Tin tức
Xét nghiệm Aldosterol và những điều bạn cần biết
1. Đặc điểm sinh học của Aldosterol
Aldosterol là một hormon được sản xuất tại vùng cầu của vỏ thượng thận có chức năng chuyển hóa muối nước. Hệ thống Renin - Angiotensin - Aldosterol kiểm soát giải phóng Aldosterol. Khi thể tích dịch ngoại bào giảm đồng nghĩa với việc dòng máu tới thận giảm và tình trạng này sẽ kích thích thận sản xuất Renin. Renin sẽ chuyển Angiotensinogen để hình thành angiotensin I, chất này khi có sự xúc tác của Angiotensin - coverting enzym (ACE), sẽ chuyển thành Angiotensin II. Angiotensin II sẽ kích thích zona glomeruloraz trong vỏ thượng thận làm tăng sản xuất Aldosterol.
Aldosterol hoạt động trên các ống lượn xa và ống góp của nephron làm tăng tái hấp thu Natri và Clo cùng với đó nó làm tăng bài xuất Kali và Hidrogen ion. Hậu quả của tác động này là tăng khả năng giữ nước và làm tăng thể tích dịch ngoại bào. Tác động chính của sự thay đổi nồng độ Aldosterol là tham gia vào điều hòa huyết áp.
Hình 1: Sự liên quan của xét nghiệm trong việc điều hòa huyết áp.
2. Xét nghiệm Aldosterol thường được chỉ định khi nào?
Mục đích chính của việc chỉ định xét nghiệm Aldosterol là:
-
Để chẩn đoán tình trạng cường Aldosterol tiên phát hay thứ phát.
-
Để đánh giá sản xuất Aldostrerol thượng thận.
-
Để chẩn đoán phân biệt các rối loạn nước và điện giải.
Hình 2: Triệu chứng của bệnh cường Aldosterol
Cần chú ý rằng xét nghiệm chỉ có giá trị với người bệnh đã dùng chế độ ăn có lượng NaCl bình thường, nghỉ ít nhất 1 giờ và không dùng thuốc lợi tiểu trong vòng 1 tháng.
3. Xét nghiệm Aldosterol được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm thực hiện được trên cả mẫu máu và mẫu nước tiểu 24 giờ.
Đối với máu: Xét nghiệm được tiến hành trên máu tĩnh mạch được bảo quản trong ống nghiệm không có chất chống đông hoặc chống đông bằng heparin. Không nhất thiết phải yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn trước khi tiến hành lấy mẫu. Tư thế lấy máu có ảnh hưởng rất lớn đối với kết quả xét nghiệm nên trước khi tiến hành lấy mẫu cần hướng dẫn và giải thích rõ cho người bệnh về điều này.
Nếu người bệnh đang nằm viện, lấy một mẫu máu khi người bệnh ở tư thế nằm và lấy mẫu thứ 2 sau 4 tiếng khi người bệnh ở tư thế đứng và đi lại. Đối với người bệnh ngoại trú, chỉ cần lấy một mẫu máu khi người bệnh đang ở tư thế đứng nếu họ đã được yêu cầu duy trì tư thế này trong vòng 2 tiếng.
Đối với nước tiểu: Thu mẫu bệnh phẩm nước tiểu 24 giờ vào bình thu mẫu nước tiểu có chứa Acid acetic 50%. Nước tiểu cần phải được bảo quản trong tủ mát hoặc bảo quản trong đá suốt thời gian lấy mẫu. Sau khi lấy lần nước tiểu cuối cùng, lắc đều bình nước tiểu, chắt vào 1 lọ vô trùng và ghi thể tích nước tiểu 24 giờ lên ống rồi chuyển đến phòng xét nghiệm.
4. Kết quả xét nghiệm Aldosterol có ý nghĩa lâm sàng như thế nào?
Giá trị bình thường:
Đối với mẫu máu : - Tư thế đứng: 4 - 31 ng/dl (111 - 860 pmol/l).
