Tin tức

Trước khi cho trẻ tiêm vắc xin rota, cha mẹ nên biết

Ngày 28/03/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tiêu chảy do Rota virus là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ, dễ lây lan, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thậm chí còn dẫn đến tử vong. Hiện nay, việc điều trị bệnh chưa có thuốc đặc hiệu. Vì thế, tiêm vắc xin Rota được xem là giải pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn cả. 

1. Vì sao nên tiêm vắc xin Rota?

Virus Rota - tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm ở trẻ em

Virus Rota - tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm ở trẻ em

Virus Rota được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ. Loại virus này gồm 4 tuýp: A, B, C, D nhưng hay gặp nhất là tuýp A. Rota virus có thể lây truyền nhanh chóng qua đường hậu môn và đường miệng, nếu vào đến đường tiêu hóa nó sẽ phá hủy tế bào thành ruột non và trở thành nguyên nhân gây ra bệnh viêm dạ dày ruột.

Trẻ bị tiêu chảy do virus Rota thường có triệu chứng nôn, đi ngoài ra nhiều nước, sốt nhẹ. Bệnh lý này dễ khiến trẻ bị mất nước từ đó giảm sút nhanh thể trạng toàn thân, nghiêm trọng hơn nữa là thiếu hụt điện giải kéo dài tăng nguy cơ tử vong.

Vắc xin Rota ra đời giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm dạ dày ruột do Rota virus gây ra. Việc tiêm vắc xin sẽ giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại loại virus này. Tuy sau tiêm vẫn có một tỷ lệ nhỏ trẻ mắc bệnh nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ giảm xuống.

Trong 6 tháng đầu đời, cơ thể của trẻ chưa sinh ra được kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu bị nhiễm virus Rota lúc này sẽ dễ gây tiêu chảy nghiêm trọng từ đó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Do đó, việc cho trẻ uống vắc xin Rota trong thời điểm này góp phần không nhỏ đối với bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Đặc biệt, sau 6 tháng là thời điểm trẻ bắt đầu ham khám phá thế giới xung quanh nên dễ dàng tiếp xúc với mầm bệnh; nếu được uống vắc xin Rota từ trước, cơ thể trẻ sẽ sản sinh đủ kháng thể giúp trẻ chống lại tác nhân này. Ngược lại, nếu bỏ lỡ giai đoạn này, cho trẻ uống vắc xin khi đã trên 6 tháng tuổi thì không còn tác dụng nữa.

Từ 01/2016, WHO đã phê chuẩn đưa 2 loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rota virus vào sử dụng đó là Rota Teq và Rotarix. Ngoài ra, có một loại vắc xin cũng có chung công dụng do nước ta sản xuất tên là Rotavin. Những loại vắc xin này đều được dùng qua đường uống, mỗi loại có lịch uống không giống nhau.

2. Lịch uống, chỉ định vắc xin Rota và những điều cần ghi nhớ

2.1. Lịch uống và chỉ định vắc xin Rota

Bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus chủ yếu xảy ra và lây nhiễm nhanh ở trẻ trong độ tuổi 6 - 36 tháng. Trẻ được khuyến cáo nên uống vắc xin Rota từ 6 tuần tuổi và phải hoàn thành phác đồ trước mốc 6 tháng tuổi. Tuân thủ đúng phác đồ này sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể để chuẩn bị cho giai đoạn dễ bị nhiễm bệnh nhất. Tùy vào loại vắc xin Rota được uống mà liều dùng có thể là 2 - 3 liều.

Vắc xin Rotateq cần uống đủ 3 liều trước khi trẻ được 32 tuần tuổi

Vắc xin Rotateq cần uống đủ 3 liều trước khi trẻ được 32 tuần tuổi

- Vắc xin Rotateq

+ Chỉ định phòng bệnh do Rota virus thuộc các tuýp G1, G2, G3, G4, P1.

+ Chống chỉ định với thai phụ và phụ nữ đang cho con bú.

+ Được uống uống 3 liều, mỗi liều có hàm lượng 2ml. Trẻ uống liều đầu tiên vào 7.5 - 12 tuần tuổi, liều thứ 2 cách liều đầu 28 ngày, liều thứ 3 cách liều thứ 2 là 28 ngày. Trẻ cần được uống đủ 3 liều trước 32 tuần tuổi.

- Vắc xin Rotarix

+ Chỉ định phòng bệnh do Rota virus thuộc các tuýp G1, G2, G3, G4, G9.

+ Được uống 2 liều, liều đầu tiên bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi, liều thứ 2 cách liều đầu tiên 4 tuần. Trẻ cần được uống đủ 2 liều trước 6 tháng tuổi.

Cha mẹ cần lưu ý rằng liều đầu tiên trẻ uống loại vắc xin Rota nào thì các liều sau cũng phải cho trẻ uống đúng loại vắc xin của liều thứ nhất.

Sau khi cho con uống vắc xin Rota cha mẹ nên theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ để kịp thời xử trí bất thường (ít khi xảy ra)

Sau khi cho con uống vắc xin Rota cha mẹ nên theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ để kịp thời xử trí bất thường (ít khi xảy ra)

2.2. Một số lưu ý khi cho trẻ uống vắc xin Rota

Mặc dù tỷ lệ xảy ra phản ứng phụ sau khi uống vắc xin Rota là rất ít nhưng cũng đã có những báo cáo về vấn đề này, cụ thể gồm: quấy khóc, sốt nhẹ, tiêu chảy mức độ nhẹ. Nếu sau khi uống vắc xin cha mẹ thấy con mình có biểu hiện nôn mửa, đau bụng dữ dội hay đi ngoài ra máu thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến nhập viện ngay để được bác sĩ xử trí kịp thời.

Ngoài ra, khi cho trẻ uống vắc xin Rota, cha mẹ cũng cần nắm vững nguyên tắc là phải kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau khi dùng vắc xin. Nếu trẻ quá mẫn với thành phần có trong vắc xin, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống loại vắc xin này. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc quá nhiều lần sau khi uống vắc xin thì không nên cho trẻ uống liều kế tiếp. Trường hợp đã đến thời điểm uống vắc xin mà trẻ đang bị tiêu chảy thì cha mẹ nên đợi đến khi trẻ khỏi bệnh mới cho uống vắc xin.

Nói chung, những tác dụng phụ xảy ra sau khi uống vắc xin Rota là tương đối ít và rất nhẹ nên cha mẹ không cần phải lo lắng. So với những lợi ích mà vắc xin mang lại thì các tác dụng phụ này là không đáng kể, không nên vì lo lắng đến vấn đề đó mà bỏ qua việc phòng ngừa bệnh bằng cách cho trẻ uống vắc xin Rota.

Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đây đã giúp cha mẹ có được những thông tin cần thiết nhất để yên tâm đưa con đi uống vắc xin phòng bệnh Rotavirus. Nếu còn bất cứ băn khoăn nào liên quan đến chủ đề này, cha mẹ có thể gọi ngay cho Tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn sàng chia sẻ những thông tin hữu ích, gỡ bỏ vướng mắc để cha mẹ dễ dàng đưa ra quyết định đúng đắn cho sức khỏe của con mình.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.