Tin tức

Viêm amidan một bên: Những thông tin cần ghi nhớ

Ngày 13/05/2025
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Phương Dung
Viêm amidan một bên gây sưng tấy, đỏ ở bên amidan bị viêm, khiến người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống và giao tiếp. Bài viết sau sẽ khái quát những vấn đề cơ bản nhất để bạn lưu tâm nhận diện, chủ động điều trị kịp thời bệnh lý này.

1. Như thế nào là viêm amidan một bên?

Amidan là tổ chức lympho nằm ở hai bên thành họng, đảm nhận nhiệm vụ sản sinh ra kháng thể để bảo vệ đường hô hấp trước sự xâm nhập của vi khuẩn và virus. viêm amidan một bên là hiện tượng một trong hai khối amidan bị nhiễm khuẩn hoặc virus, gây sưng, tấy đỏ và có thể xuất hiện mủ. 

Bệnh lý này dễ gặp phải ở nhóm nguy cơ cao, bao gồm:

- Người bị nghiện hút thuốc lá, có thói quen tiêu thụ đồ uống chứa cồn. 

- Tiền sử mắc bệnh đường hô hấp hoặc bị trào ngược dạ dày - thực quản.

- Người bị suy giảm miễn dịch như HIV.

- Điều kiện môi trường sống thường xuyên có nền nhiệt độ thấp hoặc ẩm ướt.

Mô tả tình trạng sưng viêm amidan một bên

Mô tả tình trạng sưng viêm amidan một bên

2. Nguyên nhân gây viêm amidan một bên và triệu chứng dễ gặp

2.1. Nguyên nhân viêm amidan một bên

Viêm amidan một bên thường xảy ra do:

- Vị trí của amidan:

Amidan là cửa ngõ của đường hô hấp nên cũng là nơi đầu tiên tiếp xúc, dễ bị tấn công bởi các yếu tố gây hại bên ngoài môi trường như virus đường hô hấp, vi khuẩn, khói bụi,... Đây chính là lý do làm tăng nguy cơ tổn thương và viêm.

- Vệ sinh khoang miệng kém sạch sẽ:

Khoang miệng không được vệ sinh đúng cách khiến thức ăn đọng lại trong hốc amidan, bên amidan nào bị đọng thức ăn nhiều thì càng tăng cơ hội cho các loại virus, vi khuẩn tấn công. Trong trường hợp này, tác nhân gây bệnh hoạt động mạnh mẽ sẽ gây sưng viêm amidan một bên.

- Thay đổi thời tiết thất thường:

Sự thay đổi nóng lạnh đột ngột của thời tiết có thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu, virus, vi khuẩn có điều kiện thuận lợi để tấn công và gây viêm 1 hoặc cả 2 bên amidan.

- Một số bệnh lý:

Mắc phải một số bệnh lý như: sưng hạch bạch huyết, áp xe amidan,... có thể khiến amidan một bên bị viêm.

2.2. Triệu chứng gặp phải khi bị viêm amidan một bên

Viêm amidan một bên nếu không chú ý sẽ dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý vùng họng. Người bệnh cần lưu tâm để phát hiện các triệu chứng sau:

- Đau rát và cảm thấy vướng víu khi nuốt ở 1 bên amidan.

- Dùng đèn soi họng sẽ thấy một bên amidan bị sưng đỏ, có giả mạc hoặc mủ.

- Sốt nhẹ đến sốt cao.

- Hơi thở có mùi hôi.

- Đau đầu, sưng hạch cổ, mệt mỏi toàn thân.

Người bệnh bị đau, sưng ở phía bên họng bị viêm amidan

Người bệnh bị đau, sưng ở phía bên họng bị viêm amidan

3. Viêm amidan một bên ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh?

Viêm amidan một bên nếu được phát hiện sớm để điều trị đúng cách thì sẽ sớm khỏi. Tuy nhiên, nếu chủ quan và để tình trạng viêm kéo dài, bệnh có thể gây nên:

- Áp xe quanh amidan: Do vi khuẩn phát triển mạnh tạo thành ổ mủ xung quanh amidan, gây đau dữ dội, sốt cao và khó nuốt. Trường hợp nặng, khối áp xe sẽ chèn ép lên khí quản gây khó thở cho người bệnh.

