Các tin tức tại MEDlatec
Bật mí giúp mẹ bầu cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ hiệu quả
- 06/01/2025 | Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở tuần bao nhiêu mang lại hiệu quả?
- 09/01/2025 | Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ hết bao nhiêu tiền và các yếu tố ảnh hưởng đến giá
- 08/07/2025 | Bị tiểu đường thai kỳ uống nước dừa được không và mẹ bầu cần chú ý gì về chế độ ăn?
1. Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết cao bất thường, lần đầu tiên được chẩn đoán trong thai kỳ ở những phụ nữ trước đó chưa từng mắc bệnh tiểu đường. Tình trạng này thường phát triển trong khoảng tuần 24 – 28 của thai kỳ và thường biến mất sau khi sinh, tuy nhiên một số trường hợp tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 sau này.
Tiểu đường thai kỳ thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua các lần khám thai định kỳ, đặc biệt khi có dấu hiệu của bệnh tiểu đường, bao gồm:
- Mệt mỏi;
- Thị lực suy giảm;
- Khát nước liên tục;
- Đi tiểu nhiều lần;
- Ngáy khi ngủ;
- Tăng cân quá nhanh.
Triệu chứng mờ nhạt của tiểu đường thai kỳ khiến nhiều thai phụ dễ dàng bỏ qua
Sự thay đổi của các hormone trong quá trình mang thai là nguyên nhân chính gây tiểu đường thai kỳ. Các hormone này cũng có thể làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể mẹ với insulin – hormone chịu trách nhiệm đưa đường từ máu vào các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng, được gọi là kháng insulin.
Bên cạnh các yếu tố nội tiết, còn tồn tại nhiều nguyên nhân khác góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin: Khi nhu cầu insulin tăng cao trong thai kỳ mà tuyến tụy không đáp ứng đủ, dẫn đến tăng đường huyết;
- Tiền sử gia đình mắc Tiểu đường: Điều này làm tăng khả năng phát triển bệnh;
- Thừa cân hoặc béo phì: Chỉ số BMI trên 25 trước khi mang thai được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng;
- Tiền sử sinh con với trọng lượng lớn: Phụ nữ có tiền sử sinh con nặng trên 4kg thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
2. Mức độ nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ
Nếu không được kiểm soát hiệu quả, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với mẹ và em bé.
Đối với mẹ bầu
- Tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, cao huyết áp, đột quỵ;
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ;
- Tăng nguy cơ sinh non;
- Mẹ bầu có thể phải sinh mổ do thai to, bất thường ở ngôi thai;
- Phụ nữ từng bị tiểu đường thai kỳ có khả năng cao mắc tiểu đường type 2 sau khi sinh.
Tiểu đường thai kỳ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe sản phụ và thai nhi
Đối với thai nhi
- Thai nhi có nguy cơ phát triển quá mức, dẫn đến khó khăn trong quá trình sinh nở;
- Trẻ sinh ra có thể bị hạ đường huyết do mức insulin trong máu cao;
- Trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý chuyển hóa;
- Vàng da, suy hô hấp…
Chính vậy, hiểu rõ và chủ động áp dụng các cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
3. Phòng tránh tiểu đường bằng cách nào?
Dưới đây là những cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ hiệu quả mà mẹ bầu cần quan tâm
Duy trì cân nặng hợp lý
Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên đạt được cân nặng lý tưởng trước khi thụ thai. Trong thai kỳ, cần kiểm soát tăng cân theo khuyến nghị của bác sĩ..
Chế độ ăn uống lành mạnh
- Tránh xa các loại đồ uống có đường (nước ngọt, trà sữa), bánh kẹo, đồ ngọt, và các loại tinh bột trắng đã qua chế biến (bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống);
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu;
- Bổ sung protein từ thịt nạc, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo, đậu phụ, các loại hạt. Protein giúp ổn định đường huyết và cung cấp năng lượng;
- Ưu tiên chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa. Tuyệt đối không sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán vì chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa;
- Thay vì ăn 3 bữa chính lớn, bạn nên chia thành 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày để giữ ổn định đường huyết và ngăn ngừa đường huyết tăng đột ngột sau mỗi bữa ăn.
Duy trì vận động
Thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần sẽ hỗ trợ tăng cường độ nhạy insulin và ổn định đường huyết.
Tập thể dục là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để cải thiện độ nhạy insulin và kiểm soát đường huyết.
Khám thai định kỳ và sàng lọc tiểu đường thai kỳ
- Khám thai định kỳ: Việc khám thai định kỳ là cực kỳ quan trọng để bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào;
- Sàng lọc tiểu đường thai kỳ: Tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến nghị thực hiện xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ, thường là vào tuần 24 – 28 của thai kỳ (hoặc sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ cao).
Ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hòa đường huyết của cơ thể;
- Giảm căng thẳng: Hãy tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng thông qua các hoạt động như thiền, yoga, nghe nhạc hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân.
Tiểu đường thai kỳ là một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể quản lý hiệu quả nếu được phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Phụ nữ mang thai nên duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn để giảm nguy cơ mắc bệnh, đảm bảo một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
Nếu mẹ bầu cần giải đáp các thông tin có liên quan hoặc có nhu cầu khám thai định kỳ, có thể liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!