Tin tức
Từ điển Y khoa: Bệnh mạch lươn là gì? Có chữa được không?
- 03/10/2022 | Những kiến thức cơ bản về tình trạng viêm hậu môn
- 19/05/2022 | Những nguyên nhân đau hậu môn bạn không nên chủ quan
- 16/05/2022 | Rát hậu môn: nguyên nhân do đâu và cách khắc phục
1. Giải thích về bệnh mạch lươn
Bệnh mạch lươn hay rò hậu môn là sự xuất hiện của một ống nối nhỏ thông giữa trực tràng với một lỗ ở vùng da xung quanh hậu môn, thậm chí có thể rò hậu môn vào âm đạo ở nữ giới. Một số loại tuyến nhỏ ở trong lòng hậu môn có tác dụng tiết ra chất nhầy. Khi tình trạng tắc nghẽn và nhiễm trùng xảy ra tại các tuyến này sẽ hình thành nên ổ áp xe. Nếu áp xe bị vỡ có thể tạo ra những đường rò và phân thành 2 giai đoạn tiến triển bao gồm: áp xe là giai đoạn cấp tính, sau đó bệnh mạch lươn là thời kỳ mạn tính.
Vì vậy khi hậu môn xuất hiện các ổ áp xe thì cần phải điều trị càng sớm càng tốt để tránh dẫn đến biến chứng bệnh mạch lươn.
Tình trạng này xảy ra khá phổ biến (sau bệnh trĩ), mặc dù nó không đe dọa đến tính mạng người bệnh nhưng gây cản trở nhiều đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân.
Vết rò hậu môn
Bệnh mạch lươn được phân thành các loại như sau:
-
Rò hậu môn không hoàn toàn: chỉ xuất hiện một lỗ rò trong đường rò, tên gọi khác là rò chột;
-
Rò hậu môn hoàn toàn: lỗ rò trong thông với lỗ rò ngoài;
-
Đường rò đơn giản: đường rò chạy thẳng, ít hoặc không rẽ thành nhiều ngóc ngách;
-
Rò hậu môn phức tạp: đường rò có nhiều lỗ thông ra ngoài, ngoằn ngoèo lắm ngóc ngách hay còn gọi là rò móng ngựa;
-
Rò trong cơ thắt: là đường rò nông do áp xe cạnh hậu môn tạo thành, loại này dễ điều trị và ít có nguy cơ tái phát;
-
Rò qua cơ thắt: là kết quả của áp xe ở vùng hố ngồi trực tràng, đường rò đi qua cơ thắt;
-
Rò ngoài cơ thắt: là do áp xe ở khu vực chậu hông trực tràng tạo thành.
2. Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh mạch lươn
2.1. Biểu hiện của bệnh
Một số triệu chứng điển hình của tình trạng này đó là:
-
Sưng đỏ ở vùng da xung quanh hậu môn;
-
Đau mỗi lần đi vệ sinh;
-
Có thể bị sốt do nhiễm trùng;
-
Từ hậu môn chảy ra dịch có mùi hôi.
Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên thì bạn hãy nhanh chóng tới trung tâm y tế gần nhất để được điều trị, nhất là những người có từng bị áp xe hậu môn. Sau khi điều trị bạn hãy tái khám ngay nếu bị sưng và chảy máu/chảy dịch từ hậu môn, sốt, ớn lạnh, khó kiểm soát nhu động ruột, táo bón,...
Triệu chứng của bệnh mạch lươn khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu vùng hậu môn
2.2. Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Như đã đề cập, bệnh mạch lươn thường xuất phát từ các ổ áp xe không được điều trị hoặc áp xe lành không đúng cách. Ngoài ra một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn cũng có thể khiến bạn bị bệnh mạch lươn đó là:
-
Bị HIV hoặc bệnh lao;
-
Mắc bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính);
-
Viêm tuyến mồ hôi mủ: tình trạng này có thể làm ảnh hưởng đến vùng da ở hậu môn gây hình thành áp xe và để lại sẹo;
-
Viêm túi thừa: là hiện tượng các túi thừa ở đại tràng bị nhiễm trùng;
-
Biến chứng sau phẫu thuật gần hậu môn.
3. Các phương pháp giúp chẩn đoán và điều trị bệnh
3.1. Chẩn đoán
Bác sĩ cần quan sát và tìm kiếm lỗ rò xung quanh hậu môn. Vùng da này thường sẽ xuất hiện các đường rò và bác sĩ sẽ đo độ sâu cũng như thăm dò hướng đi của nó. Tùy từng trường hợp bệnh cảnh mà bác sĩ sẽ dẫn lưu dịch trong lỗ rò ra ngoài.
Vì không phải lúc nào các lỗ rò cũng có thể nhìn thấy ở bên ngoài nên bệnh nhân sẽ được chỉ định tiến hành các biện pháp sau:
-
Nội soi: giúp quan sát cấu trúc bên trong của trực tràng và hậu môn một cách rõ ràng hơn;
-
Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI;
-
Gây mê để thuận lợi trong việc kiểm tra lỗ rò.
3.2. Cách điều trị bệnh mạch lươn diễn ra như thế nào?
Để điều trị dứt điểm tình trạng này thì phương pháp triển vọng nhất hiện nay đó là thực hiện phẫu thuật. Vì vậy khi có các dấu hiệu của bệnh mạch lươn, bạn cần đi khám và phẫu thuật tại những cơ sở y tế và bệnh viện uy tín.
Để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát sau này, cần phải đảm bảo những yếu tố sau:
-
Phải xác định được chính xác vị trí của lỗ rò trong;
-
Phải loại bỏ được các xơ và triệt tiêu những ngóc ngách của lỗ rò;
-
Lựa chọn hình thức mổ phù hợp nhất;
-
Tránh làm tổn thương cơ thắt vì có thể gây di chứng đại tiện mất tự chủ;
-
Quá trình chăm sóc vết mổ cần đảm bảo vết thương liền từ trong ra ngoài;
-
Đối với trường hợp lỗ rò có kết cấu đơn giản không gần vùng hậu môn, các bác sĩ sẽ thực hiện cắt cơ và da bao xung quanh đường rõ. Cách này giúp vết thương được chữa lành ở cả trong lẫn ngoài;
-
Ở những người bị rò phức tạp hơn, trước khi phẫu thuật bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu dịch mủ nhiễm trùng ra ngoài. Quá trình này mất khá nhiều thời gian (ít nhất 6 tuần) để thực hiện.
Phẫu thuật sẽ được chỉ định ở những trường hợp bị rò hậu môn phức tạp
Sau phẫu thuật, các bác sĩ có thể kê các thuốc opioid, thuốc giảm đau hoặc thuốc gây tê cục bộ chứa Lidocaine giúp giảm cảm giác khó chịu và giảm đau ở vùng vừa phẫu thuật. Ngoài ra thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân cũng được kê đơn để người bệnh dễ đi đại tiện hơn.
Nhìn chung bệnh mạch lươn nếu được điều trị đúng cách và hồi phục tốt thì nguy cơ tái phát không cao, tuy nhiên nếu để lâu không xử lý sớm thì bệnh có thể tiến triển thành những biến chứng bất lợi, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống thường nhật của người bệnh.
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên đi khám tại địa chỉ nào thì hãy đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ giàu kinh nghiệm thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Quý bạn đọc hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ thăm khám tại viện.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!