Tin tức

Trẻ khóc đêm: dấu hiệu và giải pháp giúp cải thiện giấc ngủ cho trẻ

Ngày 18/10/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Trẻ khóc đêm do nhiều nguyên nhân. Và dù là nguyên nhân nào cũng khiến bố mẹ “đứng ngồi không yên”, không biết nên xử trí như thế nào. Theo các bác sĩ Nhi, quan trọng nhất là bố mẹ phải tìm được nguyên nhân làm trẻ khóc, từ đó có hướng can thiệp hiệu quả.

1. Nguyên nhân trẻ khóc đêm

Trẻ khóc đêm là hiện tượng rất phổ biến, do nhiều nguyên nhân gây ra.

Trẻ đói

Nguyên nhân này phổ biến ở trẻ dưới 5 tháng tuổi. Giai đoạn này, dạ dày của bé còn nhỏ nên không thể bú được nhiều, do đó, thường thức giấc 1 - 2 lần mỗi đêm để bú. Khi thức giấc, bé sẽ khóc vì đói bụng, và đây là dấu hiệu để mẹ nhận biết và cho bé bú.

Trẻ tè dầm

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm. Do tã bị ướt sũng và dính vào người nên trẻ khó chịu, thức giấc và khóc. Việc cần làm lúc này là kiểm tra và thay tã cho bé, bé sẽ nhanh chóng ngủ lại. 

Trẻ quấy khóc ban đêm do tè dầm, nước tiểu đầy trong tã

Trẻ quấy khóc ban đêm do tè dầm, nước tiểu đầy trong tã

Tiêu hóa kém

Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa yếu kém, khi ăn thực phẩm lạ, ăn quá nhiều hay đang trong giai đoạn điều trị bằng thuốc dễ gặp hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Trong lúc ngủ, do chướng bụng, đầy hơi, khó thở, bé sẽ quấy khóc nhiều. 

Bị dị ứng

Nhiều trường hợp bé khóc đêm có liên quan đến tình trạng dị ứng, chẳng hạn dị ứng protein sữa bò khiến bé đau bụng hay dị ứng với các tác nhân như mùi thuốc xịt côn trùng trong phòng, mùi mỹ phẩm mẹ đang sử dụng, mùi nước xả trong áo quần, chăn nệm,… Những tác nhân này làm hệ hô hấp của bé kích ứng, khiến bé khó chịu và quấy khóc.

Hoạt động quá mức

Nếu trẻ hoạt động quá nhiều trước giờ đi ngủ thì trong lúc ngủ, dễ có hiện tượng giật mình, nói mớ, sợ hãi và khóc lớn. Tình trạng này được nhiều người gọi là trẻ gặp ác mộng, nhưng thực tế là do các hoạt động quá mức lúc vui chơi làm não bộ của bé vẫn đang trong trạng thái hưng phấn.

Trẻ bị bệnh

Khóc đêm cũng có thể do trẻ đang mắc bệnh lý nào đó, thường gặp nhất là các bệnh hô hấp. Các bệnh hô hấp khiến đường thở của bé bị hẹp, tắc nghẽn dẫn đến khó thở. Bé có xu hướng thở bằng miệng làm họng bị khô rát, đau, khó chịu. Tất cả việc này dẫn đến hệ lụy là ngủ không ngon, quấy khóc nhiều.

Trẻ quấy khóc ban đêm có thể do bệnh, chẳng hạn như nóng sốt

Trẻ quấy khóc ban đêm có thể do bệnh, chẳng hạn như nóng sốt

Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân chính nói trên, trẻ khóc đêm không loại trừ do các nguyên nhân sau.

