Tin tức

Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không?

Ngày 06/04/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh tay chân miệng ở trẻ thông thường sẽ có các dấu hiệu đặc trưng như sốt, nổi mụn nước hay loét miệng. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ mắc bệnh cũng có biểu hiện sốt, khiến nhiều phụ huynh chủ quan, vô tình bỏ lỡ thời điểm vàng để phát hiện và điều trị sớm. Vậy khi trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không và làm sao để nhận biết bệnh? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

1. Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không?

Nhiều phụ huynh cho rằng sốt là dấu hiệu quan trọng để nhận biết bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải trẻ nào mắc bệnh cũng bị sốt. Một số trường hợp trẻ vẫn xuất hiện mụn nước, loét miệng nhưng hoàn toàn không sốt, khiến ba mẹ dễ chủ quan, cho rằng con chỉ bị kích ứng da hoặc nhiệt miệng thông thường. Việc này có thể làm chậm trễ quá trình theo dõi và điều trị của con.

“Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không” là câu hỏi mà nhiều ba mẹ gửi đến các bác sĩ

“Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không” là câu hỏi mà nhiều ba mẹ gửi đến các bác sĩ

Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt không có nghĩa là bệnh nhẹ. Ở một số trẻ, hệ miễn dịch phản ứng yếu hơn nên cơ thể không phát sốt dù virus đang hoạt động. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ mắc tay chân miệng thể nặng nhưng không sốt, khiến bệnh diễn biến âm thầm và trở nên nguy hiểm hơn. Nếu không được phát hiện kịp thời, trẻ có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp – những biến chứng có thể đe dọa tính mạng.

2. Dấu hiệu nhận biết tay chân miệng khi trẻ không sốt

Khi trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt, ba mẹ thường khó phát hiện bệnh sớm, dẫn đến việc chậm trễ trong chăm sóc và điều trị. Vì vậy, thay vì chỉ dựa vào triệu chứng sốt, phụ huynh cần quan sát các dấu hiệu đặc trưng khác dưới đây để kịp thời nhận diện bệnh:

2.1. Xuất hiện mụn nước trên da

Mụn nước là dấu hiệu điển hình nhất của tay chân miệng. Dù trẻ không sốt, ba mẹ vẫn có thể nhận biết bệnh thông qua các đặc điểm sau:

  • Mụn nước nhỏ, có đường kính từ 2 - 5mm, màu trong, không gây ngứa.
  • Vị trí xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân, bên trong miệng, vùng mông và đầu gối.
  • Một số trường hợp mụn nước có thể vỡ ra, gây loét và đau rát.

Mụn nước là dấu hiệu điển hình nhất của tay chân miệng

Mụn nước là dấu hiệu điển hình nhất của tay chân miệng

2.2. Loét miệng, chảy nước dãi nhiều hơn bình thường

Trẻ mắc tay chân miệng thường có các vết loét nhỏ bên trong khoang miệng, đặc biệt là ở lưỡi, nướu và mặt trong má. Những vết loét này gây đau, khiến trẻ khó ăn uống, dễ quấy khóc và chảy nước dãi liên tục.

2.3. Biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc nhiều

Khi bị loét miệng, trẻ cảm thấy đau khi nhai nuốt, dẫn đến tình trạng biếng ăn, bỏ bú hoặc chỉ thích uống nước. Trẻ có thể quấy khóc nhiều hơn do khó chịu, nhất là khi ăn thức ăn có vị chua hoặc cay.

2.4. Mệt mỏi, ít chơi

Dù không sốt, trẻ vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải và ít vận động hơn bình thường. Ba mẹ có thể nhận thấy trẻ ngủ nhiều hơn hoặc ngược lại, quấy khóc, cáu gắt, khó ngủ về đêm.

2.5. Giật mình nhiều khi ngủ

Một dấu hiệu đáng lưu ý ở trẻ mắc tay chân miệng là giật mình nhiều lần trong giấc ngủ, thậm chí kèm theo quấy khóc, vã mồ hôi. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo hệ thần kinh đang bị ảnh hưởng, ba mẹ cần đặc biệt chú ý.

2.6. Một số dấu hiệu khác

Ngoài các dấu hiệu đặc trưng, có một số dấu hiệu ba mẹ cũng nên chú ý như:

  • Trẻ có thể bị tiêu chảy nhẹ, phân lỏng.
  • Một số bé xuất hiện triệu chứng sổ mũi, ho nhẹ do virus gây bệnh ảnh hưởng đến đường hô hấp.
  • Ở một số trường hợp, lòng bàn tay, bàn chân có thể bị đỏ nhẹ mà không nổi mụn nước rõ rệt.

Nếu trẻ có các dấu hiệu trên nhưng không sốt, ba mẹ vẫn cần theo dõi sát sao và đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu con trở nên quấy khóc không dứt, nôn ói nhiều, thở nhanh, tím tái. 

3. Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt tại nhà

Dù không sốt, trẻ mắc tay chân miệng vẫn cần được chăm sóc đúng cách để giúp bệnh nhanh hồi phục và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là những hướng dẫn quan trọng ba mẹ cần lưu ý:

- Giữ vệ sinh sạch sẽ cho con:

  • Tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm, tránh làm vỡ mụn nước.
  • Giữ tay chân trẻ sạch sẽ, cắt móng tay gọn gàng để tránh gãi gây nhiễm trùng.
  • Khử khuẩn đồ chơi, vật dụng cá nhân bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp.
  • Hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan bệnh.

- Chế độ dinh dưỡng phù hợp:

  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt như cháo loãng, súp, sữa để giảm đau khi bị loét miệng.
  • Tránh thực phẩm cứng, cay, chua vì có thể làm vết loét nghiêm trọng hơn.
  • Bổ sung đủ nước, có thể cho trẻ uống nước ấm, nước trái cây loãng để bù nước và tăng sức đề kháng.
  • Không ép trẻ ăn, chia nhỏ bữa để bé dễ tiêu hóa và hấp thu tốt hơn.

- Theo dõi và thực hiện các cách giảm đau cho trẻ:

  • Nếu trẻ quấy khóc do đau miệng, có thể dùng gel giảm đau theo chỉ định bác sĩ.
  • Cho trẻ uống paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ nếu trẻ có biểu đau miệng nhiều hoặc khó chịu.
  • Theo dõi dấu hiệu bất thường như quấy khóc kéo dài, giật mình nhiều, khó thở để đưa trẻ đi khám kịp thời.

- Giữ vệ sinh tay chân miệng để tránh lây lan:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho cả trẻ và người chăm sóc.
  • Không dùng chung đồ cá nhân, đặc biệt là muỗng, ly, khăn mặt.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bạn bè, người thân để tránh lây nhiễm.

- Không tự ý mua thuốc cho con uống: Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý tay chân miệng, ba mẹ không nên tự ý mua thuốc và cho con uống. Nên để trẻ được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nhi để xác định mức độ bệnh và được bác sĩ hướng dẫn điều trị phù hợp.

Nên thăm khám Nhi khoa tại MEDLATEC khi con có biểu hiện nghi ngờ tay chân miệng

Nên thăm khám Nhi khoa tại MEDLATEC khi con có biểu hiện nghi ngờ tay chân miệng

Như vậy, bài viết đã giúp ba mẹ hiểu hơn về vấn đề “trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt có nguy hiểm không”. Bên cạnh những thông tin trên, nếu ba mẹ có nhu cầu thăm khám sức khỏe cho con tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám! MEDLATEC có Chuyên khoa Nhi, quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm hiện đại, giúp xác định virus tay chân miệng nhanh chóng và chính xác. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