Các tin tức tại MEDlatec
Viêm đại tràng co thắt ở người cao tuổi
Triệu chứng biểu hiện
Triệu chứng điển hình nhất của VĐT co thắt ở NCT là đau bụng. Triệu chứng này rất đa dạng, có thể đau sau ăn, có thể đau khi ăn no, đặc biệt là đau sau khi ăn một số thức ăn lạ, chua, cay, lạnh, rau sống, tiết canh… Đau là nỗi ám ảnh của hầu hết NCT bị VĐT co thắt, do đó không dám ăn những thức ăn có dạng như vậy. VĐT co thắt thường đau vùng bụng ở dưới rốn, đau quặn, ợ hơi, đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu (dễ nhầm với đau dạ dày). Hầu hết người bệnh sẽ hết cơn đau bụng sau khi đi đại tiện. Tuy vậy, cũng có nhiều NCT VĐT co thắt mạn tính thì vừa đi ngoài xong đã xuất hiện cơn đau quặn bụng khác muốn đi ngoài tiếp. VĐT co thắt kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cho nên người bệnh thường gầy yếu, xanh xao, thậm chí bị suy kiệt do thiếu chất dinh dưỡng, do thiếu nước và chất điện giải, thêm vào đó là nỗi buồn phiền lo lắng về bệnh tật.
Một số yếu tố kích thích cơn đau là thần kinh căng thẳng, stress, uống rượu, bia, ăn chua cay... Người bị bệnh VĐT co thắt bị ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống (không thoải mái, kiêng khem quá mức, hay cáu gắt hoặc hay nổi nóng, lúc nào cũng lo đến bệnh tật của mình).
Nguyên nhân của VĐT co thắt ở NCT
Nguyên nhân gây nên bệnh VĐT co thắt rất đa dạng hoặc là do viêm đường ruột bởi ăn uống phải thức ăn không hợp vệ sinh. Ví dụ như trong thức ăn có vi khuẩn thương hàn gây bệnh, vi khuẩn lỵ hoặc lỵ amíp; do rối loạn nhu động ruột; do dùng quá nhiều kháng sinh đường ruột gây loạn khuẩn (phân thường xuyên sống, lúc lỏng, lúc sệt, lúc rắn…); hoặc do rối loạn tâm thần, sang chấn tâm thần… Có nhiều người bệnh khi được hỏi về các yếu tố có liên quan đến bệnh VĐT co thắt thì người bệnh cũng không thể nhớ được mình mắc bệnh vì nguyên nhân gì là chính.
Chẩn đoán VĐT co thắt ở NCT
Việc chẩn đoán VĐT co thắt khá phức tạp, do đánh giá của từng thầy thuốc mà có các chỉ định xét nghiệm khác nhau và còn tùy thuộc vào trang thiết bị của từng phòng xét nghiệm. Nếu nghi loạn khuẩn có thể cho xét nghiệm vi khuẩn chí. Xét nghiệm vi khuẩn chỉ là một công việc khá phức tạp không phải phòng xét nghiệm vi sinh y học nào cũng thực hiện được, bởi vì nó đòi hỏi các trang thiết bị cần thiết và đầy đủ cho việc chẩn đoán vi sinh. Xét nghiệm vi khuẩn chí đường ruột người ta sẽ cho biết tỷ lệ vi khuẩn Gram dương và tỷ lệ vi khuẩn Gram âm có trong đường ruột (trong phân lấy xét nghiệm) khi tỷ lệ này thay đổi có nghĩa là bị loạn khuẩn. Nếu nghi do bị giun, người ta sẽ soi phân qua kính hiển vi quang học để tìm các loại trứng giun, sán; nếu VĐT với lý do khác có thể cho chụp khung đại tràng có thuốc cản quang và nếu có điều kiện thì có thể tiến hành nội oi đại tràng để đánh giá tình trạng của niêm mạc đại tràng xem có u, polyp, viêm - loét hay không… Khi nội soi đại tràng, nếu có u hoặc loét, bác sĩ nội soi sẽ tiến hành sinh thiết xác định lành tính hay ác tính.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Muốn điều trị và phòng bệnh tốt cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt, nhất là khám ở chuyên khoa tiêu hóa để xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm ngay từ đầu không để bệnh trở thành mạn tính. Cần vệ sinh an toàn thực phẩm tốt từ khâu sản xuất, bảo quản đến khâu chế biến phải đảm bảo vệ sinh. Những loại thức ăn nào dễ gây VĐT co thắt thì cần tránh dùng hoặc dùng rất hạn chế. Không nên lạm dụng gia vị, rượu, bia, chua, cay trong các bữa ăn cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Không ăn các loại thực phẩm còn tươi, sống (rau sống, nem chua, nem chạo, tiết canh, lòng lợn, gỏi cá…). Cần vệ sinh môi trường sống luôn sạch, đẹp. Tinh thần luôn thoải mái, không nên quá lo lắng về bệnh của mình. Nên tập thể dục đều đặn với các hình thức phù hợp với bản thân mình và dễ thực hiện nhất.
Theo Sức khỏe và đời sống
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!