Tin tức
Từ điển Y khoa: U bao hoạt dịch là gì? Có chữa được không?
- 13/12/2021 | Những lưu ý trong chế độ ăn cho người mắc bệnh xương khớp
- 27/10/2021 | Vì sao nhiều người bị đau nhức xương khớp giao mùa?
- 16/10/2021 | Bệnh lao xương khớp có lây nhiễm từ người này sang người khác không?
1. Giải thích cho sự tồn tại của u bao hoạt dịch
Có thể hiểu rằng u bao hoạt dịch là tình trạng dịch bị thoát ra ở các khớp, len lỏi vào những chẽ gân ở khớp đang bị u.
Vị trí xác định u bao hoạt dịch là ở bao gân hoặc bao khớp cổ chân, cổ tay, khớp bàn ngón, khớp khuỷu, khoeo chân và khớp liên đốt ngón tay. Tốc độ gia tăng kích thước của những u này rất chậm, một số u thậm chí còn tự tiêu biến mà không cần điều trị. Đây là tình trạng không hiếm gặp có thể xảy ra ở cả nam và nữ trong bất kỳ độ tuổi nào.
U bao hoạt dịch thường xuất hiện ở vị trí các khớp cổ tay, chân
Sự xuất hiện của u bao hoạt dịch có khả năng là do những yếu tố sau:
-
Chấn động khớp lặp đi lặp lại: điều này khiến lớp sụn khớp bị tổn thương và gây kích ứng bao hoạt dịch, dẫn tới chứng u bao hoạt dịch;
-
Chấn thương: bệnh nhân đã từng bị chấn thương hay bong gân sẽ có nguy cơ cao bị viêm hoặc bị u bao hoạt dịch;
-
Tính chất nghề nghiệp: nhất là những người làm nghề vận động viên thường xuyên phải cử động các khớp trong khi làm việc;
-
Tuổi tác: tuổi càng lớn thì sụn càng suy yếu dần kéo theo sự mất ổn định của các khớp, từ đó tạo nên những bao chứa hoạt dịch tại khu vực này;
-
Do bệnh lý: bị mắc các bệnh như gout, tiểu đường, viêm khớp,....
2. Nhận biết u bao hoạt dịch qua những dấu hiệu nào?
Để chẩn đoán u bao hoạt dịch cổ tay cần dựa trên những biểu hiện lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể:
-
Một số triệu chứng lâm sàng:
-
Ở khu vực gần các khớp có các khối cứng nhắc, di chuyển được và kích thước tăng dần theo thời gian;
-
Vùng khớp viêm có dấu hiệu bầm tím hay sưng đỏ;
-
Hay gặp phải tình trạng cứng khớp, khô khớp: dễ nhận ra mỗi lần di chuyển thường nghe thấy âm thanh răng rắc;
-
Đau nhức vùng khớp bị viêm: đặc biệt là khớp cổ tay, cổ chân, khớp gối,... Cơn đau thường khó chịu, dữ dội nhất là khi vận động hoặc ấn tay vào;
-
Triệu chứng toàn thân: sốt nhẹ hoặc sốt cao.
-
Kết quả cận lâm sàng:
-
Siêu âm: chẩn đoán phân biệt u bao hoạt dịch với bướu mỡ hay bướu bã;
-
Chụp X-quang: kỹ thuật giúp loại trừ bệnh u xương;
-
Chụp MRI: dùng để phát hiện những bao nang có kích thước nhỏ hoặc khó nhìn thấy.
Nếu người bệnh có những biểu hiện nghiêm trọng sau thì cần đi gặp bác sĩ ngay:
-
Đau nhiều, kéo dài trên 1 tuần mà không đỡ;
-
Khớp tấy đỏ, sưng đau, phát ban hoặc bầm tím xung quanh;
-
Sốt;
-
Đột nhiên đau nhói, nhất là những khi đang tập thể dục.
Trong trường hợp không tiếp nhận điều trị, u bao hoạt dịch sẽ phát triển chèn ép vào dây thần kinh khiến người bệnh đau đớn. Ngoài ra chúng cũng làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
3. Khắc phục tình trạng u bao hoạt dịch bằng phương pháp nào?
Phụ thuộc vào tình trạng riêng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
3.1. Điều trị nội khoa
Đây là hình thức điều trị với mục đích bảo tồn cấu trúc khớp áp dụng đối với trường hợp bệnh nhân bị u nhỏ, không làm đau và không làm ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như khả năng vận động của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị nội khoa hay được sử dụng trong việc khắc phục u bao hoạt dịch:
-
Dùng thuốc: các loại thuốc giảm đau, kháng viêm;
-
Vật lý trị liệu: chườm đá kết hợp cố định khớp có tác dụng giảm sưng đau. Ngoài ra thực hiện những bài tập nhẹ nhàng cho khớp cũng giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu và phục hồi chức năng của khớp;
-
Bất động: ổn định màng dịch, hạn chế sự chèn ép của các u nang lên dây thần kinh lân cận bằng cách cố định nẹp;
-
Chọc dịch: dùng kim để làm chảy dịch từ khớp dưới hướng dẫn của siêu âm.
