Tin tức
Trẻ sơ sinh bị khò khè - mẹ nên làm gì?
- 01/02/2024 | Trẻ sơ sinh bị nấc - Biểu hiện bình thường nhưng vẫn cần theo dõi
- 17/10/2024 | Cách giúp trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở dễ dàng hơn
- 23/10/2024 | Trẻ sơ sinh bị táo bón: mách mẹ cách xử lý và phòng ngừa hiệu quả
1. Trẻ sơ sinh bị khò khè là như thế nào?
Trẻ sơ sinh bị khò khè là hiện tượng khi trẻ thở có những âm thanh bất thường. Nếu mẹ áp sát tai vào miệng của bé sẽ dễ dàng nghe được âm thanh này. Đi kèm với khò khè, trẻ có thể gặp khó khăn khi thở, chẳng hạn thở nhanh, thở gấp gáp, gắng sức khi thở.
Đặc biệt trong lúc ngủ, tiếng khò khè của trẻ dễ bị nhầm lẫn với tiếng khò khử. Nhưng dù là tiếng khò khè hay tiếng khò khử thì đối với trẻ sơ sinh, mẹ cũng cần theo dõi và không được chủ quan. Bởi bất kỳ bất thường nào đối với trẻ giai đoạn này cũng có khả năng tiềm ẩn biến chứng.
Khò khè là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh
2. Nguyên nhân trẻ sơ sinh thở khò khè
Trẻ sơ sinh thở khò khè thường do vấn đề về hô hấp, chất gây dị ứng hoặc một số bệnh lý khác, cụ thể như sau.
Vấn đề hô hấp
Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ sơ sinh bị khò khè. Theo đó, khi hệ hô hấp của bé bị virus hay vi khuẩn tấn công, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi,… bé sẽ có hiện tượng thở khò khè. Đi kèm với khò khè là ho, thường là ho có đờm, có thể sốt hoặc không sốt.
Chất gây dị ứng
Trẻ sơ sinh thở khò khè cũng không loại trừ do các chất dị ứng, thường xảy ra với trẻ cơ địa dị ứng, mẫn cảm. Lúc này, khi tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, lông thú,… đường thở của bé bị kích thích, co thắt, tăng tiết dịch, dẫn đến thở khò khè. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nguyên nhân này ít gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.
Trào ngược dạ dày
Ngoài bệnh lý hô hấp, bệnh trào ngược dạ dày cũng là nguyên nhân làm trẻ sơ sinh thở khò khè. Khi mắc bệnh lý này, lượng axit dịch vị trong dạ dày trẻ gia tăng và trào ngược lên trên thực quản. Trẻ có thể vô tình hít phải chất dịch này vào trong phổi, hoặc chất dịch làm đường thở trẻ bị sưng viêm, phù nề. Hệ quả là gây ra tiếng thở khò khè kèm nôn trớ, quấy khóc.
Các nguyên nhân khác
Một số trường hợp trẻ sơ sinh khò khè do có dị vật trong đường thở hoặc do các bệnh lý tim mạch, hen suyễn, khối u ở phổi,… Những nguyên nhân này cần được kiểm tra, thăm khám và điều trị tích cực để tránh nguy hiểm cho trẻ.
Có nhiều nguyên nhân làm trẻ sơ sinh thở khò khè
3. Trẻ sơ sinh bị khò khè nguy hiểm không? Nên làm gì?
Trẻ sơ sinh thở khò khè được đánh giá là nguy hiểm vì tình trạng này khiến trẻ khó thở, nhịp thở không đều, thậm chí là ngưng thở. Việc mẹ cần làm là xác định tiếng thở khò khè của bé như thế nào, chẳng hạn, thở khò khè và tiếng thở khàn khàn có thể do viêm thanh - khí - phế quản. Hay thở khò khè và nghe có tiếng rít khi trẻ hít vào, có thể do mềm sụn thanh quản hay bệnh bạch hầu thanh quản.
Trường hợp trẻ sơ sinh bị khò khè và tiếng thở như tiếng huýt sáo, không loại trừ đường thở của bé bị tắc nghẽn do có dị vật hay bé bị sặc sữa trong đường thở. Đặc biệt, trẻ thở khò khè, ho nhiều, co rút lồng ngực, người tím tái có thể do bị virus, vi khuẩn tấn công dẫn đến viêm phổi nặng.
Nói chung, khi thấy bé bị khò khè kéo dài không khỏi, mẹ cần chú ý các biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến gặp bác sĩ Nhi, nhất là trong các trường hợp trẻ sốt cao, nôn ói, khó thở, da tím tái, thở dốc, thở gắng sức,… Khi bác sĩ thăm khám, mẹ hãy cung cấp các biểu hiện của bé để bác sĩ nắm bắt sơ lược triệu chứng bệnh, phục vụ cho việc chẩn đoán.
Về điều trị, tùy nguyên nhân và bệnh lý, bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp. Một số thuốc thường dùng trong trường hợp này là thuốc hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc corticosteroid, thuốc kháng sinh, thuốc giãn phế quản, thuốc điều chỉnh leukotriene. Mẹ cần tuân thủ liều dùng theo chỉ định. Tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ sơ sinh nếu không được bác sĩ kê toa.
Cho trẻ đi khám nếu trẻ thở khò khè, sốt cao, quấy khóc nhiều
4. Chăm sóc và phòng ngừa trẻ sơ sinh bị khò khè
Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc và phòng ngừa trẻ sơ sinh thở khò khè.
Chăm sóc
Khi chăm sóc trẻ sơ sinh thở khò khè, mẹ hãy chú ý bổ sung nước cho trẻ đầy đủ bằng cách tăng cường bú mẹ. Với trẻ bú sữa công thức, hãy pha sữa đúng hướng dẫn và cố gắng cho trẻ bú đúng cữ.
Bên cạnh đó, mẹ hãy dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé 1 - 2 lần/ngày. Dung dịch nước muối giúp làm loãng dịch nhầy và tống dịch nhầy ra ngoài, nhờ đó đường thở của bé được sạch sẽ và thông thoáng, bé sẽ dễ thở hơn.
Đặc biệt, mẹ cần cho bé dùng thuốc đúng hướng dẫn. Với các dung dịch bù nước, bù điện giải, trước khi sử dụng, mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Riêng đối với mật ong để trị các vấn đề hô hấp, tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa trẻ sơ sinh bị khò khè, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc và chăm sóc bé. Ngoài ra, cần giữ ấm cho bé khi thời tiết lạnh để tránh bị nhiễm lạnh, cảm lạnh. Không gian sống của bé đảm bảo sạch sẽ và cân bằng độ ẩm. Nếu sử dụng quạt và điều hòa, không để hướng gió thổi trực tiếp vào người bé.
Ngoài ra, hạn chế đưa bé đến nơi đông người. Khi cho bé ra ngoài, chú ý đeo khẩu trang cho bé và tránh tiếp xúc gần với người lạ, người đang hút thuốc hay người có dấu hiệu bệnh (ho, hắt xì, khạc nhổ,…).
Khi trời lạnh, hãy giữ ấm cho bé để phòng cảm lạnh, khò khè
Nếu vẫn còn thắc mắc về hiện tượng trẻ sơ sinh bị khò khè, bạn có thể đưa bé đến khám tại Khoa Nhi - Hệ thống Y tế MEDLATEC. Trước khi đến khám, quý khách hãy gọi 1900 56 56 56 để đặt lịch trước.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!