Tin tức

Trật khớp cổ chân nguyên nhân do đâu? Điều trị bằng cách nào?

Ngày 02/12/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Trật khớp cổ chân là một chấn thương khá phổ biến, không chỉ gây cảm giác khó chịu ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu như không được xử lý kịp thời. Vậy tình trạng này có nguyên nhân do đâu và điều trị bằng phương pháp nào? Hãy tìm hiểu lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên nhân gây trật khớp cổ chân

Trật khớp cổ chân là tình trạng các xương tạo thành khớp cổ chân (gồm xương chày, xương mác và xương sên) bị lệch khỏi vị trí bình thường, thường là do lực tác động mạnh hoặc chuyển động bất ngờ. Khi bị trật khớp, các dây chằng và mô mềm xung quanh khớp có thể bị rách hoặc căng, gây đau đớn và hạn chế khả năng vận động của chân.

Tình trạng trật khớp cổ chân xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: 

  • Chấn thương do va chạm mạnh hoặc té ngã có thể khiến xương cổ chân gãy hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu;
  • Các hoạt động thể thao mạnh có thể gây nứt xương hoặc đứt dây chằng cổ chân;

Chấn thương xảy ra khi hoạt động thể thao có thể khiến trật khớp cổ chân

Chấn thương xảy ra khi hoạt động thể thao có thể khiến trật khớp cổ chân  

  • Vận động thể lực quá mức hoặc không đúng cách cũng có thể gây áp lực lên khu vực cổ chân.
  • Người có tiền sử chấn thương ở cổ chân như bong gân, gãy xương trước đó;
  • Người có cấu tạo cổ chân bất thường bẩm sinh;
  • Những người mắc hội chứng Ehlers-Danlos, khiến các khớp và mô liên kết trở nên lỏng lẻo;
  • Những người thường xuyên sử dụng thuốc lá và mắc bệnh béo phì.

Một số dấu hiệu có thể gặp phải khi bị trật khớp cổ chân như sau:

  • Xuất hiện những cơn đau nhức dai dẳng;
  • Vùng da xung quanh khớp cổ chân bị sưng tấy và bầm tím;
  • Việc di chuyển và cử động gặp khó khăn;
  • Đôi khi, các dây thần kinh bị chèn ép trong quá trình trật khớp, gây ra cảm giác tê bì, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở bàn chân hoặc mắt cá chân;
  • Trong trường hợp trật khớp nặng, khớp cổ chân có thể xuất hiện biến dạng rõ rệt, với các xương bị lệch hoặc không thẳng hàng.

2. Các bước sơ cứu đúng cách khi bị trật khớp cổ chân

Khi gặp bệnh nhân bị trật khớp cổ chân, việc điều trị sơ cấp kịp thời là rất quan trọng để giảm đau, hạn chế tổn thương thêm và hỗ trợ quá trình phục hồi. Một trong những phương pháp điều trị sơ cấp hiệu quả được khuyến nghị là RICE, gồm 4 nguyên tắc cơ bản sau: 

Rest (Nghỉ ngơi)

Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối và hạn chế vận động vùng cổ chân để tránh làm tình trạng chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân cần sử dụng nẹp cố định. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh khớp, vì điều này có thể khiến tình trạng trật khớp trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây đau đớn nếu thực hiện sai cách.

Ice (Chườm đá)

Chườm lạnh được ứng dụng hiệu quả trong việc giảm đau và sưng tấy. Bệnh nhân có thể dùng túi đá hoặc gói lạnh chườm lên vùng cổ chân bị chấn thương trong khoảng 15 - 20 phút mỗi lần, và lặp lại nhiều lần trong 48 giờ đầu. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng bỏng lạnh, bệnh nhân nên bọc một lớp vải mỏng để đá không tiếp xúc trực tiếp với da. 

Chườm đá lạnh giúp giảm đau và sưng tấy do tình trạng trật khớp cổ chân

Chườm đá lạnh giúp giảm đau và sưng tấy do tình trạng trật khớp cổ chân 

Compression (Băng ép)

Sử dụng băng thun băng ép nhẹ nhàng từ bàn chân lên đến gối sẽ giúp giảm sưng và hạn chế phù nề do máu bị dồn ứ tại tĩnh mạch vùng chấn thương. Bệnh nhân cũng cần lưu ý không được sử dụng chườm ấm hoặc nóng trong giai đoạn này, vì nhiệt có thể làm tình trạng sưng tấy trở nên nghiêm trọng hơn. Khi băng ép, cần đảm bảo không quá chặt để không gây tắc nghẽn lưu thông máu.

Elevation (Nâng cao chân)

Để cải thiện khả năng lưu thông máu, bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp kê chân lên cao. Tuy nhiên, không nên kê chân quá cao (chỉ nên kê cao khoảng 10 - 20 cm), vì điều này có thể làm giảm lượng máu đến bàn chân và gây cảm giác tê bì.

Sau khi hoàn thành sơ cứu ban đầu, người bệnh cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tiến hành khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng lâu dài và đảm bảo quá trình hồi phục nhanh chóng.

3. Chẩn đoán và điều trị trật khớp cổ chân

Chẩn đoán trật khớp cổ chân

Để chẩn đoán tình trạng trật khớp cổ chân, bác sĩ thường sẽ chỉ định bệnh nhân chụp X - quang để giúp xác định vị trí và mức độ tổn thương của khớp bị trật để có phương án điều trị hiệu quả. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tổn thương của các mô mềm xung quanh khớp.

Điều trị trật khớp cổ chân

Tùy vào mức độ và vị trí của chấn thương, bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị phù hợp, cụ thể như sau: 

  • Gây tê và nắn chỉnh khớp: Quá trình nắn chỉnh khớp sẽ được thực hiện sau khi người bệnh được gây tê tại chỗ, tê vùng hoặc gây tê cho người để giảm đau, sau đó tiến hành nắn chỉnh lại các xương khớp về đúng vị trí, nhằm khôi phục sự ổn định của khớp.
  • Phẫu thuật chỉnh hình: Trong trường hợp xương bị gãy hoặc dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương, phương pháp phẫu thuật có thể được cân nhắc thực hiện;
  • Cố định bằng băng nẹp hoặc bó bột: Sau khi nắn chỉnh, để giữ ổn định cho khớp cổ chân, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ nẹp chuyên dụng hoặc tiến hành bó bột để cố định khớp trong suốt quá trình hồi phục;
  • Tập phục hồi chức năng: Sau khi tháo dụng cụ cố định, bệnh nhân cần thực hiện chương trình phục hồi chức năng để giúp khớp cổ chân dần lấy lại cảm giác, phục hồi độ linh hoạt và sức mạnh. Quá trình này giúp bệnh nhân thích ứng dần với các chuyển động, bước đi và phục hồi đầy đủ chức năng của khớp.

Bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng sau khi tháo nẹp

Bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng sau khi tháo nẹp 

Trên đây là toàn bộ thông tin về chấn thương trật khớp cổ chân, hy vọng giúp bạn đọc có được cách xử trí kịp thời và đúng cách nếu không may gặp phải tình huống này. Mọi thắc nhu cầu cần chẩn đoán, điều trị chính xác tình trạng trật khớp cổ chân nói riêng và các bệnh lý Cơ xương khớp nói chung, người dân vui lòng liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời. 

Từ khoá: xương khớp

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