Tin tức

Ý nghĩa các chỉ số trong xét nghiệm điện giải đồ là gì?

Ngày 17/04/2020
CN Bùi Văn Thưởng - Trung tâm xét nghiệm MEDLATEC
Trong cơ thể, các chất điện giải có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng điện tích của môi trường tế bào, giúp duy trì huyết áp bình thường, điều hòa hệ tim mạch,... Xét nghiệm điện giải đồ giúp xác định tình trạng các chất điện giải, qua đó có thể nhận biết một số tình trạng bệnh, đặc biệt các bệnh lý về tim mạch.

1. Hiểu thế nào về chất điện giải?

Chất điện giải trong cơ thể là những khoáng chất và dịch mang điện tích, quan trọng nhất là các ion của Natri (Na+), Kali (K+), Clo (Cl-). Các chất điện giải được tồn tại ở dạng muối không tan, có trong máu và nước tiểu.

Trong điều kiện bình thường, khi cơ thể khỏe mạnh thì hai bên màng tế bào luôn có sự cân bằng về điện tích. Điều này giúp các hoạt động trao đổi hóa học, hoạt động cơ và các hoạt động sống khác của cơ thể được diễn ra bình thường. Khi có bất kỳ sự rối loạn làm tăng hoặc giảm nồng độ các chất điện giải sẽ khiến cơ thể bị mất cân bằng điện giải.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng điện giải có thể do tăng hoặc giảm quá nhiều chất điện giải đưa vào cơ thể thông qua ăn uống, hoặc do loại bỏ nhiều chất điện giải khỏi cơ thể mà không bổ sung kịp thời. Khi vận động nặng, co cơ, hoạt động thể lực quá sức, đổ nhiều mồ hôi,… khiến cơ thể bị mất đi các chất điện giải. Bên cạnh đó, một số bệnh lý về tim, thận, tình trạng nhiễm trùng cấp,… cũng có thể phá vỡ sự cân bằng điện tích gây ra sự rối loạn điện giải.

Hình 1: Tập luyện quá sức gây mất điện giải

Tình trạng rối loạn, mất cân bằng điện giải này sẽ tác động trực tiếp đến cơ thể, gây ra các biểu hiện như mệt mỏi, yếu cơ, nguy hiểm hơn khiến nhịp tim thất thường, co giật, nôn mửa, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Xét nghiệm điện giải đồ sẽ giúp xác định được nồng độ các chất điện giải, đồng thời xem xét khả năng cơ thể có bị rối loạn điện giải hay không.

2. Xét nghiệm điện giải đồ cần thực hiện khi nào?

Xét nghiệm điện giải đồ xác định lượng ion điện giải trong cơ thể, xem xét mức độ đó bình thường hay bất thường, cao hay thấp từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của vấn đề này đối với sức khỏe.

Khi cơ thể ở trạng thái bình thường mà có những dấu hiệu của sự rối loạn điện giải cần thực hiện xét nghiệm để đánh giá nồng độ các chất điện giải. Các dấu hiệu của cơ thể như hoa mắt chóng mặt, tim đập bất thường, tình trạng mất nước,…

Hình 2: Rối loạn điện giải gây hoa mắt chóng mặt

Trong trường hợp người bệnh có những bệnh lý về tim mạch như suy tim, tăng huyết áp hoặc các bệnh lý về gan, thận thì xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá tình trạng cấp tính hay mạn tính, theo dõi kết quả điều trị nếu như người bệnh đang dùng thuốc.

Trong các trường hợp trên cần thiết thực hiện xét nghiệm điện giải đồ để nắm bắt được tình trạng điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm thực hiện trên mẫu máu của người bệnh. Một số thuốc hoặc thực phẩm có thể ảnh hưởng đến nồng độ chất điện giải trong cơ thể nên trước khi xét nghiệm bạn cần cung cấp các thông tin tới các bác sĩ để có sự tư vấn hợp lý nhất.

3. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm điện giải đồ

Kết quả xét nghiệm điện giải đồ bao gồm nồng độ các ion Na+, K+, Cl-, HCO3- và tổng lượng CO2, qua đó đánh giá được tình trạng điện giải của cơ thể.

3.1. Nồng độ Natri trong máu

Trong điều kiện bình thường, lượng Natri (Na) trong máu là 135 - 145 mmol/L, ion này cùng tồn tại với Cl-, HCO3- chủ yếu ở dịch ngoại bào, có vai trò cân bằng nước và duy trì áp suất thẩm thấu cho dịch ngoại bào.

