Tin tức

Hướng dẫn cách chăm sóc cơ bản cho em bé sơ sinh

Ngày 01/02/2024
Lương Thanh Thủy
Chăm sóc em bé sơ sinh là niềm hạnh phúc nhưng đây cũng là một quá trình gây nên nhiều lúng túng cho các bậc cha mẹ, nhất là người mới sinh con lần đầu. Biết được các thao tác chăm sóc cơ bản sẽ giúp mẹ có được tâm thế tự tin hơn để bắt đầu quãng thời gian đáng nhớ này.

1. Cách bế em bé sơ sinh sau khi chào đời

Trước khi bế bé, bạn hãy nói để bé biết rằng bé sẽ được bế lên. Sau đó, hãy nhìn vào mặt bé và trò chuyện nhẹ nhàng, đưa hai tay luồn xuống dưới đầu, vai và lưng của bé có các điểm tựa vững chắc và bế bé lên. Khi bạn có được một tư thế bế thoải mái, chắc chắn, bé sẽ có cảm giác an toàn, không bị giật mình và cảm thấy dễ chịu.

Mỗi em bé sơ sinh sẽ cảm thấy dễ chịu với một tư thế bế khác nhau. Những lần đầu, bạn thường cảm thấy lúng túng nhưng khi đã có thời gian làm quen, bạn sẽ thao tác dễ dàng và nhận ra tư thế bế mà bé thích nhất.

Được bế trong tư thế yêu thích giúp em bé sơ sinh có cảm giác thoải mái, dễ chịu

Được bế trong tư thế yêu thích giúp em bé sơ sinh có cảm giác thoải mái, dễ chịu

2. Chăm sóc em bé trong khi bú và ngủ

2.1. Cho bé bú

Trẻ được khuyến khích nên cho bú mẹ sau sinh càng sớm càng tốt. Việc tiếp nhận những giọt sữa non đầu tiên của mẹ giúp trẻ nhận được nguồn dưỡng chất quý giá cho hệ miễn dịch và hoạt động mượt mà của đường tiêu hóa.

- Tư thế bú

Mẹ cần chọn được tư thế bú đem lại sự thoải mái cho cả mẹ và bé, bé có thể bú nằm hay ngồi đều được.

+ Tư thế ngồi: mẹ ở tư thế thoải mái, có điểm tựa để không bị mỏi và đau nhức ở thắt lưng và vùng cổ.Tư thế cho trẻ bú phải đúng để đảm bảo trẻ ngậm đúng khớp ngậm ti mẹ, đảm bảo các nguyên tắc:

       Đầu và thân trẻ nằm trên 1 đường thẳng;

       Toàn thân trẻ sát vào người mẹ, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ;

       Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú;

       Đối với trẻ sơ sinh, mẹ  đỡ đầu, vai, phần mông trẻ.

+ Tư thế nằm: mẹ nằm nghiêng 1 bên và đặt bé ngay bên cạnh. Em bé nằm nghiêng hướng về mẹ, bụng bé chạm bụng mẹ, sao cho tai – vai – hông bé phải nằm thẳng hàng.

Mẹ có thể dùng gối để tựa đầu, tựa lưng và kẹp giữa 2 gối sao cho thoải mái nhất. Lưu ý gối tựa đầu của mẹ phải đảm bảo không được quá gần đầu hay mặt bé. Mẹ dùng 1 tay để chặn gối lại để gối ko chạm vào bé. Tay còn lại mẹ dùng hỗ trợ bé nằm đúng tư thế và nâng đỡ bầu vú để bé dễ dàng ngậm bắt vú. Cuộn khăn hoặc mền lót phía lưng bé để hỗ trợ bé nằm nghiêng bú được dễ dàng.

Trước khi cho bé bú, mẹ cần vệ sinh sạch núm và bầu vú rồi nhẹ nhàng đưa núm vú vào môi bé. Động tác này giúp kích thích phản xạ bú của bé. Khi thấy bé há miệng, mẹ hãy ép sát miệng bé vào núm vú để trẻ bú mẹ một cách tự nhiên.

- Đúng khớp ngậm

Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo kích thích tăng tiết sữa mẹ và giúp trẻ có bữa ăn hiệu quả, giảm thiểu tình trạng nuốt hơi. Mẹ cần để miệng bé há rộng sao cho ngậm hết quầng vú, chạm nhẹ cằm vào vú, phần môi dưới của bé loe ra ngoài.

Khi bú, bé cần mút đều, căng hai bên má và mẹ nghe rõ nhịp mút sữa: nhịp thở : 1: 1 hoặc 2: 1. Tốt nhất nên cho bé bú hết sữa một bên vú rồi mới chuyển sang bên còn lại. Bé cần được bú sau mỗi 2 - 3 giờ, mỗi cữ bú khoảng 15 - 30 phút. Nếu nhận thấy bé bỏ bú 2 cữ, hay nôn, phản xạ mút quá yếu,... thì mẹ nên cho em bé sơ sinh đến khám bác sĩ Nhi khoa ngay.

