Các tin tức tại MEDlatec

3 cách tẩy da chết môi tại nhà siêu đơn giản ai cũng làm được

Ngày 12/11/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Da chết chính là nguyên nhân khiến cho đôi môi của bạn thô ráp, sần sùi và kém duyên. Vì thế, đừng bỏ qua bước tẩy da chết môi định kỳ để bản thân tự tin hơn trong mắt người khác giới. 

1. Lý do khiến bạn cần tẩy da chết môi?

Không chỉ da cơ thể mà da ở đôi môi cũng có chu kỳ tái tạo liên tục, khi lớp da mới được tạo ra thay thế cho da cũ chết đi, dần dần bong ra. Đây chính là da chết trên môi, khi sờ vào sẽ thấy môi thô ráp, bóc được từng lớp vảy.

Môi khô ráp, sần sùi là do da chết không được loại bỏ đúng cách

Quá trình bong ra chết ở môi xảy ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể. Ví dụ khi nội tiết tố cơ thể thay đổi, thiếu nước và Vitamin, da chết sẽ tạo ra nhiều hơn. Khi tiếp xúc với tia UV, khói bụi hay ô nhiễm, da môi cũng cảm nhận được sần sùi và sẫm màu hơn. Như vậy, việc loại bỏ da chết ở môi là cần thiết, giúp:

- Giúp cho đôi môi trở nên mịn màng, hồng hào, mọng nước và mềm mại hơn. Đây chính là đôi môi mà nhiều chị em mong ước.

- Là nền tảng để các dưỡng chất chăm sóc môi sau đó có thể thẩm thấu sâu, đạt hiệu quả cao nhất.

- Giúp tăng lưu thông máu, tăng cường sức khỏe cho làn da, giảm khô môi, nứt môi chảy máu mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là mùa hanh khô

Với vai trò quan trọng này, các chuyên gia da liễu khuyến khích các bạn nên áp dụng biện pháp tẩy da chết môi ít nhất 1 lần mỗi tuần, tăng lên 2 - 3 lần khi trời khô lạnh hoặc môi tiếp xúc nhiều với yếu tố gây hại.

Cần tẩy da chết trên môi 1 - 3 lần mỗi tuần

Nếu như tẩy da chết cho mặt hay toàn thân thường tốn khá nhiều thời gian thì vùng da môi rất nhỏ, bạn chỉ mất 2 - 3 phút để thực hiện công việc này. Vì thế hãy tạo cho mình thói quen vào buổi tối, sau khi đánh răng và tẩy da chết môi để đôi môi luôn xinh đẹp, quyến rũ.

2. Những cách tẩy da chết môi hiệu quả

Thực tế việc tẩy da chết môi khá đơn giản, bạn có thể thực hiện ngay tại nhà với những phương pháp sau:

2.1. Tẩy da chết môi bằng phương pháp cơ học

Khăn mềm hay bàn chải đánh răng với đầu cọ mềm hoàn toàn có thể sử dụng như một công cụ tẩy da chết cho môi nhanh chóng và đắc lực.

Cách thực hiện rất đơn giản như sau:

Tẩy da chết bằng bàn chải đánh răng

Sử dụng loại bàn chải đánh răng đầu mềm, chà xát nhẹ nhàng trên môi để lấy và loại bỏ lớp da chết phía ngoài. Để tránh gây tổn thương môi, nên bôi Vaseline, son dưỡng hoặc thuốc mỡ trước đó.

Dùng khăn mềm

Khăn mềm được ưu tiên sử dụng hơn so với bàn chải đánh răng trong việc tẩy da chết môi bởi công cụ này lành tính, ít gây tổn thương cho da môi nhạy cảm hơn. Trước đó, bạn cần làm mềm khăn bằng nước ấm để không gây cảm giác đau rát môi.

Lưu ý khi áp dụng những phương pháp tẩy da chết này, công cụ cần được làm sạch, sát khuẩn và mềm mại vì vùng da môi rất mỏng, dễ bị kích ứng và tổn thương.