Natri trong máu tăng trong mất nước, đái tháo nhạt, viêm khí phế quản, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, cường aldosteron tiên phát, truyền quá nhiều dịch muối, chế độ ăn quá nhiều muối,…

Natri trong máu tăng khiến cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như khát, sút cân, tim đập nhanh, thiểu niệu, da nhão,... nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện sốt, thở sâu và nhanh, mê sảng, hôn mê,…

Natri trong máu giảm khi cơ thể bị mất Natri quá mức, trong các trường hợp như nôn, ỉa chảy, bỏng, dùng thuốc lợi tiểu,… Tình trạng này cũng gặp phải trong trường hợp truyền vào cơ thể quá nhiều dịch mà không chứa điện giải, trong các bệnh lý như xơ gan, suy tim mất bù, suy thận, suy tuyến thượng thận, hội chứng thận hư,…

Hình 3: Natri trong máu giảm khi bị tiêu chảy

Natri trong máu giảm làm cho người bệnh có triệu chứng hoa mắt, phù, huyết áp giảm, nhịp tim nhanh, niêm mạc khô, thiểu niệu, phù não, suy thận, sốc, co giật, hôn mê,…

3.2. Nồng độ Kali máu

Bình thường Kali trong máu có nồng độ 3,5 - 4,5 mmol/l, đây là ion chính ở trong tế bào, cùng một số ion khác có vai trò tạo áp suất thẩm thấu cho nội bào. Vì vậy, Kali có vai trò quan trọng trong chức năng hoạt động enzym, co cơ, dẫn truyền thần kinh và chức năng màng tế bào.

Nồng độ ion K+ trong máu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ tim, sự truyền dẫn, nhịp tim.

Kali trong máu tăng trong các bệnh lý suy thận cấp và mạn, bệnh Addison, đái tháo đường, tình trạnh truyền quá nhiều dung dịch muối ưu trương, phản ứng truyền máu, thiếu máu tan máu, tiêu cơ vân,…

Người bệnh sẽ có các triệu chứng như chướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, liệt mềm, nhịp tim chậm thậm chí ngừng tim.

Hình 4: Kali trong máu tăng gây chướng bụng

Kali trong máu giảm trong các bệnh lý thận (bệnh thận kẽ, bệnh mạch thận, ống thận, u thận chế tiết renin,…), do mất K+ (nôn, ỉa chảy, bỏng, mất quá nhiều mồ hôi, dùng thuốc thụt tháo, lợi tiểu,…), truyền dịch muối không cung cấp kali, cường Aldosteron, hội chứng Cushing,…

Điều này khiến cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ, phản xạ kém, liệt mềm, tiểu tiện đêm, giảm nhu động ruột,…

3.3. Nồng độ Clo trong máu

Nồng độ Clo trong máu bình thường ở mức 90 - 110 mmol/l. Clo là một tồn tại chủ yếu ở dịch ngoại bào, cùng với Natri duy trì tình trạng trung hòa về điện tích của tế bào. Nồng độ Clo trong máu tăng trong các trường hợp toan chuyển hóa kết hợp với ỉa chảy kéo dài gây mất natri bicarbonat, bệnh lý ống thận, kiềm hô hấp, hội chứng Cushing, suy tim, suy thận cấp, thiếu máu, đái tháo nhạt, ỉa chảy, mất nước nặng,… Clo trong máu giảm trong trường hợp nôn, bỏng, mất nhiều mồ hôi, hút dịch dạ dày, đái tháo đường, nhiễm khuẩn cấp, suy thận mạn, dùng thuốc lợi niệu, bệnh Addison, suy vỏ thượng thận,…

Ba chỉ số về Natri, Kali, Clo là ba chỉ số chính trong xét nghiệm điện giải đồ, bên cạnh chỉ số về nồng độ HCO3- và tổng lượng CO2.

4. Làm xét nghiệm điện giải đồ ở đâu?

Trung tâm Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là một trong những đơn vị thực hiện các xét nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012. Bệnh viện có hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại hàng đầu, hệ thống tự động hóa được vận hành bởi các nhân viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Các kết quả được các chuyên gia, bác sĩ nhận định, đảm bảo chính xác, tin cậy.

Hình 5: Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Thanh Xuân

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà suốt 24 năm qua. Trong thời điểm bệnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc sử dụng dịch vụ lấy mẫu tại nhà là lựa chọn hết sức hợp lý.

Đặc biệt, những người cao tuổi hay những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý về tim mạch, thận,… nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Ngoài xét nghiệm điện giải đồ thì Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC còn thực hiện nhiều xét nghiệm phù hợp trong trường hợp này.

Hãy liên hệ qua tổng đài tư vấn 1900 565656 để được các tổng đài viên hỗ trợ, đặt lịch xét nghiệm tại nhà cũng như khám chữa bệnh tại các cơ sở của MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