Mẹ nên có tư thế thoải mái khi cho con bú và điều chỉnh cho bé bú đúng khớp ngậm

Mẹ nên có tư thế thoải mái khi cho con bú và điều chỉnh cho bé bú đúng khớp ngậm

2.2. Cho bé ngủ

Để cho bé có giấc ngủ dài và sâu, mẹ nên cho bé ngủ trong phòng yên tĩnh, ánh sáng yếu, thoáng mát và sạch sẽ. Nhiệt độ phòng thích hợp nhất với trẻ vào khoảng 28 độ C. Nhiệt độ phòng quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ và dễ khiến trẻ bị cảm lạnh.

Để kích thích bé dễ đi vào giấc ngủ và ngủ sâu, trước khi ngủ mẹ có thể tắm nước ấm và massage nhẹ nhàng cho con, bật nhạc dịu nhẹ để bé nghe khi ngủ. Khi đã được vệ sinh cơ thể sạch sẽ, bú no, có môi trường ngủ thoải mái, trẻ sẽ có giấc ngủ chất lượng.

3. Vệ sinh, tắm rửa cho em bé sơ sinh

3.1. Thay bỉm cho bé

Khi chọn mua bỉm cho em bé sơ sinh mẹ nên chọn kích cỡ phù hợp và ưu tiên lựa chọn chất liệu thấm hút tốt, mềm, thoáng. Ngay sau khi trẻ ị, mẹ nên thay bỉm luôn và vệ sinh sạch vùng kín của bé bằng nước ấm và khăn mềm theo chiều từ trước ra sau để tránh tình trạng hăm tã, viêm nhiễm. Trước khi mặc bỉm mẹ nên thoa kem chống hăm cho con.

3.2. Tắm cho bé

Trước khi tắm cho bé mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như: khăn tắm, khăn xô, quần áo, bao tay, mũ, dầu ấm, bông gòn, băng rốn, tăm bông, nước muối sinh lý 0.9%,... và rửa tay sạch, cắt gọn móng tay để tránh gây trầy xước da của bé.

Mẹ cần chuẩn bị cho bé chậu nước tắm có nhiệt độ 36 - 38 độ C và không gian kín gió rồi mới cho bé tắm. Trong khi tắm cho em bé sơ sinh, mẹ có thể bật nhạc cho bé nghe, trò chuyện âu yếm với bé để bé cảm thấy thư giãn và được yêu thương.

Sau khi tắm mẹ hãy nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt cho bé rồi lấy bông gòn để lau khô; dùng bông tăm lau sạch vùng tai ngoài cho bé. Mẹ cũng nên nhỏ nước muối sinh lý lên rơ lưỡi để vệ sinh bên trong miệng của bé.

Trước khi mặc quần áo, mẹ cần lấy bông gòn thấm nước muối sinh lý rồi lau khô rốn cho bé. Nếu bé chưa rụng rốn, mẹ không nên băng gạc mà hãy để rốn thoáng để tránh tình trạng ẩm ướt gây nhiễm trùng.

Cuối cùng, mẹ hãy mặc bỉm, quần áo cho bé và cho bé bú ngay nếu bé đang có nhu cầu ăn.

Trò chuyện trong khi vệ sinh cơ thể cho bé vừa giúp bé thoải mái vừa tạo ra trải nghiệm hạnh phúc cho mẹ

Trò chuyện trong khi vệ sinh cơ thể cho bé vừa giúp bé thoải mái vừa tạo ra trải nghiệm hạnh phúc cho mẹ

4. Theo dõi thân nhiệt của em bé sơ sinh

Cha mẹ nên trữ sẵn một chiếc nhiệt kế để kiểm tra thân nhiệt cho bé khi cần. Nếu cảm thấy thân nhiệt của trẻ tăng thì mẹ nên đo nhiệt độ để biết con có cần dùng đến thuốc hạ sốt không.

Bình thường, thân nhiệt của em bé sơ sinh vào khoảng 36.5 - 37.5 độ C. Trường hợp đo thân nhiệt của bé <36.5 độ C thì cần ủ ấm cho bé. Nếu nhiệt độ >37.5 độ C thì nên nới lỏng quần áo, bỏ bớt chăn, mũ, tất,... để theo dõi thân nhiệt và tăng cữ bú cho bé. Nhiệt độ >38 độ C chứng tỏ bé đã bị sốt, lúc này mẹ hãy cho bé uống thuốc hạ sốt theo liều khuyến cáo sau đó đưa bé đến gặp bác sĩ Nhi khoa kiểm tra.

Trong quá trình kiểm tra thân nhiệt cho em bé sơ sinh bằng nhiệt kế thủy ngân, cha mẹ cần lưu ý:

- Đo nhiệt độ ở nách: hãy đặt nhiệt kế vào giữa nách bé rồi giữ khoảng 2 phút rồi lấy ra, nhiệt độ đo được cộng thêm 0.5 độ C mới đúng là nhiệt độ thực tế.

- Đo nhiệt độ ở hậu môn: đặt nhiệt kế vào hậu môn bé rồi giữ 1 phút, sau đó rút nhiệt kế ra, nhiệt độ đo được chính là nhiệt độ thực tế của bé.

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ dàng hơn trong hành trình chăm sóc em bé sơ sinh của mình. Nếu gặp phải bất cứ khó khăn hay có thắc mắc nào liên quan đến sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống Y tế MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh chóng, hữu ích.

Từ khoá: em bé sơ sinh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