Tin tức
Tìm hiểu về virus Hanta và những bệnh lý liên quan
1. Đặc điểm và tính chất của virus Hanta
Virus Hanta thuộc họ Bunyaviridae, là virus sống chủ yếu trong cơ thể các loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là ở chuột. Virus này được tìm thấy đầu tiên tại Hàn Quốc, tên gọi Hantavirus bắt nguồn từ tên con sông Hanta - nơi virus lần đầu tiên được phân lập.
Chuột là vật chủ tự nhiên của virus Hanta
- Tính gây bệnh: Virus Hanta có khả năng gây bệnh là nhờ các gai bề mặt giúp chúng bám dính và tiết ra các chất độc gây rối loạn hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Ký chủ tự nhiên của loại virus này là các động vật gặm nhấm. Tại đó virus phát triển và gây bệnh thường không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Ở người, bệnh do virus Hanta có thể không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc nặng.
- Tính chất: Virus có thể tồn tại trong phân, nước tiểu và các chất thải từ động vật bị nhiễm. Tuy nhiên, chúng dễ bị bất hoạt bởi nhiệt độ cao, các chất hoạt động bề mặt, dung môi hữu cơ hay các dung dịch tẩy rửa, sát trùng.
- Nuôi cấy: Nuôi cấy virus trên các tế bào nuôi cấy, nhưng chúng không gây ra bệnh lý trên các tế bào này.
2. Virus Hanta gây ra những bệnh gì?
Cơ chế sinh bệnh của virus Hanta hiện nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng vì thiếu dữ liệu trên mô hình thực nghiệm. Virus này gây bệnh trên người thường đa dạng, có thể là nhiễm trùng không triệu chứng hoặc các thể lâm sang có biểu hiện triệu chứng nặng, nhẹ khác nhau. Có 2 thể lâm sàng biểu hiện nặng đó là Hội chứng phổi (HPS) và Hội chứng thận kèm theo sốt xuất huyết (HFRS).
Hội chứng phổi (HPS)
Đối với hội chứng phổi, virus gây nhiều ảnh hưởng đến tạng phổi, lách, túi mật. Trong đó phổi là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm: sốt, ho, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chán ăn, suy nhược cơ thể,…). Khoảng 4 - 10 ngày sau khi phát bệnh, bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện nặng hơn: sốt cao, ho, khó thở, thở gấp,… có thể dẫn đến chứng suy hô hấp.
Hội chứng thận kèm theo sốt xuất huyết (HFRS)
Ở hội chứng thận kèm sốt xuất huyết, có sự xuất hiện tăng tính thấm thành mạch dẫn đến tình trạng hạ huyết áp và gây rối loạn chức năng điều hòa nội môi. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của các cơ quan trong cơ thể, trong đó ảnh hưởng nặng nhất chính là thận. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, đau cơ kéo dài từ 3 - 7 ngày, sau đó giảm tiểu cầu, hạ huyết áp và vô niệu. Tỷ lệ tử vong có thể 5 - 10% tùy từng giai đoạn bệnh tiến triển.
Virus Hanta gây nên hội chứng thận kèm sốt xuất huyết
3. Phương pháp chẩn đoán phát hiện virus Hanta
Những ai cần làm các xét nghiệm chẩn đoán virus Hanta?
-
Người có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do virus này gây nên, bao gồm các triệu chứng được nêu ở mục trên.
-
Những người bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với các chất thải của chuột trong thời gian gần đây.
-
Người thường xuyên tiếp xúc với chuột, sống tại những nơi có nhiều chuột và các loài gặm nhấm khác hoạt động.
Một số triệu chứng của bệnh gây ra bởi virus Hanta tương tự với một số dịch bệnh nguy hiểm: cúm A, cúm B, dịch viêm phổi cấp SARS - CoV 2,… Vì thế, khi có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán chuyên biệt.
Các phương pháp chẩn đoán phát hiện virus Hanta:
-
Xét nghiệm vi sinh vật: Bằng việc nuôi cấy mẫu bệnh phẩm có thể phát hiện được có sự tồn tại của virus hay không. Tuy nhiên phương pháp này mất rất nhiều thời gian nên chỉ có ý nghĩa nghiên cứu, không có ý nghĩa trong điều trị.
-
Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction): Kỹ thuật khuếch đại gen PCR là phương pháp nhanh và chính xác nhất để phát hiện sự có mặt của ARN virus trong mẫu máu hay tạng phủ. Tuy nhiên chi phí thực hiện khá tốn kém nên không được sử dụng đại trà.
-
Xét nghiệm miễn dịch: Gồm các xét nghiệm huyết thanh học như miễn dịch huỳnh quang, miễn dịch enzyme,… để phát hiện các kháng thể virus tương ứng.
PCR là một xét nghiệm nhanh và chính xác trong phát hiện Hantavirus
4. Phòng bệnh do virus Hanta gây nên
Hiện nay chưa có vacxin phòng virus Hanta cho người, cũng chưa có thuốc kháng virus đặc trị những bệnh do virus này gây ra. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa Hantavirus. Các biện pháp phòng bệnh do virus Hanta gây nên:
-
Phòng và diệt chuột quanh khu vực sinh sống bằng cách đặt bẫy chuột, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.
-
Hạn chế tiếp xúc với chuột, các loài gặm nhấm hoang dã và các sản phẩm, chất thải của chúng.
-
Nuôi chuột thí nghiệm cần cẩn thận và đảm bảo các khâu an toàn vệ sinh và an toàn sinh học.
-
Giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, đeo khẩu trang và áo quần bảo vệ khi phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn.
-
Các hộ nuôi trang trại cần hạn chế để chuột xâm nhập.
Diệt chuột quanh khu vực sống để hạn chế lây nhiễm virus Hanta
Virus Hanta là thủ phạm gây nên nhiều bệnh nguy hiểm cho con người, đặc biệt là tại những vùng có vệ sinh không đảm bảo khiến động vật gặm nhấm sinh sôi, phát triển. Để bảo phòng ngừa virus Hanta, mọi người cần thực hiện tốt các khâu phòng bệnh và diệt chuột, phát quang bụi rậm, vệ sinh khu vực sống luôn sạch sẽ, thông thoáng. Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ mình bị nhiễm virus, cần đến các cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán và điều trị.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!