Tin tức

Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng cha mẹ cần lưu ý

Ngày 01/11/2023
Vũ Thị Thu Hương
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tay chân miệng là bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ. Căn bệnh này có thể khiến trẻ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não, nếu không được điều trị trẻ có thể bị tử vong. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải chú ý những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng để kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị nhằm tránh nguy cơ biến chứng.

1. Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng

Giai đoạn 1:

Đây là giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng 3 - 7 ngày. Ban đầu khi mới nhiễm tay chân miệng, trẻ thường có các triệu chứng như cảm thấy khó chịu, biếng ăn, sau 1 - 2 ngày sẽ là sốt, mệt mỏi, tiêu chảy, nôn mửa, quấy khóc nhiều.

Giai đoạn 2:

Đây là giai đoạn toàn phát, thời gian kéo dài khoảng 3 - 10 ngày với các dấu hiệu đặc trưng như sau:

       Mọc mụn nước và loét miệng: niêm mạc lưỡi, miệng, lợi xuất hiện các nốt phỏng nước hoặc viêm loét đỏ khiến trẻ bị đau miệng, bỏ bú, biếng ăn, chảy nhiều dãi.

       Phát ban: triệu chứng phát ban có những nốt phỏng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, mông, đầu gối. Trẻ ít khi bị ngứa bởi các vết mụn nước này, nhưng nếu ở người lớn thì sẽ gây ngứa dữ dội. Sau một tuần các vết loét sẽ đỡ dần và tự khỏi.

       Nôn mửa, sốt nhẹ: trong trường hợp tình trạng nôn mửa và sốt cao kéo dài có thể dẫn tới biến chứng.

       Nguy cơ biến chứng tại nhiều hệ cơ quan: biến chứng hô hấp và tim mạch (phù phổi cấp, viêm cơ tim, suy tim, huyết áp cao, trụy mạch); biến chứng thần kinh (viêm màng não, viêm não). Những biến chứng này có thể xuất hiện từ rất sớm (khi bệnh khởi phát từ ngày thứ 2 - thứ 5), trẻ có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tay chân miệng là bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ

Tay chân miệng là bệnh lý phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ

Giai đoạn 3:

Là giai đoạn bệnh thoái lui (thường từ ngày thứ 8 - thứ 10). Nếu không gặp biến chứng thì trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn.

Nhìn chung, tay chân miệng đa số sẽ lui bệnh sau 8-10 ngày, bố mẹ cần lưu ý theo dõi trẻ trong giai đoạn toàn phát. Nếu các vết loét khiến trẻ đau họng, gặp khó khăn khi ăn uống và triệu chứng của bệnh chuyển biến nặng thì cần phải đưa trẻ đi khám ngay phòng trường hợp bị biến chứng nguy hiểm.

2. Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ bị chân tay miệng

Bên cạnh việc lưu ý những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc chân tay miệng thì phụ huynh cũng cần tìm hiểu về các phương pháp chăm sóc, điều trị khi trẻ mắc căn bệnh này.

Đối với việc chăm sóc hàng ngày:

       Cách ly trẻ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo: trẻ bị chân tay miệng cần nghỉ học ở nhà trong tối thiểu 10 ngày kể từ khi bệnh khởi phát. Điều này sẽ giúp tránh được sự lây lan trong học đường. Ngoài ra nếu có nhiều trẻ cùng chung sống trong một nhà thì cần phải cách ly trẻ mắc bệnh một cách tuyệt đối. Không để trẻ chơi cùng với những trẻ lành.

       Cả trẻ bị chân tay miệng và người chăm sóc trẻ đều phải đeo khẩu trang y tế. Sau khi tiếp xúc, người chăm sóc phải nhanh chóng vệ sinh tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn.

       Vệ sinh cá nhân, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày để tránh nguy cơ bội nhiễm. Ngoài ra, tã lót, quần áo của trẻ cũng cần phải được giặt riêng, tẩy trùng sạch sẽ, kỹ lưỡng bằng nước sôi, sau đó là giặt lại với xà phòng.

