Tin tức
Triệu chứng của sốt xuất huyết do virus Hanta
- 08/04/2020 | Hội chứng phổi do virus Hanta: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
- 08/04/2020 | Tìm hiểu về virus Hanta và những bệnh lý liên quan
- 08/04/2020 | Tác nhân gây nên “Hội chứng phổi virus Hanta”
1. Sốt xuất huyết do virus Hanta là gì?
Bệnh sốt xuất huyết do virus Hanta hay còn gọi là Sốt xuất huyết kèm suy thận (HFRS - Hantavirus Haemorrhagic Fever with Renal Syndrome). Tác nhân gây bệnh là các virus thuộc chi Hantavirus, họ Bunyaviridae. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính truyền từ động vật sang người, chủ yếu là thông qua vết cắn của các loài gặm nhấm, đặc biệt là chuột.
Thể sốt xuất huyết kèm suy thận thường phổ biến ở các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào năm 1970 với nguyên nhân là do bị chuột cắn. Chuột và các loài gặm nhấm khác được xem là ổ chứa virus Hanta để lây sang người. Tuy nhiên, virus này không gây các triệu chứng rõ ràng trên chuột. Chúng được bài xuất qua phân, nước tiểu, nước bọt và các chất dịch khác, ngay cả khi chuột còn sống hay đã chết. Sau đó nhờ quá trình khí dung hóa các chất, virus hòa lẫn vào không khí và lây nhiễm khi một người khỏe mạnh hít phải.
Chuột là ổ chứa virus Hanta để lây sang người
Một người có thể bị nhiễm virus Hanta khi:
-
Hít phải không khí có chứa virus: không khí ở những khu tạp uế mà chuột làm tổ, có phân và nước tiểu của chúng.
-
Tiếp xúc với phân, nước tiểu của chuột bị nhiễm bệnh thông qua vết thương hở hoặc niêm mạc mắt, mũi, miệng.
-
Bị chuột nhiễm bệnh cắn, virus trong nước bọt sẽ qua vết cắn và đi vào cơ thể.
-
Tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh (thường hiếm gặp và chưa được khẳng định một cách chính xác).
Chuột là ổ chứa của virus Hanta, vì thế các nguyên nhân lây nhiễm đều phần lớn bắt nguồn từ chuột và các sản phẩm của chúng. Để phòng ngừa bệnh, cần có các biện pháp phòng và diệt chuột hợp lý.
2. Triệu chứng của sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus có 2 - 3 tuần để sinh sản và bắt đầu gây bệnh. Đây gọi là thời gian ủ bệnh của virus. Một người mắc Bệnh sốt xuất huyết kèm suy thận do Hantavirus thường có những biểu hiện giống với bệnh cảm cúm như: sốt, ho, nhức đầu, đau mỏi cơ, buồn nôn, chán ăn, suy nhược cơ thể,… Có thể chia sốt xuất huyết do virus Hanta thành 5 pha:
Pha sốt
Bệnh nhân có biểu hiện sốt, ớn lạnh kèm theo đau đầu, nhức mỏi cơ, hoa mắt, buồn nôn. Một số trường hợp bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy, thường bị suy nhược cơ thể. Các triệu chứng thường nhẹ và kéo dài khoảng 3 - 6 ngày.
Triệu chứng khi nhiễm virus Hanta
Huyết áp giảm
Các triệu chứng ở pha sốt trở nên nặng hơn, bệnh nhân có dấu hiệu tụt huyết áp. Có trường hợp giảm xuống dưới 90mmHg có thể nhìn thấy được tình trạng sốc. Bệnh nhân kèm theo triệu chứng chảy máu cam, các vết tụ máu, xuất huyết nội tạng.
