Tin tức
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày: Nguyên nhân và cách đảm bảo giấc ngủ sâu cho trẻ
- 31/03/2025 | Chữa ngạt mũi cho trẻ sơ sinh bằng dầu tràm có được không?
- 20/04/2025 | Trẻ sơ sinh trớ ra nước trong là hiện tượng gì? Có nguy hiểm không?
- 24/04/2025 | 4 mẹo dân gian trị giật mình cho trẻ sơ sinh và những điều cha mẹ cần lưu tâm
1. Ý nghĩa của giấc ngủ ngày đối với trẻ sơ sinh
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trung bình mỗi ngày trẻ cần đảm bảo được ngủ khoảng 14 - 17 giờ, trong đó giấc ngủ ngày chiếm khoảng 40 - 50%. Giấc ngủ sâu ban ngày sẽ giúp:
- Kết nối thần kinh phát triển ổn định, cải thiện khả năng ghi nhớ.
- Ổn định cảm xúc, trẻ bớt quấy khóc, giảm stress.
- Thúc đẩy quá trình sửa chữa tổn thương tế bào để cải thiện miễn dịch.
Khi giấc ngủ ngày bị gián đoạn hoặc không đủ sâu, bé dễ mệt mỏi, chậm phát triển và ảnh hưởng chu kỳ ngủ - thức ban đêm.
Giấc ngủ sâu vào ban ngày giúp phát triển ổn định hệ thần kinh của trẻ
2. Nguyên nhân nào khiến cho trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày?
Giấc ngủ trẻ sơ sinh ở ban ngày ngắn và chia thành giấc ngủ REM - giấc ngủ cử động và giấc ngủ NON REM gọi là giấc ngủ không cử động nhanh.
Giai đoạn NON REM trẻ nằm yên không ngủ động , ngủ sâu và khó đánh thức. Còn ngủ REM thì trẻ hay vặn mình, mi mắt thường chuyển động và nhịp thở không đều. Ngoài yếu tố sinh lý ra thì giấc ngủ trẻ sơ sinh có thể bị tác động bởi:
2.1. Đói
Trẻ sơ sinh có dạ dày nhỏ, cần được bú thường xuyên (2 - 3 giờ/lần). Nếu trẻ ngủ sâu quá lâu hoặc thức giấc thường xuyên do đói, giấc ngủ sẽ bị gián đoạn. Ngoài ra, nguồn sữa mẹ thiếu chất lượng (thiếu năng lượng, ít chất béo) cũng khiến bé tỉnh giấc nhanh hơn để đòi bú.
2.2. Nhiệt độ và môi trường ngủ không thoải mái
Nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh đều khiến trẻ khó có thể ngủ sâu giấc. Nếu phòng ngủ có độ ẩm quá thấp, đường hô hấp của trẻ dễ bị khô rát, nhiệt độ phòng ngủ quá cao lại dễ sinh vi khuẩn.
Trẻ sơ sinh mới làm quen với thế giới bên ngoài, hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện nên nếu có quá nhiều âm thanh quanh phòng ngủ cũng khiến trẻ dễ bị đánh thức.
Ngoài ra, phòng ngủ có ánh sáng gắt, chăn ga nhiều hoặc không đủ thông thoáng cũng ảnh hưởng đến cảm giác thoải mái và chất lượng giấc ngủ của trẻ.
2.3. Tình trạng sức khỏe
Nếu trẻ bị đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản, mắc bệnh lý tai mũi họng,... thì giấc ngủ của trẻ cũng dễ bị gián đoạn. Đây chính là lý do trẻ sơ sinh khó ngủ sâu giấc vào ban ngày.
Sức khỏe có vấn đề khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày
2.4. Lệch nhịp sinh học
Trẻ sơ sinh chưa thành lập rõ nhịp sinh học ngày - đêm. Nếu bú và ngủ đêm nhiều hơn thì giấc ngủ ngày dễ bị gián đoạn, ngủ không sâu giấc. Ngược lại, nếu ngủ ngày quá sâu chu kỳ ngủ đêm cũng sẽ bị đảo lộn. Khi cha mẹ chưa thiết lập được nhịp sinh học cho giấc ngủ của con thì dễ xảy ra tình trạng trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày.
