua các dấu hiệu sau.

  • Người bệnh dễ dàng nở nụ cười với mọi người nhưng nụ cười không tự nhiên, không chân thành; thay vào đó là cười miễn cưỡng, cười gượng gạo.
  • Có biểu hiện vui vẻ, tươi tắn khi ra ngoài và gặp gỡ mọi người, nhưng khi ở nhà một mình thì cảm thấy buồn bã, đơn độc.
  • Cảm thấy thực sự khó khăn khi chia sẻ suy nghĩ thật, cảm xúc thật của mình với bạn bè, người thân. 
  • Luôn thấy bản thân là người kém cỏi, không có giá trị nên lo lắng mọi người kỳ thị, xa lánh. 
  • Tâm trạng thay đổi thất thường và nhanh chóng, dễ buồn, dễ vui mà không cần một lý do nào. 
  • Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt, chẳng hạn, ăn nhiều hơn hoặc ít hơn, ngủ ít đi hoặc ngủ quá nhiều. 
  • Căng thẳng, lo âu, buồn chán, không còn “tha thiết” với cuộc sống. 

Còn đối với bạn bè hay người thân của người bệnh thì thực sự rất khó để nhận biết các dấu hiệu trầm cảm cười. Bởi người bệnh rất giỏi trong việc kiềm chế cảm xúc và tạo vỏ bọc cho bản thân bằng một diện mạo lạc quan, năng động. Đặc biệt, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc và tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể nên càng khiến mọi người không nhận ra.

Nụ cười không tự nhiên, đầy gượng gạo của người <a href='https://medlatec.vn/tin-tuc/dau-hieu-tram-cam-va-nhung-thong-tin-ve-benh-ly-s195-n18356'  title ='bệnh trầm cảm'>bệnh trầm cảm</a> cười

Nụ cười không tự nhiên, đầy gượng gạo của người bệnh trầm cảm cười 

4. Điều trị bệnh trầm cảm cười

trầm cảm cười thật sự rất nguy hiểm do người bệnh không được sống thật với cảm xúc. Ngược lại, tâm tư bị dồn nén, họ phải tự mình vật lộn và chống chọi với mớ cảm xúc hỗn độn nên có thể dẫn đến hành vi bộc phát là tự sát. Chính vì vậy, việc thăm khám và điều trị là rất quan trọng.

Tâm lý trị liệu

Trường hợp nhẹ và trong giai đoạn đầu điều trị, người bệnh sẽ được trò chuyện với chuyên gia tâm lý để giải tỏa cảm xúc bản thân. Ngoài ra, các chuyên gia cũng hướng dẫn người bệnh cách kiểm soát, quản lý và thể hiện cảm xúc sao cho tự nhiên nhất, thoải mái nhất.

Sử dụng thuốc

Trường hợp nặng hơn và bệnh không thuyên giảm sau liệu pháp tâm lý, người bệnh có thể dùng thuốc. Thuốc chống trầm cảm giúp làm thuyên giảm triệu chứng bệnh nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ điều trị.

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm cười

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm cười

Sống lành mạnh

Trong khi điều trị trầm cảm cười, người bệnh cần chú ý xây dựng thói quen sống lành mạnh bằng những việc sau.

  • Ngủ đúng giờ và đủ giấc. Ăn uống đủ chất và đa dạng thực phẩm. Khi chế độ ăn và ngủ được đảm bảo thì sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ được cải thiện tích cực. 
  • Tập ngồi thiền - bài tập giúp điều hòa nhịp thở, ổn định tinh thần và loại bỏ những cảm xúc tiêu cực hiệu quả. Người bệnh có thể ngồi thiền mỗi ngày và thực hiện nhiều lần trong ngày.
  • Tập yoga để cân bằng cảm xúc, trấn an tinh thần, phòng chống suy nhược, tăng cường tuần hoàn máu. Người bệnh có thể tập 2 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 15 - 30 phút. 
  • Đi bộ, đạp xe, bơi lội hay bất kỳ bộ môn thể thao nào mà người bệnh có đủ điều kiện để thực hiện. Khi vận động, cơ thể giải phóng ra endorphin giúp giảm đau, giảm căng thẳng. Mỗi ngày, người bệnh nên dành ra 30 - 45 phút để thực hiện các bài tập này. 
  • Xây dựng mối quan hệ xã hội tích cực và đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc với bạn bè, người thân. Khi cảm xúc được giải tỏa và được sống với con người thật thì người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, từ đó, cải thiện được bệnh hiệu quả.

Chúng ta đã cùng tìm hiểu những điều có thể ít người biết về trầm cảm cười. Nói chung, bệnh lý này khá đặc biệt và khác biệt nên việc nhận biết và điều trị sẽ khó khăn. Tuy nhiên, nếu thăm khám sớm, điều trị theo phác đồ và thay đổi lối sống thì người bệnh có thể cải thiện và khắc phục được tình trạng.

Chuyên khoa Thần kinh của Hệ thống Y tế MEDLATEC chuyên khám và điều trị các bệnh lý về thần kinh. Nếu bạn có nhu cầu thăm khám, hãy đến gặp các bác sĩ tại Chuyên khoa. Ngoài ra, để được tư vấn thêm về dịch vụ hoặc đặt lịch thăm khám, Quý vị có thể gọi đến số hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Từ khoá: trầm cảm

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.