Tin tức
Viêm mi mắt và những cách điều trị hiệu quả
- 12/08/2021 | Hở mi mắt là gì và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe người bệnh
- 28/09/2022 | Sưng mi mắt: nguyên nhân và cách khắc phục đơn giản
1. Viêm mi mắt là gì?
Viêm mi mắt là tình trạng viêm và nhiễm trùng tại mi mắt do nhiễm vi khuẩn, nấm hay do các tác nhân môi trường, thói quen trang điểm. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ người nào, có nguy cơ cao ở những người cơ địa dị ứng, người sinh sống tại khu vực môi trường ô nhiễm, người thường xuyên trang điểm,...
Các triệu chứng của viêm mi mắt bao gồm:
- Mi mắt ngứa, sưng đỏ, nhiều gỉ hoặc vảy nhờn.
- Mắt khô hoặc chảy nước mắt nhiều.
- Mắt có cảm giác cộm xốn.
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
- Lông mi dính vào nhau, giòn, dễ gãy rụng.
Viêm mi mắt với triệu chứng mí mắt bị sưng đỏ và đau nhức
2. Cách điều trị viêm mi mắt tại nhà
Những phương pháp điều trị viêm mi mắt tại nhà dưới đây có thể giúp bạn cải thiện được triệu chứng của bệnh.
Thực hiện chớp mắt
Bài tập này rất đơn giản nhưng sẽ giúp các triệu chứng của viêm mi mắt được thuyên giảm rõ rệt. Theo đó, nếu làm việc với máy tính lâu hoặc “mải mê” đọc sách, xem ti vi thì mắt bạn sẽ có xu hướng ít chớp hoặc không chớp, dẫn đến nhức mỏi, khô, dễ kích ứng. Lúc này, bạn hãy tạm ngưng việc đang làm và chớp mắt khoảng 20 - 30 cái. Ngoài ra, cũng có thể thực hiện bài tập này bất cứ lúc nào, khoảng 4 lần/ ngày là được.
Vệ sinh mắt
Viêm mi mắt khiến mi mắt bị tụ dịch, đóng vảy, nếu không vệ sinh sạch sẽ sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng. Do đó, bạn hãy vệ sinh mắt, đặc biệt là rửa mi mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước ấm thường xuyên, mỗi ngày ít nhất 3 lần và duy trì trong 3 - 5 ngày hoặc đến khi triệu chứng thuyên giảm và hết.
Vệ sinh, tẩy trang cho mắt để cải thiện triệu chứng viêm mi mắt
Tẩy tế bào chết ở mi mắt
Một cách điều trị viêm mi mắt tại nhà khác là tẩy tế bào chết ở mi mắt bằng cách dùng bông tẩy trang hoặc băng gạc nhúng vào nước ấm, vắt khô rồi áp lên mi mắt.
Bổ sung axit béo omega-3
Axit béo omega-3 mang đến nhiều lợi ích cho mắt, đặc biệt là chống viêm và cải thiện tình trạng nhiễm trùng mắt. Do đó, nếu bị viêm mi mắt hoặc bất kỳ bệnh lý viêm nhiễm nào ở mắt, bạn hãy tăng cường bổ sung axit béo này. Omega-3 có nhiều trong cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi, trứng cá muối, gan cá tuyết, hạt lanh, đậu nành, quả óc chó,…
Lưu ý là nếu bổ sung viên uống omega-3 hay chất bổ sung nào khác không phải từ thực phẩm, bạn cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước. Không tự ý bổ sung để tránh tác dụng phụ.
Bổ sung thực phẩm giàu omega-3 để chống lại tình trạng viêm mi mắt
3. Điều trị viêm mi mắt theo y khoa
Song song với các phương pháp điều trị viêm mi mắt tại nhà nói trên, bạn hãy thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bao gồm:
Dùng thuốc bôi mi mắt
Thuốc bôi mi mắt thường là thuốc mỡ có chứa kháng sinh, được dùng bôi ngoài da, có tác dụng chống viêm và nhiễm trùng. Thường thì thuốc này sẽ được bác sĩ chỉ định bôi vào viền mi mắt trước khi đi ngủ. Bạn cần tuân thủ liều dùng để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Dùng thuốc nhỏ mắt
Trong điều trị bệnh lý về mắt nói chung và bệnh viêm mi mắt nói riêng, thuốc nhỏ mắt đóng vai trò quan trọng. Có nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau, nhưng thường thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh nếu viêm mi mắt do nhiễm vi khuẩn và có hiện tượng nhiễm trùng.
Điều trị viêm mi mắt bằng thuốc nhỏ mắt
Uống kháng sinh
Trong một số trường hợp, bạn có thể được kê kháng sinh dạng uống, chẳng hạn như viêm mi mắt nặng, có thể dẫn đến biến chứng rosacea (đỏ mặt, phát ban, nổi mụn mủ,… trên mặt). Những loại thuốc được kê thường là tetracycline, minocycline hoặc doxycycline, mang lại hiệu quả điều trị trong 30 ngày hoặc hơn.
Sử dụng thuốc Corticosteroid
Trong điều trị viêm mi mắt, thuốc Corticosteroid hiếm khi được kê. Tuy nhiên, nếu như các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả như mong muốn thì bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn dùng thuốc Corticosteroid để kiểm soát bệnh và ngăn chặn các biến chứng.
4. Cách phòng ngừa viêm mi mắt
Để phòng ngừa viêm mi mắt và các bệnh lý viêm nhiễm khác tại mắt, bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp sau.
- Rửa mặt và vệ sinh mắt hàng ngày, nhất là sau khi ngủ dậy và đi ra ngoài về. Nên sử dụng nguồn nước sạch để rửa mặt và vệ sinh mắt.
- Rửa tay sạch sẽ và hạn chế tối đa việc đưa tay lên chạm, gãi hay dụi mắt.
- Cắt tỉa móng tay gọn gàng, phòng tránh móng tay bám bẩn, làm trầy xước và gây viêm nhiễm mi mắt, mắt.
- Hạn chế trang điểm cho mắt, đặc biệt là gắn mi giả cho mắt nếu bạn thuộc cơ địa dễ dị ứng, kích ứng.
- Không lạm dụng việc đeo kính áp tròng, nhất là đeo kính áp tròng qua đêm.
- Thường xuyên vệ sinh dụng cụ trang điểm và kính áp tròng.
- Bảo vệ mắt trước tác hại của tia UV, khói bụi,… bằng kính đeo kính râm, kính bảo hộ.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mặt và vật dụng cá nhân với người khác.
- Khám mắt khi mắt xuất hiện những triệu chứng bất thường nghi viêm mi mắt hoặc đau mắt đỏ.
Nếu mắt có triệu chứng nghi viêm mi mắt, cần chủ động đi khám
Trên đây là các phương pháp điều trị và phòng ngừa viêm mi mắt. Để được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về mắt, bạn có thể đến gặp bác sĩ Chuyên khoa Mắt của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giỏi cùng cơ sở vật chất hiện đại, bạn sẽ an tâm và hài lòng khi đến và sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, quý khách cũng có thể đặt lịch trước bằng cách liên hệ đến hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!