  • Nhiệt độ phòng ngủ không phù hợp, cụ thể là quá nóng khiến trẻ cảm thấy bí bách, nóng nực, khó ngủ.
  • Phòng ngủ không yên tĩnh, có nhiều tiếng ồn hay tiếng động làm trẻ khó đi vào giấc ngủ hoặc giật mình trong lúc ngủ.
  • Trẻ mặc nhiều lớp quần áo hoặc bố mẹ quấn nhiều khăn, chăn quanh người bé khiến bé “ngột ngạt”.
  • Trẻ bị côn trùng cắn, đốt hoặc bị giun kim “quấy rối” trong bụng. 
  • Trẻ chuẩn bị mọc răng. Giai đoạn này, bé trở nên “khó ở” hơn, thường xuyên cáu kỉnh, quấy khóc, biếng ăn và mất ngủ.
  • Bé khóc đêm do đang ngủ với mẹ nhưng bị thay đổi đột ngột, chuyển sang ngủ với bà hoặc bảo mẫu, phát sinh tâm lý lo lắng, bất an, thiếu an toàn.
  • Mẹ hay người thân thay đổi tâm trạng, gắt gỏng, giận dữ, la hét,… khiến bé sợ hãi và quấy khóc khi ngủ ban đêm.

2. Làm gì khi trẻ khóc đêm?

Để biết nên làm gì khi trẻ khóc đêm, bố mẹ cần xác định được nguyên nhân, đặc biệt là biết được bé khóc đêm khi nào là bình thường, khi nào bất thường.

Khi nào bình thường? 

Bé khóc đêm thường không quá nguy hiểm bởi đây là triệu chứng thường gặp, nhất là với những trẻ dưới 3 tháng tuổi. Lúc này, bé chưa thích nghi với những điều mới mẻ bên ngoài bụng mẹ mà vẫn đang trong giai đoạn làm quen với môi trường mới. Hiện tượng này thường sẽ hết khi trẻ được 3 - 4 tháng tuổi trở lên.

Ngoài ra, nếu bé khóc đêm do đói, tã ướt hay do môi trường phòng ngủ chưa phù hợp, bố mẹ có thể dễ dàng khắc phục bằng cách cho bé bú, thay tã và điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng cũng như độ yên tĩnh trong phòng ngủ. Đồng thời, chú ý để bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để giúp bé có cảm giác thoải mái, mát mẻ, dễ chịu, từ đó có giấc ngủ ngon hơn. 

Phòng ngủ mát mẻ, quần áo thoáng mát giúp bé có được giấc ngủ ngon

Phòng ngủ mát mẻ, quần áo thoáng mát giúp bé có được giấc ngủ ngon

Khi nào bất thường?

Nếu từ 4 tháng trở đi, trẻ vẫn khóc đêm nhiều, kèm theo các dấu hiệu khác như khóc thét, la hét, giật mình, hoảng sợ, khó thở,… bố mẹ không được chủ quan. Bố mẹ cần kiểm tra xem ban ngày hoặc trước lúc đi ngủ bé có hoạt động nhiều hay không. Nếu có thì hôm sau, thực hiện điều chỉnh lại và theo dõi giấc ngủ của trẻ. Nếu trẻ ngủ ngon, không quấy khóc thì bình thường. Ngược lại, trẻ vẫn hoảng sợ, giật mình và quấy khóc, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo não bộ, thần kinh của bé có vấn đề về cấu trúc và chức năng.

Ngoài ra, nếu trẻ khóc nhiều, khóc dai dẳng, hơn 3 tiếng/ ngày và chủ yếu khóc vào ban đêm, có thể do trẻ bị dị ứng với protein sữa bò. Hay trẻ quấy khóc ban đêm không chịu ngủ cũng có thể do vấn đề về tiêu hóa, bị giun kim,… 

Đặc biệt, một số trẻ bị thiếu vi chất dẫn đến còi xương cũng dễ có hiện tượng mệt mỏi, ít chơi, ít ngủ, khóc nhiều. Hay khi trẻ khóc kèm theo nôn ói, quặn người, nước tiểu có máu,… cần xem xét khả năng trẻ bị lồng ruột.

Trẻ khóc đêm kéo dài kèm nhiều bất thường, bố mẹ nên đưa đi khám

Trẻ khóc đêm kéo dài kèm nhiều bất thường, bố mẹ nên đưa đi khám 

Nói chung, trong những trường hợp trên, bố mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đi khám. Việc để trẻ khóc liên tục và kéo dài hàng đêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ chậm phát triển. Hay nghiêm trọng hơn, nếu trẻ khóc đêm do bệnh lý mà không được thăm khám và điều trị sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bố mẹ có thể an tâm đưa bé đến kiểm tra tại Chuyên khoa Nhi của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám trước tại chuyên khoa, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