Tin tức

Bé sơ sinh bị sôi bụng kèm nôn trớ là dấu hiệu của bệnh gì?

Ngày 06/02/2023
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Bé sơ sinh bị sôi bụng kèm theo triệu chứng nôn trớ là tình trạng xảy ra khá phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù chưa đến mức nguy hiểm nhưng hiện tượng này thường khiến trẻ quấy khóc vì khó chịu, nó cũng có thể kèm theo triệu chứng ở đường tiêu hóa khác như tiêu chảy. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm thế nào để khắc phục? Hãy cùng tìm hiểu qua những phân tích dưới đây nhé!

1. Bé sơ sinh bị sôi bụng và nôn trớ do vấn đề về tiêu hóa 

Tương tự như người lớn, biểu hiện sôi bụng ở trẻ là những âm thanh như tiếng ọc ọc, ùng ục và khiến cha mẹ lầm tưởng rằng chúng xuất phát từ dạ dày. Nhưng thực tế tiếng sôi bụng lại bắt nguồn từ cơ quan ruột non và ruột già của bé.

Khi thức ăn đi đến hệ tiêu hóa sẽ được các cơ quan tại đây đưa đẩy, nhào trộn. Lúc này các cơ thành ruột sẽ thực hiện co bóp, di chuyển thức ăn cùng chất khí dẫn đến những tiếng sôi bụng. Lực đẩy này càng mạnh thì âm thanh ọc ọc sẽ càng lớn.

Nguyên nhân khiến trẻ hay bị ọc trớ sữa có thể là do dạ dày của các em bé sơ sinh còn rất nhỏ, dung tích chỉ tầm 5 - 7ml. Ngoài ra dạ dày chưa nằm theo phương thẳng đứng như của người lớn mà là nằm ngang nên khi sữa và thức ăn đi vào dạ dày của bé rất dễ bị trào ngược lên thực quản.

Bé sơ sinh bị sôi bụng và ọc trớ sữa là tình trạng rất phổ biến

Bé sơ sinh bị sôi bụng và ọc trớ sữa là tình trạng rất phổ biến

Đây cũng chỉ là trạng thái sinh lý bình thường không đáng lo ngại nhưng nếu trẻ có tiếng sôi bụng kêu to, kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như trẻ bị đầy hơi, nôn trớ nhiều, quấy khóc, bỏ bú hoặc tiêu chảy thì chính là biểu hiện cảnh báo bệnh lý nào đó, ví dụ như bệnh nhiễm trùng hay rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Những bệnh lý này thường là do:

  • Hệ miễn dịch của trẻ những năm đầu đời còn rất yếu, vì thế sẽ dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công. Nếu trẻ sử dụng các loại đồ dùng như núm vú, bình sữa không được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên cho tay và đồ chơi vào miệng thì có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn đường ruột;

  • Có tới 60 - 70% tế bào miễn dịch phân bố ở ruột. Nếu cơ quan này gặp tổn thương thì sẽ làm suy giảm sức đề kháng của trẻ và dẫn tới những bệnh lý khác, trong đó có nôn trớ và sốt.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi, đồ dùng hàng ngày của trẻ. Thêm vào đó hãy dùng men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột bé. Điều này sẽ giúp hạn chế những vi khuẩn có hại và giảm thiểu triệu chứng sôi bụng, nôn trớ cho trẻ.

2. Trẻ bị ọc trớ sữa và sôi bụng do sai lầm trong cách chăm sóc

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa, một số nguyên nhân xuất phát từ sai lầm trong cách chăm sóc bé hàng ngày cũng có thể dẫn đến tình trạng sôi bụng và trớ sữa ở trẻ. Cụ thể:

Trẻ ăn quá no

Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý sợ con đói nên luôn muốn con ăn thật nhiều, thật no, cho trẻ bú liên tục quá nhu cầu khiến trẻ bị nôn trớ và sôi bụng. Để khắc phục điều này, mẹ nên tham khảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo từng tháng tuổi để ước tính khẩu phần sữa mỗi cữ cho bé.

Cho bé bú sai cách

Dưới đây là những sai lầm phổ biến của nhiều bậc cha mẹ khi cho trẻ sơ sinh bú khiến dạ dày tích tụ quá nhiều khí gây sôi bụng và ọc trớ sữa:

  • Thao tác khi nguấy sữa quá mạnh tạo nhiều bọt khí, trẻ nuốt vào bụng sẽ có âm thanh ùng ục;

  • Núm vú bình không phù hợp với tháng tuổi của bé - chảy quá nhanh hoặc quá chậm;

  • Trẻ ngậm ti không đúng khớp cắn dẫn đến việc nuốt quá nhiều không khí vào dạ dày.

