Tin tức

Tư vấn cho bệnh nhân tiểu đường ăn dưa hấu được không?

Ngày 14/04/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Dưa hấu là loại trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt, hương vị thơm ngon rất được ưa chuộng đặc biệt là vào mùa hè oi bức. Mặc dù vậy, vẫn không ít người băn khoăn liệu đang mắc tiểu đường ăn dưa hấu được không. Bài viết sau sẽ là câu trả lời cho thắc mắc này.

1. Lợi ích do dưa hấu đem lại

Quê hương của dưa hấu bắt nguồn từ khu vực Tây Phi và là một loại quả giàu vitamin, khoáng chất cần thiết cho sức khỏe con người. Công dụng của các khoáng chất có trong dưa hấu cụ thể như sau:

  • Vitamin A: giúp đôi mắt luôn khỏe mạnh và hỗ trợ hoạt động của các cơ quan như tim, thận, phổi;

  • Vitamin C: tăng đề kháng cho cơ thể chống lại những biểu hiện của cảm lạnh thông thường, cải thiện sức khỏe hệ tim mạch;

  • Vitamin B: giúp tăng cường các hoạt động thiết yếu của não bộ;

  • Chất xơ: rất có lợi cho hệ tiêu hóa;

  • Dưa hấu chứa ít calo nhưng lại chứa hơn 90% là nước, do đó những người đang có kế hoạch giảm cân có thể ăn dưa hấu để no lâu hơn, không những giúp giảm cảm giác thèm ăn ngọt mà còn hạn chế sự gia tăng của cân nặng;

 

Không chỉ giúp chúng ta giải tỏa cơn khát mà dưa hấu còn có hàm lượng dinh dưỡng cao

Không chỉ giúp chúng ta giải tỏa cơn khát mà dưa hấu còn có hàm lượng dinh dưỡng cao

  • Lycopene góp phần tạo nên sắc tố của dưa hấu còn có công dụng chống oxy hóa khá mạnh. Hàm lượng Lycopene của dưa hấu còn nhiều hơn 40% so với cà chua, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Theo một nghiên cứu gần đây, có đến 68% các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường (từ 65 tuổi trở lên) bị tử vong vì các biến chứng tim mạch, trong đó có 16% số người bệnh bị tử vong do đột quỵ;

  • Dưa hấu còn chứa nhiều khoáng chất như canxi, magie, kali,... giúp bổ sung năng lượng và giảm đau nhức cơ bắp sau những buổi tập luyện thể dục thể thao mệt mỏi;

  • Trong dưa hấu có nhiều citrulline, là một chất có thể hỗ trợ giảm huyết áp, cải thiện chức năng động mạch.

2. Bệnh nhân tiểu đường có ăn dưa hấu được không?

Để biết được rằng người bị tiểu đường có ăn dưa hấu được không, chúng ta nên tìm hiểu về chỉ số GI và chỉ số GL.

GI (Glycemic Index) là chỉ số đường huyết được sử dụng như một loại thước đo nhằm phản ánh tình trạng tăng đường huyết tăng nhanh hay chậm sau khi chúng ta dung nạp các loại thực phẩm vào cơ thể. 

  • GI ≤ 55: chỉ số đường huyết thấp;

  • GI trong khoảng 56 – 69: chỉ số đường huyết trung bình:

  • GI ≥ 70: chỉ số đường huyết cao.

Chỉ số đường huyết GI ở mức cao tức là sau khi ăn xong một món ăn nào đó, lượng đường trong máu của người đó sẽ tăng lên một cách nhanh chóng.

GL (Glycemic Load) là chỉ số đường tải chính là sự kết hợp giữa chỉ số GI và lượng carbohydrate có trong một khẩu phần ăn. So với chỉ số GI thì GL được coi là chỉ số có nhiều ưu điểm hơn trong việc đánh giá khả năng hàm lượng đường có trong thực phẩm và khả năng khiến đường huyết gia tăng sau ăn.

  • GL < 10: chỉ số đường tải thấp;

  • GL trong khoảng từ 10 - 19: chỉ số đường tải trung bình;

  • GL > 19: chỉ số đường tải cao.