3.2. Điều trị ngoại khoa
Phương pháp này được áp dụng nếu u bao hoạt dịch có kích thước lớn chèn ép vào dây thần kinh khiến bệnh nhân đau đớn nhiều, khối u gây mất thẩm mỹ và làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.
Các bước thực hiện:
-
Gây tê bệnh nhân tại chỗ;
-
Tại vị trí khối u, bác sĩ cần rạch da, bóc tách lớp cơ để lộ u bao hoạt dịch;
-
Loại bỏ khối u sau đó cầm máu, khâu đóng vết rạch.
Phẫu thuật thường được chỉ định đối với những trường hợp u bao hoạt dịch nặng
Cần lưu ý những nguy cơ có thể xảy đến sau khi phẫu thuật cắt u bao hoạt dịch:
-
Phản ứng với thuốc tê: tác dụng phụ đối với hệ hô hấp, tim mạch,...;
-
Chảy máu: nếu sau khi mổ vết thương vẫn còn rỉ máu thì cần ép lại bằng gạc vô khuẩn, giữ nguyên từ 10 - 15 phút;
-
Nhiễm trùng vết mổ: biểu hiện sưng, đau, đỏ lên và phải can thiệp bằng kháng sinh, cắt chỉ vết khâu và chăm sóc vết thương kỹ lưỡng;
-
Tụ máu: bầm tím có thể tự tiêu sau một vài ngày. Tuy nhiên nếu có khối máu tụ lớn dưới da thì cần phải báo ngay cho bác sĩ;
-
Tổn thương dây thần kinh xung quanh, có nguy cơ bị yếu hay liệt cơ vĩnh viễn;
-
Mất thẩm mỹ do sẹo mổ.
Thời gian phẫu thuật và phục hồi:
-
Sau khi thăm khám nếu thể trạng ổn định thì ngay trong ngày người bệnh có thể nhập viện và phẫu thuật. Sẽ mất khoảng 1 giờ để thực hiện ca mổ;
-
Phẫu thuật xong, bệnh nhân cần lưu lại viện để theo dõi, chăm sóc vết thương và điều trị bằng thuốc thêm 2 - 3 ngày. Khi đã ổn định thì có thể xuất viện.
-
Báo ngay cho nhân viên y tế nếu gặp phải các triệu chứng sau:
-
Mất cảm giác, tê cứng, yếu liệt cơ bàn tay, ngón tay;
-
Vết mổ có cảm giác sưng, đau nhiều không thể chịu nổi kèm theo sốt;
-
Máu tươi chảy ra từ vết thương ướt đẫm băng gạc.
4. Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật u bao hoạt dịch
Sau khi xuất viện, người nhà và bệnh nhân cũng cần lưu ý chăm sóc cơ thể và vết mổ đúng cách:
-
Uống thuốc như đã được kê đơn và cần đi bệnh viện xử trí ngay nếu gặp phải các tình huống như buồn nôn, ngứa phát ban, chóng mặt, khó thở, tức ngực,...;
-
Chăm sóc vết thương:
-
Thay băng 1 lần/ngày theo hướng dẫn;
-
Luôn giữ cho vết mổ khô thoáng, sạch sẽ, thay băng ngay nếu bị ướt;
-
Thông thường có thể cắt chỉ vết khâu trong vòng 7 - 10 ngày sau mổ.
-
Dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất, tăng cường ăn những loại rau xanh, hoa quả và kiêng rượu bia, chất kích thích, đồ cay nóng và tránh hút thuốc lá trong thời gian này;
-
Tập luyện: 2 - 3 tuần sau mổ không nên vận động mạnh ở vị trí khớp vừa phẫu thuật xong;
-
Theo dõi và ghi nhớ lịch tái khám: sau khi hết thuốc hoặc có các triệu chứng bất thường như sốt, sưng đau, nóng đỏ, chảy dịch vết thương thì tái khám ngay.
Nên vệ sinh và thay băng cho vết thương mỗi ngày theo đúng hướng dẫn
Nếu bạn đang gặp các vấn đề về cơ xương khớp, hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được chẩn đoán và thăm khám, điều trị bệnh. MEDLATEC là nơi quy tụ đội ngũ y bác sĩ đầu ngành chuyên môn giỏi, đặc biệt là Chuyên khoa Xương khớp có nhiều bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Kết hợp với đó là hệ thống trang thiết bị y tế của Bệnh viện rất hiện đại sẽ hỗ trợ quá trình chẩn đoán các bệnh về xương khớp chính xác hơn, từ đó việc điều trị trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Liên hệ đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp những thắc mắc một cách chi tiết và đặt lịch thăm khám.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!