Dùng dụng cụ tẩy da chết có thể gây tổn thương môi

2.2. Tẩy da chết bằng những nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm

Những nguyên liệu rất dễ tìm kiếm dưới đây bạn có thể sử dụng để loại bỏ da chết cho môi rất nhanh chóng lại hiệu quả.

Dùng kem đánh răng

Bạn bôi một lớp mỏng kem đánh răng lên môi, sau đó dùng bàn chải đánh răng chà xát nhẹ nhàng. Sau khoảng 1 - 2 phút thì rửa sạch môi với nước ấm, dùng khăn lau khô. Sau đó môi thường bị khô nên hay thoa ngay một lớp dầu oliu, kem dưỡng để cấp ẩm.

Dùng đường

Đường là loại gia vị hấp dẫn trong nhiều loại thực phẩm, hơn nữa nó cũng được sử dụng để tẩy da chết cho các vùng da cơ thể, trong đó có đôi môi. Có nhiều cách kết hợp để tẩy da chết môi với đường, bạn có thể tham khảo như:

Đường và mật ong

Đường chà xát nhẹ trên môi giúp lấy đi lớp da chết, còn mật ong cấp nhiều dưỡng chất giúp dưỡng ẩm, phục hồi da tuyệt vời. Chính vì thế, hỗn hợp đường và mật ong là công thức tẩy da chết môi được nhiều người ưa thích để có một đôi môi mềm mịn đầy sức sống.

Bạn trộn đều mật ong với đường và bôi thành lớp trên môi, chà xát hỗn hợp nhẹ nhàng trên môi. Có thể rửa sạch hoặc để lưu hỗn hợp trên môi qua đêm đều được.

Những hạt đường nhỏ sẽ tẩy sạch da chết trên môi

Đường và dầu ô liu

Nếu môi bạn đang bị xỉn màu do sử dụng nhiều son hay dưỡng môi có màu, hãy áp dụng phương pháp tẩy da chết với dầu ô liu và đường để khắc phục. Hỗn hợp được tạo từ ½ thìa cafe dầu ô liu với ½ thìa đường, trộn đều rồi chà nhẹ trên môi để loại bỏ da chết.

Đường và dầu Jojoba

Phương pháp tẩy da chết này phù hợp sử dụng cho mùa đông vì giúp giải quyết hiệu quả hơn vấn đề thâm, nẻ hay khô môi. Hơn nữa, bạn có thể pha chế đường với dầu Jojoba trong một hũ lớn, bảo quản sử dụng nhiều lần rất tiện lợi.

Sử dụng Baking soda

Baking Soda là loại nguyên liệu được sử dụng trong làm bánh, chúng có tính tẩy nhẹ nên cũng được dụng để tẩy da chết cho môi. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, bạn trộn ½ thìa cà phê baking soda với nước để tạo thành hỗn hợp sệt. Đắp hỗn hợp này lên môi, sau đó chà nhẹ nhàng và sửa sạch lại bằng nước ấm.

Baking soda giúp tẩy da chết cho môi rất hiệu quả nhưng tính tẩy nhẹ có thể gây kích ứng nếu da môi bạn nhạy cảm. Do đó nếu gặp phải dấu hiệu bất thường, nên ngưng sử dụng ngay lập tức và tới cơ sở y tế để được điều trị.

2.3. Tẩy da chết môi bằng mỹ phẩm

Ngoài những phương pháp tẩy da chết môi tại nhà trên, bạn có thể tiết kiệm thời gian bằng cách dùng mỹ phẩm có công dụng này bán trên thị trường. Sản phẩm này rất đa dạng, giá thành cũng tương đối phù hợp nên có thể sử dụng nhiều lần.

Dù lựa chọn phương pháp nào, khi tẩy da chết cho môi bạn cũng cần lưu ý không nên lạm dụng, nên thực hiện từ 1 - 2 lần mỗi tuần để tránh trường hợp da bị bào mòn và mất cân bằng. Sau khi tẩy da chết môi, vùng da này thường bị khô và mất lớp bảo vệ, vì thế cần thoa kem dưỡng ẩm ngay lập tức để kích thích tái tạo và nuôi dưỡng da.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.