Các tin tức tại MEDlatec

Bé sơ sinh thở nhanh có nguy hiểm không và khi nào cần đi khám?

Ngày 31/12/2023
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bé sơ sinh thở nhanh là biểu hiện khá phổ biến nhưng cũng là nỗi lo lắng, băn khoăn của không ít ba mẹ. Vậy bé thở nhanh khi nào là bình thường và khi nào là bất thường? Bài viết sau đây của MEDLATEC sẽ giúp ba mẹ hiểu hơn về tình trạng này của bé.

1. Nhịp thở bình thường của bé sơ sinh

Theo nghiên cứu khoa học, bé sơ sinh từ 0 - 12 tháng tuổi thường có tốc độ nhịp thở nhanh hơn người lớn hoặc trẻ em. Điều này được lý giải do cấu trúc phổi của bé sơ sinh khá nhỏ, thành ngực mềm, đường thở nhỏ đồng thời chủ yếu thở bằng mũi dẫn đến tốc độ thở sẽ nhanh hơn. Đây là hiện tượng không đáng lo ngại nếu trẻ có tốc độ thở ở trạng thái ngủ hoặc nghỉ ngơi theo giai đoạn như sau:

●       Từ 0 - 6 tháng tuổi: 30 - 60 nhịp/phút.

●       Từ 6 - 12 tháng: 24 - 30 nhịp/phút.

Nhịp thở của bé sơ sinh thường nhanh hơn người lớn và trẻ trên 1 tuổi

Giữa các nhịp thở của trẻ thường cách nhau khoảng khoảng 10 giây. Bé sơ sinh thở nhanh bất thường là khi nhịp thở của của bé vượt quá 40 nhịp/phút và khoảng cách giữa các nhịp ngắn hơn 10 giây.

2. Hướng dẫn ba mẹ kiểm tra nhịp thở của bé sơ sinh

Để kiểm tra chính xác nhịp thở của bé sơ sinh, bố mẹ nên chọn thời điểm bé đang ngủ hoặc nằm yên, các bước cụ thể như sau:

●       Bước 1: Vén áo để lộ phần bụng và ngực của bé.

●       Bước 2: Đặt tay nhẹ nhàng lên vùng bụng và theo dõi nhịp thở. Khi bé hít vào thở ra thì là 1 nhịp thở, lúc này, ngực của bé cũng sẽ nhấp nhô theo từng nhịp thở.

●       Bước 3: Thực hiện đếm nhịp thở trong vòng 60 giây. Bé sơ sinh nhịp thở thường không đều vì thế nên thực hiện 2 - 3 lần và sai số nhịp thở giữa các lần không quá 15%.

Lưu ý, trước khi kiểm tra nhịp thở của bé, phụ huynh nên vệ sinh tay sạch sẽ và làm ấm tay bằng cách chà xát, thoa dầu hoặc đắp khăn nóng. Điều này sẽ giúp hạn chế làm bé bị giật mình và tạo cảm giác dễ chịu hơn.

3. Bé sơ sinh thở nhanh có nguy hiểm không?

Bé sơ sinh thở nhanh có nguy hiểm không là câu hỏi luôn được nhiều phụ huynh quan tâm, băn khoăn. Có thể thấy, trẻ sơ sinh có nhịp thở nhanh hơn người lớn và nếu nhịp thở vẫn ở trong mức từ 30 - 60 nhịp/phút đối với bé từ dưới 6 tháng tuổi,  24 - 30 nhịp/phút với bé từ 6 - 12 tháng tuổi thì hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nếu bé sơ sinh thở nhanh đi kèm các triệu chứng khác như:

-         Khò khè.

-         Ho sâu, ho khan liên tục.

-         Mũi, họng có dịch nhầy

-         Có dấu hiệu thở gấp và rút lõm lồng ngực (lồng ngực lõm sâu khi hít thở)

Thì đây có thể là cảnh báo trẻ gặp vấn đề về đường hô hấp. Một số trường hợp bé thở nhanh là biểu hiện của bệnh viêm phổi, nhiễm trùng phổi. viêm phế quản, hen suyễn,...

Bé sơ sinh thở nhanh có vấn đề khi trên 40 nhịp/phút kèm các triệu chứng hô hấp

4. Khi nào cần đưa bé đến bác sĩ thăm khám?

Mặc dù bé sơ sinh thở nhanh khá phổ biến, tuy nhiên bố mẹ không được chủ quan, lơ là vì có thể khiến bé gặp các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Vì thế, nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị kịp thời khi thấy có các dấu hiệu dưới đây đi kèm với nhịp thở bất thường:

●       Trẻ khó thở, cánh mũi nở liên tục để hít thở.