2.5. Hoạt động có tính kích thích cao trước khi ngủ
Cho trẻ vận động mạnh ngay trước khi ngủ có thể khiến cơ thể sản sinh nhiều adrenaline, khó thư giãn. Việc thức quá lâu vượt quá ngưỡng khuyến nghị (khoảng 60 - 90 phút/nap ngủ) khiến trẻ mệt mỏi quá mức nên càng khó ngủ sâu.
3. Cách khắc phục tình trạng ngủ không sâu giấc vào ban ngày ở trẻ sơ sinh
Để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày, cha mẹ cần chú ý điều chỉnh các yếu tố là nguyên nhân gây nên hiện tượng này:
3.1. Điều chỉnh cữ bú của trẻ
Trẻ cần được bú đúng cữ, đừng để cách quãng quá lâu, nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Chế độ ăn của mẹ cũng cần đa dạng dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng, uống đủ nước để cải thiện chất lượng nguồn sữa cho con. Khi trẻ bú xong, cha mẹ cần vỗ ợ hơi cho trẻ để tránh tình trạng trẻ nuốt quá nhiều hơi, gây chướng bụng, khó tiêu, trào ngược, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
3.2. Tạo môi trường ngủ lý tưởng
Nhiệt độ phòng lý tưởng mà cha mẹ cần duy trì cho phòng ngủ của con là 24 - 26 độ C với độ ẩm 50 - 60%. Trẻ nên được nằm trên đệm cứng vừa, không quá mềm để cột sống được thoải mái.
Nếu đắp chăn cho trẻ, cha mẹ nên ưu tiên chọn mua loại làm từ chất liệu cotton. Nếu quấn cho trẻ, mẹ cần tránh quấn chặt gây khó chịu, ra mồ hôi khiến trẻ ngủ không ngon giấc.
Môi trường ngủ an toàn, dễ chịu giúp trẻ có giấc ngủ sâu vào ban ngày
3.3. Thiết lập thói quen trước khi ngủ
Để trẻ được thư giãn, có cảm giác an toàn, cha mẹ hãy tạo cho con có thói quen nghe nhạc, vỗ lưng,... trước khi ngủ. Khi trẻ ngủ, cha mẹ nên hạn chế hoạt động có tiếng ồn hoặc đặt âm thanh trắng trong phòng ngủ để trẻ không bị “làm phiền” bởi âm thanh xung quanh.
Trường hợp chọn để máy âm thanh trắng trong phòng ngủ của trẻ, cha mẹ hãy lưu ý âm lượng không vượt quá 50 dB và để cách tai trẻ ít nhất 1 mét. Phòng ngủ của trẻ cần được giảm ánh sáng tối đa, kéo rèm cửa để kích thích trẻ ngủ sâu giấc.
3.4. Quan sát dấu hiệu bệnh lý và xử lý sớm
Nếu trẻ có biểu hiện trào ngược, ợ hơi, cha mẹ hãy bế trẻ ở tư thế thẳng sau mỗi cữ bú, vỗ ợ hơi và theo dõi phản ứng của con. Hãy đợi đến khi trẻ cảm thấy dễ chịu rồi mới cho trẻ nằm ngủ.
Trường hợp trẻ có dấu hiệu sức khỏe bất thường như: ngủ ngày dưới 8 giờ hoặc trên 20 giờ, thở khò khè, sốt, bỏ bú, quấy khóc nhiều,... cha mẹ cần cho con đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để điều trị ngay.
Giấc ngủ ngày sâu và đủ tạo nền tảng vững chắc để cho trẻ sơ sinh phát triển hoàn thiện thể chất và tinh thần. Hệ thần kinh còn non nớt của trẻ cần được nghỉ ngơi đủ để tăng trưởng não bộ, hoàn thiện chức năng miễn dịch và hỗ trợ khung xương, cơ bắp phát triển.
Xác định đúng nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc vào ban ngày và thực hiện khắc phục đúng cách sẽ giúp bé có giấc ngủ ngon, mẹ bớt lo lắng. Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ nên cho trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra giải pháp giúp con phát triển tối ưu và khỏe mạnh.
Để được thăm khám các vấn đề bất thường liên quan đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