-
Tư thế nằm: < 16 ng/dl (<444 pmol/l).
Đối với nước tiểu : 6 - 25 µg/24h (17 - 69 nmol/24h).
Aldosterol thường tăng trong các nguyên nhân:
-
Tăng sản vỏ thượng thận.
-
Các khối u biểu mô tuyến sản xuất Aldosterol (Aldosterol - Producing adenoma).
-
Hội chứng Conn (cường Aldosterol tiên phát ).
-
Cường Aldosterol thứ phát: Xơ gan cổ chướng, suy tim ứ huyết, tăng Kali máu, giảm Natri máu, giảm thể tích máu.
-
Chế độ ăn nhạt (ăn ít Natri).
-
Hội chứng thận hư.
-
Chảy máu.
-
Có thai.
-
Tình trạng stress.
-
Hội chứng Barter.
Hình 3: Hội chứng Conn.
Aldosterol giảm trong các nguyên nhân:
-
Bệnh Addison hay suy thượng thận tiên phát.
-
Tình trạng suy giảm Aldosterol kèm giảm nồng độ Renin máu.
-
Tăng sản tế bào thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia - CHA).
-
Chế độ ăn quá nhiều Natri.
-
Hạ Kali huyết.
-
Hội chứng mất muối: Ví dụ: bệnh thận kẽ.
-
Nhiễm độc thai nghén.
Các yếu tố có thể dẫn đến sai lệch kết quả như:
Chế độ ăn (khẩu phần muối), hoạt động thể lực, uống cam thảo trước khi lấy mẫu cũng có thể làm thay đổi kết quả nồng độ Aldosterol trong máu.
Sử dụng một số thuốc có thể làm tăng nồng độ Aldosterol máu như: Cortico-tropin, diazoxid, thuốc lợi tiểu, hydralazin, hidrochlorid, natri nitroprussid, thuốc ngừa thai, kali.
Một số loại thuốc có thể làm giảm nồng độ Aldosterol máu như: Fludro-cortison acetat, methy dopa, các thuốc chống viêm không phải steroid, propanolol, steroid.
5. Lợi ích của xét nghiệm Aldosterol.
Đây là một xét nghiệm cơ bản nhất trong chẩn đoán xác định tình trạng cường Aldosterol. Khi nồng độ Aldosterol trong máu trên 100 ng/dl thì xác nhận đó chính là tình trạng cường Aldosterol.
Hình 4: Tuyến thượng thận
Bác sĩ thường chỉ định cùng với kết hợp với xét nghiệm Renin máu để chẩn đoán xác định tình trạng cường Aldosterol tiên phát hay thứ phát: cường Aldosterol tiên phát gây tăng nồng độ Aldosterol máu và hoạt độ Renin máu thấp.
Hiện nay việc phòng chống dịch Covid-19 được ưu tiên hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân nhưng không phải ai cũng có nhiễm Covid-19 cũng có nguy cơ tử vong theo nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, người có bệnh nền, bệnh mãn tính, huyết áp, tim mạch, tiểu đường,... có nguy cơ tử vong cao trong khi nhiều người Việt Nam không biết bệnh của mình. Bộ Y tế khuyến cáo người trung tuổi và cao tuổi đi khám sức khỏe và kê khai y tế.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là đơn vị tiên phong trong dịch vụ lấy mẫu tại nhà mà hiện nay đây là một lựa chọn thông minh trong thời điểm phòng chống ngăn ngừa lây lan của Covid-19. Đến với dịch vụ này bạn sẽ không phải đến các cơ sở y tế giúp bạn hạn chế được việc đi lại của mình, nhân viên y tế sẽ đến tận nhà để lấy mẫu, kết quả sẽ được trả ngay tại nhà và có bác sĩ tư vấn trực tiếp qua điện thoại.
Hãy nhấc máy và gọi ngay đến số hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!