Tin tức
Hội chứng phổi do virus Hanta: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
- 08/04/2020 | Tìm hiểu về virus Hanta và những bệnh lý liên quan
- 08/04/2020 | Tác nhân gây nên “Hội chứng phổi virus Hanta”
1. Hội chứng phổi do virus Hanta là gì?
Hội chứng phổi do virus Hanta (HPS) là một bệnh truyền nhiễm giữa động vật và người, gây ra bởi virus thuộc họ Bunyaviridae. Hiện nay trên thế giới có hàng nghìn người nhiễm virus Hanta do bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với chất thải của chuột, trong đó có nhiều ca đã tử vong. Gần đây nhất, vụ việc người đàn ông Trung Quốc tử vong do nhiễm virus này đã khiến người dân càng thêm lo lắng trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang hoành hành.
Hội chứng phổi là một trong số ít bệnh nguy hiểm do virus Hanta gây ra
Virus Hanta sống ký sinh chủ yếu trong cơ thể các loài động vật gặm nhấm, đặc biệt là chuột. Đây là loại virus có bộ gen cấu tạo phức tạp gồm nhiều phân tử ARN sợi âm và nhiều protein N hình thành nên cấu trúc xoắn của nucleocapsid. Bên ngoài virus được bọc bởi lớp áo ngoài (envelope) và các gai bề mặt có tác dụng giúp chúng bám chắc và không bị tiêu diệt bởi các yếu tố bảo vệ trong cơ thể vật chủ ký sinh.
Con đường truyền lây: Hội chứng phổi do virus Hanta được lây truyền chủ yếu từ động vật sang người theo các con đường:
-
Bị động vật nhiễm bệnh cắn hoặc có vết thương hở dính nước bọt của động vật nhiễm bệnh.
-
Lây qua đường hô hấp khi hít phải không khí chứa virus (do quá trình khí dung hóa các sản phẩm phân, nước tiểu, nước bọt,… của động vật nhiễm bệnh).
-
Tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của động vật nhiễm bệnh rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. Virus từ đó xâm nhập vào lớp niêm mạc để vào trong cơ thể.
Có một số ít trường hợp ghi nhận virus có thể lây truyền từ người sang người qua các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi, khạc nhổ. Tuy nhiên phương thức truyền lây này thường rất hiếm khi xảy ra. Lây nhiễm từ chuột vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất.
2. Triệu chứng
Virus Hanta thường gây nhiễm trùng không triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng trên cơ thể động vật gặm nhấm. Tại đây, virus phần lớn gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của động vật nhiễm mà không ảnh hưởng đến khả năng sống và sinh sản của chúng.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus gây ảnh hưởng đến mạch máu làm tăng tính thấm thành mạch và ảnh hưởng đến các tạng trong cơ thể. Người mắc hội chứng phổi do virus này gây ra thường có những biểu hiện giống với bệnh cảm cúm thông thường và hầu hết liên quan đến phổi. Ở giai đoạn khởi đầu của bệnh, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ trong 1 - 4 ngày. Khoảng 4 - 10 ngày sau đó, các triệu chứng tiến triển nặng hơn với đặc trưng là sốt cao, ho, khó thở dẫn đến chứng suy hô hấp, phù phổi và hạ huyết áp.
Nhức đầu là một trong những triệu chứng sớm của bệnh
Các triệu chứng của “Hội chứng phổi do virus Hanta” thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo các nghiên cứu cho thấy bệnh có tỷ lệ tử vong cao, có khi lên đến 50%. Vì thế, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc phải hội chứng phổi do virus này, cần đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
3. Các phương pháp chẩn đoán
Để phát hiện nhanh Hantavirus gây hội chứng phổi ở người, có thể sử dụng các phương pháp:
Xét nghiệm huyết thanh học
Các xét nghiệm huyết thanh học nhằm mục đích phát hiện các kháng thể kháng virus tương ứng với chủng virus Hanta. Có thể sử dụng mẫu máu hoặc huyết thanh để làm phản ứng miễn dịch huỳnh quang xác định lớp kháng thể IgG và IgM hoặc phản ứng miễn dịch enzyme để phát hiện lớp kháng thể IgM trong nhiễm trùng cấp.
Xét nghiệm gen bằng phương pháp khuếch đại gen PCR - polymerase chain reaction
Với mẫu bệnh phẩm bất kỳ (máu, dịch hầu họng,…) có thể tiến hành kỹ thuật khuếch đại gen để tìm ra các đoạn ARN của virus. Phương pháp này cho kết quả tương đối chính xác, nhưng lại tốn kém nên thường không được sử dụng rộng rãi.
Ngoài ra, có thể phát hiện virus gây Hội chứng phổi Hanta bằng các xét nghiệm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên thường mất rất nhiều thời gian mới có kết quả, đồng thời kết quả không khách quan nên rất ít khi áp dụng trong chẩn đoán mà chỉ áp dụng để phục vụ nghiên cứu virus.
4. Điều trị hội chứng phổi do virus Hanta như thế nào?
Hiện chưa có một loại thuốc kháng virus nào có tác dụng đặc hiệu với Hantavirus gây nên hội chứng phổi. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể được hỗ trợ bằng các biện pháp y tế để nhanh chóng đẩy lùi bệnh:
Cấp cứu: Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng suy hô hấp, có thể được cấp cứu bằng đặt nội khí quản và máy thở, đồng thời kiểm soát các dịch trong phổi khi có hiện tượng phù phổi.
Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể: Khi gặp phải tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được thực hiện phương pháp oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO). Bệnh nhân sẽ được bơm máu liên tục qua một thiết bị bổ sung oxy và loại bỏ bớt CO2, giúp đảm bảo oxy cung cấp đầy đủ cho cơ thể.
Cấp cứu khi bệnh nhân bị suy hô hấp là việc cần thực hiện kịp thời và nhanh chóng. Khi bệnh nhân rơi vào cơn suy hô hấp sẽ dẫn đến hạ huyết áp, khó thở, suy yếu các cơ quan đặc biệt là tim. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ cao bị đe dọa tính mạng.
Kỹ thuật ECMO cần sử dụng trong cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp
5. Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả
Phương pháp phòng ngựa bệnh hiệu quả nhất là hạn chế tiếp xúc gần với chuột và các loài động vật gặm nhấm. Cần có các biện pháp diệt và phòng chuột xung quanh khu vực sống, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe của mình và mọi người xung quanh.
Hội chứng phổi gây ra bởi virus Hanta là một trong những bệnh nguy hiểm không nên chủ quan. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao nên cần được kiểm soát và điều trị kịp thời. Các động vật lây truyền virus gây bệnh sống xung quanh chúng ta, vì thế cần đề phòng và thực hiện tốt những biện pháp để ngăn ngừa bệnh xảy ra.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!