       Đối với những đồ dùng cá nhân của trẻ như cốc uống nước, bình sữa, bát và muỗng ăn cơm trước và sau khi sử dụng cần phải vệ sinh, luộc với nước sôi và để ở nơi riêng biệt.

       Nhà cửa phòng ốc cần được dọn dẹp sạch sẽ, tạo ra môi trường an toàn, trong lành để trẻ có hệ miễn dịch tốt, không bị các tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Hãy chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng

Hãy chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ để tránh nguy cơ nhiễm tay chân miệng

Đối với việc điều trị bằng thuốc:

Cha mẹ khi cho trẻ dùng thuốc thì cần phải tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Hiện vẫn chưa có loại thuốc đặc trị căn bệnh này mà chỉ bao gồm những thuốc giúp điều trị triệu chứng.

       Để hạ sốt và giảm đau: cha mẹ nên lau người cho trẻ bằng nước ấm. Đồng thời dùng thêm thuốc hạ sốt chứa paracetamol (liều lượng khoảng 10 - 15mg/kg). Chú ý tần suất sử dụng là mỗi liều cách nhau tối thiểu 6 tiếng để tránh nguy cơ ngộ độc do quá liều paracetamol. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kết hợp với Ibuprofen nếu trẻ không hạ sốt. Cha mẹ tuyệt đối không được hạ sốt, giảm đau cho trẻ bằng aspirin.

       Để giúp vết lở loét của trẻ bớt đau, cha mẹ có thể dùng Antiacid dạng gel chấm vào sang thương vùng miệng.

       Để giảm ngứa: sử dụng các loại thuốc kháng histamin như Theralene, Chlorpheniramine,...

Đối với chế độ ăn uống hàng ngày:

       Trẻ cần được bổ sung nhiều nước mỗi ngày, nhất là nước trái cây vì sẽ giúp cung cấp nhiều vitamin C, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

       Đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ luôn có đủ chất dinh dưỡng thiết yếu. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì tăng cường số lần bú trong ngày. Không cho trẻ ăn những thức ăn nóng, cứng, quá đặc vì sẽ khiến vết thương ở miệng trở nên nghiêm trọng hơn.

Đưa trẻ đi viện ngay nếu trẻ xuất hiện thêm các dấu hiệu bất thường:

       Trẻ liên tục sốt cao (39 độ C trở lên), sau khi đã áp dụng các biện pháp hạ sốt tích cực vẫn không cải thiện.

       Trẻ hốt hoảng, giật mình, chới với, thất thần.

       Trẻ có triệu chứng yếu và run tay chân, đi đứng không vững.

       Trẻ nôn mửa nhiều, co giật, đảo mắt bất thường, quấy khóc, thở mệt,...

Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng, hãy cho trẻ đi khám sớm

Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng, hãy cho trẻ đi khám sớm

Mong rằng thông qua bài viết này, các bậc phụ huynh đã hiểu rõ hơn về những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng. Từ đó có những lưu ý và áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả theo chỉ dẫn của bác sĩ để trẻ mau khỏi bệnh.

Hiện nay bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy phương pháp phòng bệnh tối ưu lúc này vẫn là đảm bảo trẻ luôn được giữ gìn vệ sinh cá nhân: chân tay miệng, đồ chơi, đồ dùng của trẻ phải được rửa sạch sẽ; tẩy trùng và vệ sinh nhà cửa bằng Javel hoặc Cloramin B; nếu trẻ bị bệnh cần có phòng cách ly riêng để tránh lây lan.

Nếu con trẻ nhà bạn đang có những triệu chứng của bệnh chân tay miệng, bạn có thể đưa trẻ đi khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị đúng cách cho trẻ. Mọi thông tin chi tiết về các dịch vụ thăm khám tại MEDLATEC xin vui lòng liên hệ qua hotline: 1900565656.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