Bé sơ sinh bị sôi bụng có thể là do mẹ cho bé bú không đúng tư thế

Bé sơ sinh bị sôi bụng có thể là do mẹ cho bé bú không đúng tư thế

Như vậy các mẹ cần lưu ý cho trẻ ngậm hết quầng vú hoặc đầu ti ở bình sữa khi bú. Sau khi ăn xong hãy từ từ nâng trẻ lên và vỗ ợ hơi cho bé để tống bớt không khí thừa trong bụng của trẻ. 

Đặt bé nằm ngay sau khi ăn

Ngay cả khi người lớn chúng ta sau khi ăn no xong mà nằm xuống thì cũng sẽ dễ bị trào ngược và ì ạch bụng, trẻ sơ sinh cũng vậy. Mẹ hãy đặt bé nằm ngửa và nhẹ nhàng mát xa bụng cho bé, kết hợp với nắm 2 chân bé làm động tác đưa vào bụng và đẩy ra (giống như động tác đạp xe đạp). 

Cách xử trí khi bé sơ sinh bị sôi bụng và nôn trớ đó là:

  • Đặt nghiêng đầu bé sang một bên để tránh trường hợp sữa trẻ ọc ra gây bít tắc đường thở của trẻ. Nhanh chóng thấm sữa ở vùng miệng và mũi cho bé bằng khăn xô. Sau đó bế trẻ lên, vỗ nhẹ vào lưng trẻ và vỗ về, trấn an bé;

  • Thay quần áo cho bé nếu bị ướt để trẻ không bị lạnh;

  • Không nên cho bé ti ngay sau khi bị nôn trớ mà hãy đợi khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau hẵng cho trẻ ăn lại.

Trẻ bị sôi bụng nôn trớ do chế độ ăn của mẹ

Điều này thường xảy ra đối với những trẻ bú mẹ. Mẹ ăn gì thì bé cũng sẽ tiếp nhận những dưỡng chất ấy qua dòng sữa mẹ. Nếu mẹ ăn quá nhiều đồ ngọt, chất béo, mỡ động vật, tinh bột, sử dụng chất kích thích,... thì sẽ khiến trẻ bị sôi bụng và nôn trớ vì hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu, chưa thể dung nạp được những chất này.

Khi đó mẹ nên có sự điều chỉnh trong khẩu phần ăn hàng ngày, bằng cách giảm lượng tinh bột, ăn nhiều thịt, rau xanh, các loại trái cây trung tính (không quá chua, không quá ngọt),...

3. Bé sơ sinh bị sôi bụng do sữa công thức

Đối với những trẻ sơ sinh dùng sữa công thức thì tình trạng sôi bụng cũng không phải là hiếm. Đa phần là do trẻ bị bất dung nạp đường lactose có trong sữa, bên cạnh triệu chứng sôi bụng trẻ có thể bị tiêu chảy và hăm mông. 

Nếu nguyên nhân khiến trẻ bị sôi bụng là do sữa công thức, mẹ có thể chuyển sang loại sữa free lactose - tức là trong thành phần sữa không chứa loại đường này. Ngoài ra việc bé bị bất dung nạp lactose còn có thể khiến trẻ bị loạn khuẩn ruột, mẹ có thể bổ sung thêm men vi sinh cho bé để làm tăng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa của trẻ.

Hãy kiểm tra lại thành phần sữa công thức và biểu hiện của trẻ nếu bé bị sôi bụng do sữa

Hãy kiểm tra lại thành phần sữa công thức và biểu hiện của trẻ nếu bé bị sôi bụng do sữa

Phần lớn các trường hợp bé sơ sinh bị sôi bụng và nôn trớ đều không quá nguy hiểm. Nhưng cha mẹ  cũng cần phải chú ý theo dõi các biểu hiện ở trẻ, nếu bé quấy khóc thường xuyên, sụt cân, tiêu chảy và kèm theo đó là những biểu hiện khác thì hãy đưa trẻ đi khám để được kiểm tra và hướng dẫn điều trị hợp lý.

Nếu quý bậc phụ huynh đang có nhu cầu cho trẻ đi khám và tư vấn, hãy đến với Chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. 

Các bậc cha mẹ có thể liên hệ đặt lịch khám qua hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được tổng đài viên hỗ trợ ngay hôm nay các mẹ nhé!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.