Bí tiểu
Khoảng đến ngày thứ 8 kể từ khi phát bệnh, các triệu chứng giảm nhẹ và huyết áp ổn định trở lại. Chứng bí tiểu điển hình kèm chứng ure tăng, khát nước, mệt mỏi, đau lưng và ổ bụng, buồn nôn. Bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nấc cùng các đốm xuất huyết dưới da. Thời gian tiếp theo, bệnh nhân có thể bị phù phổi kèm theo tăng huyết áp đột ngột nên rất nguy hiểm.
Đa niệu
Sau thời kỳ bí tiểu thì bệnh nhân gặp phải tình trạng đa niệu, thường kéo dài đến ngày thứ 14 của chu kỳ bệnh. Bệnh nhân thường biểu hiện đa niệu kèm theo giảm huyết áp. Trong một số trường hợp không bị vô niệu trước đó thì chứng đa niệu vẫn xảy ra.
Phục hồi
Bệnh nhân dần ổn định huyết áp và bài tiết, tăng cân chậm và cơ bắp vẫn còn yếu. Giai đoạn phục hồi thường từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6.
Không phải ca bệnh nào cũng xảy ra đủ 5 pha như trên. Thực tế có nhiều trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc cấp tính, suy thận cấp dẫn đến tử vong. Bệnh sốt xuất huyết kèm suy thận do virus Hanta với tỷ lệ tử vong khoảng 5 - 10%. Sau khi hồi phục, bệnh nhân vẫn thường gặp phải các vấn đề rối loạn chức năng thận.
3. Những ai có nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết do virus Hanta?
Sốt xuất huyết do virus Hanta nguy hiểm như thế. Vậy những đối tượng nào dễ mắc hội chứng này?
-
Những người thường xuyên đi làm đồng: Chuột đồng là một ổ chứa virus khó kiểm soát, nông dân dễ vô tình tiếp xúc với chuột mang bệnh. Ngoài ra chúng còn có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm khác như Leptospirosis.
-
Những nhân viên vệ sinh công cộng: cống rãnh, bãi rác tại các khu phố đông đúc là môi trường thuận lợi cho chuột sinh sản và hoạt động. Đây là một nguồn lây virus Hanta cho con người.
-
Người nuôi chuột cảnh hoặc nuôi chuột với mục đích nghiên cứu phòng thí nghiệm: Nếu vệ sinh không đúng cách các chất thải của chuột, các đối tượng này cũng có nguy cơ rất cao nhiễm phải Hantavirus.
-
Người bị chuột cắn trong thời gian gần đây: trong nước bọt chuột nhiễm bệnh có chứa virus, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết cắn dính nước bọt.
Những đối tượng bị chuột cắn có thể bị virus Hanta tấn công
Vì mức độ nguy hiểm của chứng bệnh do virus Hanta gây ra, mọi người cần đề cao ý thức bảo vệ sức khỏe. Khi nằm trong các nguy cơ đã kể trên kèm theo xuất hiện những triệu chứng sớm của bệnh, cần liên hệ ngay với bác sĩ. Bạn sẽ được khám để phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Hiện nay, bệnh do Hantavirus vẫn chưa có vacxin phòng bệnh và thuốc kháng virus đặc hiệu trong điều trị. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ như cấp cứu bằng đặt nội khí quản, thở máy, kỹ thuật ECMO,… để đưa bệnh nhân ra khỏi cơn nguy kịch.
Có thể thấy, Hantavirus là thủ phạm gây chứng bệnh nguy hiểm “Sốt xuất huyết kèm hội chứng thận”. Một hội chứng khác không kém nguy hiểm là “Hội chứng phổi do virus Hanta” cũng là mối đe dọa đến sức khỏe con người. Để đề phòng các bệnh sốt xuất huyết cùng nhiều bệnh khác gây ra bởi Hantavirus, bạn cần có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả: giữ gìn vệ sinh cá nhân và xung quanh nhà cửa, phòng và diệt chuột triệt để, ngăn chặn chuột vào nhà bằng cách bịt kín các lỗ hở quanh nhà.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!