- Nhiễm trùng lan rộng: Vi khuẩn từ amidan có thể lây lan đến các vùng lân cận, xuống phổi,... gây viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi.

- Biến chứng thận hoặc tim: Viêm amidan do liên cầu khuẩn nếu không được điều trị triệt để có thể gây viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim.

- Hội chứng cận u: Amidan quá phát một bên kèm nuốt vướng, đau họng kéo dài, nổi hạch cổ, sút cân,.... cần hết sức lưu ý kết hợp khám Tai mũi họng và các phương pháp cận lâm sàng sàng lọc ung thư amidan. Về lý thuyết, ung thư amidan có thể chẩn đoán sớm. Nhưng trên thực tế, rất ít trường hợp được chẩn đoán sớm do triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm vùng hầu họng.

4. Chẩn đoán và điều trị viêm amidan một bên bằng cách nào?

4.1. Chẩn đoán

Khi có những triệu chứng trên đây, người bệnh cần chủ động đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng. Quá trình chẩn đoán bệnh lý này không quá phức tạp và thường áp dụng với những cách sau:

- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ dùng que chuyên dụng hoặc nội soi họng, kiểm tra cổ họng nhằm phát hiện sưng viêm và mủ ở amidan. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khám sờ hai bên cổ bệnh nhân kết hợp siêu âm vùng cổ để phát hiện hạch bị sưng và đánh giá mức độ đau.

- Xét nghiệm dịch họng: Sử dụng mẫu dịch lấy từ amidan để cấy vi khuẩn, xác định tác nhân gây bệnh. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh phù hợp để tránh tình trạng kháng thuốc.

- Xét nghiệm máu: Đánh giá các chỉ số máu kết hợp CRP giúp đánh giá tình trạng viêm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân có triệu chứng viêm amidan một bên

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân có triệu chứng viêm amidan một bên

4.2. Điều trị

Tùy vào nguyên nhân gây nên và mức độ viêm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị viêm amidan một bên phù hợp như:

- Điều trị nội khoa: Người bệnh thường sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc:

+ Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân viêm amidan do vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ giúp tiêu diệt mầm bệnh.

+ Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen được sử dụng nhằm giảm đau họng và hạ sốt cho bệnh nhân.

- Hỗ trợ điều trị

Người bệnh cần dùng nước muối sinh lý súc miệng 4 - 5 lần/ngày để làm sạch ổ mủ và giảm sưng viêm tại chỗ. Thời gian này người bệnh nên ăn thức ăn mềm hoặc chế biến dạng lỏng, uống nhiều nước để giảm tổn thương cho vùng họng. Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế nói chuyện hoặc la hét, tăng thời gian nghỉ ngơi để cải thiện sức khỏe.

- Chích rạch, dẫn lưu mủ

Khi có áp xe quanh bên amidan bị viêm, bác sĩ sẽ tiến hành chích rạch để dẫn lưu mủ, giúp giảm đau nhanh chóng và ngăn không cho viêm nhiễm lan rộng.

- Sinh thiết amidan: Khi amidan quá phát một bên có dấu hiệu nghi ngờ ung thư amidan, bác sĩ chỉ định sinh thiết nhằm chẩn đoán, sàng lọc nguy cơ ung thư.

- Phẫu thuật cắt amidan

Đây là phương pháp sau cùng, được chỉ định trong trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần hoặc có biến chứng như áp xe quanh amidan, khó thở do sưng to.

Thăm khám sớm là việc người bệnh nên làm để chẩn đoán đúng và thực hiện điều trị ngay khi tình trạng viêm mới chỉ ở mức độ nhẹ. Do đó, nếu bị đau họng trên 3 ngày không thuyên giảm, sưng một bên họng kèm sốt trên 38.5 độ C, khó thở, khó nuốt, đau lan lên tai,... thì người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay. 

Viêm amidan một bên không phổ biến như viêm amidan thông thường. Nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nghi ngờ nào như đã được cảnh báo, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ Tai mũi họng - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán đúng và thực hiện điều trị hiệu quả, tránh để bệnh tiến triển nặng, gây nên nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Từ khoá: viêm amidan vi khuẩn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