●       Cơ thể tím tái, tay chân bủn rủn.

●       Trẻ khó chịu, quấy khóc.

●       Sốt cao trên 38 độ C.

●       Kèm dấu hiệu ho liên tục.

●       Bé phản ứng kém khi bố mẹ gọi.

●       Thở nhanh trên 40 nhịp/phút.

●       Trẻ có dấu hiệu ngừng thở đột ngột trên 10 giây.

●       Bé chán ăn hoặc nôn ói sau khi ăn.

●       Vùng da môi, móng tay, móng chân chuyển sang màu tím,...

Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay khi bé thở nhanh kèm triệu chứng về hô hấp

5. Cách chăm sóc bé sơ sinh thở nhanh

Khi bé sơ sinh thở nhanh, bố mẹ nên lưu ý theo dõi sức khỏe, chăm sóc bé đúng cách để phát hiện và xử trí kịp thời khi có bất thường.

5.1. Theo dõi sức khỏe của bé sát sao

Bố mẹ nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của bé sơ sinh ngoài các đợt khám định kỳ tại bệnh viện. Hàng ngày, bố mẹ nên kiểm tra nhịp thở khi ngủ của bé ít nhất từ 2 - 3 lần để đảm bảo trẻ không gặp bất thường hoặc phát hiện sớm khi có dấu hiệu thở nhanh.

Thường xuyên kiểm tra nhịp thở khi ngủ của bé sơ sinh thở nhanh

Đồng thời, ba mẹ nên ghi chú số nhịp thở đã theo dõi tại nhà và thông báo cho bác sĩ trong trường hợp cần thiết. Ngoài đếm nhịp thở, bố mẹ cần theo dõi bé có biểu hiện lạ như chán ăn hoặc thường xuyên quấy khóc hay khò khè, khó thở, thở mạnh khi ngủ không.

5.2. Vệ sinh mũi họng hàng ngày

Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho bé đóng vai trò quan trọng để giúp phòng tránh các bệnh về đường hô hấp. Ba mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lý chuyên dụng vào mũi của bé sơ sinh từ 1 - 2 giọt để làm sạch dịch nhầy. Tuy nhiên, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho bé.

5.3. Giữ ấm cơ thể cho bé

Cơ thể bé sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện và khá nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài. Vì thế, việc giữ ấm cơ thể sẽ giúp bé tránh được các tác nhân gây bệnh hô hấp. Một số cách đơn giản giúp giữ ấm cho bé như:

●       Quấn khăn khi bé ngủ để tránh nhiễm lạnh.

●       Tắm cho bé bằng nước ấm và chọn thời gian tắm từ 9h sáng đến 15h chiều.

●       Không nên đặt bé ngủ tại vị trí có hướng gió máy lạnh, quạt thổi trực tiếp .

●       Thoa dầu ấm ở vùng bụng, lòng bàn tay, lòng bàn chân.

●       Đội mũ mềm, đeo vớ tay, chân cho bé, nhất là khi bé ngủ.

●       Thường xuyên massage cơ thể con để trẻ cảm thấy dễ chịu.

Bố mẹ cũng cần lưu ý không được giữ ấm bé quá mức sẽ khiến cơ thể bé khó chịu và đặc biệt nên để bé thoáng mát khi cơ thể có dấu hiệu sốt để toả nhiệt.

Bé sơ sinh cần được giữ ấm cơ thể để bảo vệ sức khoẻ

5.4. Đảm bảo ngủ đủ giấc

Ngủ là lúc cơ thể bé nghỉ ngơi và phát triển, vì thế bố mẹ nên đảm bảo bé có giấc ngủ ngon, sâu và đủ giấc. Nếu trẻ thiếu ngủ hoặc giấc ngủ gián đoạn sẽ làm cơ thể mệt mỏi từ đó hệ miễn dịch, sức đề kháng của bé cũng bị ảnh hưởng. Điều này dễ khiến bé mắc bệnh đường hô hấp.

Có thể thấy bé sơ sinh thở nhanh là dấu hiệu bình thường tuy nhiên nếu nhịp thở của bé vượt quá mức bình thường đi kèm với đó là các biểu hiện lạ thì bố mẹ cần đặc biệt lưu ý, cho bé đi thăm khám sớm. Một địa chỉ y tế ba mẹ có thể tham khảo và lựa chọn là chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách có thể đặt lịch khám trước bằng cách liên hệ hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tư vấn kỹ hơn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.