Dưa hấu thì ngon đấy nhưng mà bị tiểu đường ăn dưa hấu được không?

Dưa hấu thì ngon đấy nhưng mà bị tiểu đường ăn dưa hấu được không?

Đối với dưa hấu, các chỉ số trên (tính trên 100gr khẩu phần) lần lượt được thể hiện như sau:

  • GI = 72.

  • GL = 2.

Dựa vào kết quả trên ta có thể thấy chỉ số đường huyết của dưa hấu khá cao trong khi chỉ số đường tải GL lại rất thấp. Do vậy bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể ăn dưa hấu nhưng với mức tiêu thụ vừa phải, cân bằng với những loại đồ ăn, thực phẩm khác trong bữa ăn.

3. Hướng dẫn bệnh nhân tiểu đường ăn dưa hấu đúng cách

Như chúng ta đã biết, tuy người bị tiểu đường có thể ăn dưa hấu nhưng cần phải biết ăn đúng cách để có thể hấp thụ một cách hiệu quả được các chất dinh dưỡng có trong dưa hấu, đồng thời giúp hạn chế nguy cơ bị tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn loại quả này:

  • Không ăn dưa hấu ngay sau khi vừa ăn cơm xong. Nên ăn dưa hấu sau bữa ăn từ 1 - 2 giờ để đường huyết không bị tăng cao đột ngột;

  • Nên ăn dưa hấu tươi, không ép lấy nước, không thêm đường vào nước ép, ăn nguyên miếng;

  • Bệnh nhân đái tháo đường chỉ nên ăn một lượng vừa phải, mỗi lần ăn 1 miếng khoảng 200g và ăn không quá 500g/ngày.

4. Một số loại trái cây phù hợp với bệnh nhân bị tiểu đường

Ăn dưa hấu cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên bên cạnh dưa hấu, người bị tiểu đường cũng có thể lựa chọn cho mình những loại trái cây phù hợp khác có chỉ số GI thấp hơn để đa dạng hóa thực đơn ăn uống mỗi ngày.

Thông thường thì những loại trái cây chứa hàm lượng thấp carbohydrate thì sẽ có chỉ số GI thấp hơn. Một số loại quả đáp ứng điều kiện này phải kể đến như bưởi, mận, đào, lê, táo, cam, quýt,... Đây là những loại trái cây rất tốt, ít ảnh hưởng nhiều tới lượng đường huyết trong cơ thể người bệnh.

Cần phải lưu ý rằng khi ăn trái cây, bệnh nhân không nên thêm đường khi ăn và nên ăn quả tươi, hạn chế loại sấy khô, phơi khô, nước ép hoặc siro trái cây. Bởi vì khi ép nước hay sấy khô thì hàm lượng đường sẽ cô đặc lại, chất xơ trong quả giảm, do đó không còn thích hợp cho người bị tiểu đường.

Nên ăn nguyên miếng thay vì ép nước dưa hấu các bạn nhé!

Nên ăn nguyên miếng thay vì ép nước dưa hấu các bạn nhé!

Trong trường hợp sử dụng các loại trái cây đóng hộp ngâm trong đường hoặc siro, bạn nên đọc kỹ nhãn mác có trên bao bì sản phẩm để biết được trong đó chứa bao nhiêu đường để cân nhắc trước khi chọn lựa. 

Nhìn chung, dưa hấu là một trong những loại quả phổ biến, nhất là ở Việt Nam mọi lứa tuổi đều ưa chuộng vì vị ngon, dễ ăn, dễ tiêu hóa lại có tính giải khát cao. Tuy nhiên để ăn dưa hấu đúng cách đối với người bị tiểu đường, tốt nhất nên ăn khi còn tươi, không thêm đường, ép nước để tránh trường hợp chỉ số đường huyết tăng cao. 

Nếu muốn xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám và đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho bạn.

Để được tư vấn chi tiết và đặt lịch khám, quý bạn đọc vui lòng gọi điện tới hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC, tổng đài viên luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.