Tin tức
Vì sao bị chuột rút? Nguyên nhân và cách phòng ngừa
- 09/12/2020 | Bật mí mẹo chữa chuột rút hiệu quả ít người biết
- 04/12/2020 | Chuột rút bắp chân ban đêm: Nguyên nhân và cách khắc phục
- 04/12/2020 | Người bị chuột rút thiếu chất gì và cách khắc phục hiệu quả
1. Một số thông tin về chuột rút
Trước khi tìm hiểu vì sao hay bị chuột rút, chúng ta cùng điểm qua một số thông tin cơ bản về hiện tượng này. Đây là tình trạng co thắt cơ một cách đột ngột, xảy ra từ vài giây đến vài phút và nó gây nên cơn đau dữ dội, mạnh và thắt chặt các cơ làm cho người mắc phải không thể cử động trong chốc lát.
Chuột rút có thể xảy ra ở bất kỳ vùng cơ nào trên cơ thể, tuy nhiên xuất hiện nhiều nhất ở bắp chân hoặc bàn chân. Tình trạng sẽ thật sự gây nguy hiểm nếu bạn đang hoạt động dưới nước, chơi thể thao hoặc khi đang lái xe.
Triệu chứng này thường xảy ra khi chúng ta vận động quá sức, như tập thể dục thể thao, leo núi, leo cầu thang nhiều tầng,... Những hoạt động tác động mạnh đến cơ, làm cho cơ thể mất nước, mất muối đều có thể dẫn đến chuột rút.
2. Triệu chứng chuột rút thường gặp là gì?
Dấu hiệu nổi bật nhất chính là những khối mô cơ bên dưới lớp da trở nên căng cứng mà chúng ta có thể cảm nhận và nhìn thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, có một số triệu chứng chuột rút không phổ biến khác tùy vào mỗi người. Và nếu bạn gặp những triệu chứng sau khi bị chuột rút thì tốt nhất bạn nên tìm đến lời khuyên của bác sĩ:
-
Chân bị sưng, tấy đỏ hoặc đổi màu vùng da bị chuột rút.
-
Cơ yếu.
-
Tình trạng chuột rút xảy ra với tần suất dày hơn và thời gian lâu hơn bình thường.
-
Không khỏi sau khi được tự xử lý.
Chân sưng đỏ, tấy lên khi bị chuột rút
3. Vậy vì sao bị chuột rút?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chuột rút, tuy nhiên những nguyên nhân cơ bản có thể kể đến như:
Co thắt cơ sau chấn thương
Trong trường hợp này, chuột rút giống như một cơ chế để tự bảo vệ cơ thể của chính bạn, vùng cơ bị tổn thương có xu hướng co thắt để giảm thiểu hoạt động của cơ và ổn định vùng bị thương.
Tập thể dục, vận động mạnh
Khi bạn vận động mạnh hay tập luyện những động tác không luyện tập thường xuyên với một cường độ cao, sử dụng cơ quá mức dẫn đến sự mệt mỏi của cơ cũng có thể là một lý do bị chuột rút. Dạng chuột rút này có thể xảy ra ngay trong quá trình vận động hoặc sau đó, thậm chí nó có thể xảy ra khi nhiều giờ sau đó.
Ngồi lâu hoặc để chân ở tư thế không thoải mái
Do tư thế không được thay đổi trong một thời gian dài, khiến cho cơ bắp của bạn mệt mỏi gây nên tình trạng chuột rút ở bắp chân hoặc bàn chân. Đây là một hiện tượng phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt xuất hiện nhiều hơn ở người lớn tuổi.
Chuột rút vì giữ nguyên tư thế trong thời gian dài
Sự thiếu hụt khoáng chất trong cơ thể
Natri là chất cần thiết trong dịch cơ thể bên ngoài tế bào, khi cơ thể thiếu hụt Natri sẽ gây nên tình trạng mất nước và dẫn đến chuột rút.
Hàm lượng canxi hoặc magie trong máu thấp làm tăng trực tiếp sự kích thích của hai đầu dây thần kinh và của hai đầu cơ, điều này có thể trở thành lý do cho tính trạng chuột rút. Người lớn tuổi và phụ nữ đang mang thai thời kỳ cuối là những đối tượng dễ gặp phải nguyên nhân này nhất. Để tránh được điều đó, các bạn cần bổ sung thêm khoáng chất bằng đường uống và chế độ ăn uống phù hợp.
Kali cũng là một chất đáng được chú ý và bổ sung cho cơ thể, bởi nó liên quan trực tiếp đến việc yếu cơ, gây nên chuột rút.
Đặc điểm phân bố dịch trong cơ thể bất thường do xơ gan cũng là một lý do phổ biến ở những người mắc bệnh về gan. Những người mắc bệnh về thận và phải dùng phương pháp chạy thận để điều trị cũng xảy ra hiện tượng tương tự. Quá trình điều trị làm ảnh hưởng đến việc phân bố dịch trong cơ thể dẫn đến hiện tượng chuột rút xảy ra khá phổ biến ở người chạy thận.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể bị chuột rút bắp chân trong lúc đang ngủ, dù nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn nhưng nó sẽ gây ra những cơn đau nhức và phá vỡ giấc ngủ của bạn. Nguyên nhân thật sự dẫn đến việc chuột rút trong lúc ngủ chưa thật sự rõ ràng nhưng theo một số nghiên cứu cho biết rằng nó có thể là do cơ thể của bạn bị mất nước, hoặc do lạnh, do thiếu các chất như Canxi, do hoạt động quá mức vào ban ngày,...
Chuột rút xảy ra ở trong giai đoạn mang thai
4. Làm thế nào để thoát khỏi chuột rút?
Những cơn chuột rút của bạn sẽ không thể biến mất hoàn toàn, tuy nhiên có một vài phương pháp nhỏ bạn có thể áp dụng để giảm thiểu tình trạng khó chịu này.
-
Tập thể dụng thường xuyên: Bạn có thể tập những bài tập hàng ngày cho cơ bắp của bạn, để chúng quen dần với cường độ hoạt động, tránh tình trạng mỏi cơ do vận động quá mức. Một bài tập hữu hiệu để giảm thiểu bị chuột rút ở bắp chân đó là căng cơ bắp chân. Đầu tiên, bạn hãy đứng bằng nửa bàn chân trước, nhón gót chân lên cao, rồi từ từ hạ gót bàn chân để gót chân xuống thấp hơn (không được chạm đất), giữ tư thế đó 10 giây trước khi nhón gót lần hai. Và bạn nên lặp lại động tác từ 3 - 4 lần cho một lần tập.
-
Có chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ: Bạn nên đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tránh tình trạng thiếu hụt các khoáng chất trong cơ thể gây nên hiện tượng chuột rút.
-
Trị liệu theo các liệu trình mát xa cơ.
-
Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể.
Hiện tượng chuột rút xảy ra ở thai phụ sẽ tự biến mất sau sinh. Đối với những bệnh nhân bị gan hay chạy thận, thì cần những biện pháp can thiệp khác như sử dụng thuốc giãn cơ. Tuy nhiên, các bạn cần cẩn thận và thông qua ý kiến của bác sĩ để có thể sử dụng thuốc.
Với những thông tin trên, hy vọng đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi “vì sao bị chuột rút?” Tuy đây không phải là một hiện tượng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể nhưng nếu xảy ra trong thời gian dài và có tần suất dày hơn thì bạn vẫn nên tìm đến lời khuyên của bác sĩ.
Nếu còn thắc mắc về chuột rút và cần giải đáp thêm, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để nhận được tư vấn nhé!
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!